Ông Đặng Văn Thành: Khả năng rất lớn sẽ trở lại với ngân hàng
Chia sẻ về khả năng trở lại với ngành ngân hàng tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2016, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công nói: "Nếu có điều kiện, tôi sẵn sàng".
Ông Thành nói thêm, bức tranh ngành ngân hàng bây giờ, không phải chỉ riêng bản thân ông, những người "có nghề" còn yêu nghề thì cũng nên trở lại. Ông Thành đề cập với trách nhiệm của công dân và máu nghề nghiệp thì khả năng trở lại của ông rất lớn. "Nếu có điều kiện, tôi sẵn sàng, tôi còn động viên 1 số anh em như anh Trần Mộng Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT ACB - PV) quay trở lại góp sức với Ngân hàng nữa", ông Thành cho biết.
Ông Đặng Văn Thành, sinh năm 1960 là cái tên không còn xa lạ trong giới tài chính - ngân hàng Việt Nam. Ông là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (Mã: STB) từ năm 1994 đến năm 2011. Đến tháng 11/2012, ông Thành thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT STB và thay thế bởi ông Phạm Hữu Phú. Gia đình ông Thành cùng các công ty liên quan bán hết cổ phần tại Sacombank.
Trong khi ông Thành "ra đi" thì ông Trầm Bê, thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Sacombank. Tính tới cuối năm 2012, gia đình ông Trầm Bê mua vào cổ phần STB và nắm giữ 6,7% vốn điều lệ ngân hàng này.
Ngoài gắn bó với ngân hàng, ông Thành còn tham gia vào các mảng kinh doanh khác như mía đường (Tập đoàn Thành Thành Công), bất động sản (Sacomreal).
Ông Thành cũng chia sẻ thêm về việc đầu năm 2017, dự kiến ông sẽ có một công ty mía đường "cực lớn", mở rộng hơn nữa về thị phần. Công ty cũng sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, chủ động xây dựng lại mối quan hệ với nông dân; tổ chức công nghệ xuất khẩu châu Âu, đáp ứng chất lượng người tiêu dùng theo công tác quản trị, điều hành; đưa sản phẩm đường phèn, đường nước, đường túi ra thị trường, hiện đã xuất khẩu sang Singapore.
Hiện tại, theo xác nhận từ 2 phía, Thành Thành Công đang thương lượng mua lại 6.000 ha vùng mía nguyên liệu và nhà máy đường công suất 700 tấn mía/ngày của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Giá trị thương vụ ước chừng 2.200 tỷ đồng.