Ông Dominic: Cần đẩy mạnh các nhà đầu tư tổ chức để tăng sức mua thị trường
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ năm 2017 - phiên Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, cùng với Nhóm công tác Đầu tư & Thương mại, Nhóm công tác Đất đai, Nhóm Thuế và nhóm về Cơ sở hạ tầng, đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn, ông Dominic Scriven đã chỉ ra nhiều điểm còn vướng mắc trong các quy định hiện hành.
Thị trường chứng khoán Việt Nam dù có quy mô vốn hóa đã tăng lên 175 tỷ USD với 700 tổ chức phát hành và đóng góp quan trọng về vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung dài hạn, nhưng ông Dominic Scriven thẳng thắn chỉ ra hiện rất còn nhiều việc phải làm để tăng cường sức lực và chất lượng của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trên tinh thần "tự cứu mình trước”.
Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ năm 2017 - Ảnh: Thanh Thủy
Nhóm công tác Thị trường vốn kiến nghị tới Diễn đàn doanh nghiệp hai nhóm giải pháp, tập trung chủ yếu vào biện pháp trước mắt. Còn giải pháp lâu dài nhằm hướng đến Luật chứng khoán mới sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cuối năm 2018. Một số kiến nghị đã được UBCKNN, NHNN phản hồi ngay tại phiên thảo luận.
Cụ thể, đối với sức mua trên thị trường tức là khả năng các công ty Việt Nam có thể huy động vốn trong và ngoài nước, Nhóm công tác Thị trường vốn cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ các nhà đầu tư tổ chức từ quỹ mở thành viên, cho phép các sản phẩm đầu tư tại các ngân hàng đến các chính sách ưu đãi thuế để thu hút nguồn tiền cho các các quỹ hưu trí tự nguyện.
Ông Dominic Scriven đề xuất cho phép thành lập quỹ mở thành viên. Tương tự như kiến nghị trước đó của Nhóm công tác Ngân hàng, Nhóm công tác Thị trường Vốn cũng đề xuất NHNN cần xem lại Thông tư 32/2016/TT-NHNN hiện đang không cho phép các đơn vị nước ngoài (văn phòng đại diện, chi nhánh các tổ chức nước ngoài, đại sứ quán, quỹ đầu tư nước ngoài....) trực tiếp mở tài khoản tại Việt Nam.
Đại diện phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng đã có những lý giải về vấn đề này sau đó Thông tư 32 xây dựng trên cơ sở Luật dân sự 2015 chủ thể gồm cá nhân, pháp nhân. Việc áp dụng Thông tư này là cần thiết để các hợp đồng không bị vô hiệu khi chiếu theo quy định của Luật dân sự.
Nhóm cũng kiến nghị NHNN xem xét cho phép các ngân hàng thương mại có chức năng phân phối sản phẩm đầu tư.
Một kiến nghị khác từng được Nhóm kiến nghị tại kỳ VBF trước tiếp tục được đề xuất lần này. Ông Dominic cho rằng cần dành thêm ưu đãi thuế cho Quỹ hưu trí tự nguyện để thu hút nhà đầu tư. Chính sách ưu đãi thuế cho việc đóng góp vào quỹ là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của các quỹ hưu trí tự nguyện.Ông Dominic cho rằng mức đóng góp 1-3 triệu đối với quỹ hưu trí tự nguyện kiến nghị nên xem xét lại.
Đại diện Nhóm công tác tại VBF -Nguồn: Diễn đàn đầu tư
Để tăng khả năng các nhà phát hành Việt Nam huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, Nhóm kiến nghị xem xét lại Nghị định 60. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu nước ngoài thường xuyên thay đổi trên thị trường. Với quy định từ Luật Đầu tư, các công ty phải đối phó với việc "nay là Ta, mai là Tây, mốt lại là Ta", đại diện Nhóm công ty nói.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cũng nhận định việc doanh nghiệp lúc là Tây lúc là Ta do vướng tại Luật đầu tư, xem xét chỉnh sửa sau. Tuy nhiên, đại diện UBCKNN cũng nhận định Nghị định 60 là bước tiến rất mạnh về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Bản thân UBCKNN đã chấp nhận cho nhiều doanh nghiệp được nới giới hạn tỷ lệ sở hữu.
Đối với việc thoái vốn tại DNNN đã hoàn tất cổ phần hóa, ông Dominic Scriven chỉ ra yêu cầu cần tăng mức xử phạt đối với các DNNN đã cổ phần hóa nhưng không chịu lên sàn.
Hiện TTCK Việt Nam đã có Nghị định 145 liên quan đến xử phạt. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Sơn mức xử phạt trọng Nghị định gặp giới hạn, đó là không thể vượt được Luật xử lý vi phạm hành chính, quy định mức phạt không vượt quá 300 triệu đồng.
Quan điểm của vị đại diện UBCKNN cho rằng bên cạnh việc áp dụng các biện pháp xử phạt, quan trọng hơn là nhận thức của các doanh nghiệp. Và theo ông, nhận thức của các doanh nghiệp đã cải thiện hơn trước. Liên quan đến quản trị công ty, tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71. Đây là bước tiến lớn trong quản trị công ty lấy các thông lệ tốt trên quốc tế. Tới đây, UBCKNN sẽ ban hành sổ tay về quản trị công ty, giúp các doanh nghiệp quản trị tốt hơn.
Để việc thực hiện thoái vốn DNNN sau cổ phần hóa hiệu quả, ông Dominic Scriven cũng đề nghị tham khảo thực hiện thoái vốn theo phương thức dựng sổ như một số tổ chức thành công là Vietjet, VPBank,… Ông Sơn cho biết Bộ Tài chính đang xem xét sửa đổi Nghị định 59 trong đó có bổ sung thêm phương thức dựng sổ để minh bạch hóa và hiệu quả hơn trong việc chuyển đổi DNNN sang công ty cổ phần.
Đối với giải pháp dài hạn, Nhóm công tác kiến nghị Luật Chứng khoán sửa đổi có thể tính đến việc nâng cấp quyền hạn đối với cơ quan quản lý đối với việc thanh tra trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo cập nhật từ đại diện UBCKNN, tháng 7 tới, UBCKNN sẽ trình Chính phủ Luật chứng khoán sửa đổi trên cở sở kế thừa Luật Chứng khoán cũ và khó khăn vướng mắc của thị trường như định nghĩa rõ về chứng khoán, tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thẩm quyền của UBCKNN. Ông Sơn kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi có thể trình Quốc hội vào cuối năm 2018.