Ocean Group: Kiểm toán không thể đánh giá khả năng thu hồi nợ
CTCP Tập đoàn Đại Dương ( Ocean Group - Mã: OGC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2016 soát xét.
Theo kiểm toán, tại ngày 30/6/2016, Công ty mẹ Ocean Group và CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (Mã: OCH) đang ghi nhận một số khoản trả trước cho người bán ngắn hạn, dài hạn và các khoản phải thu ngắn hạn khác, khoản đầu tư góp vốn vào các đơn vị sau khi đã trích lập dự phòng với số tiền 539,8 tỷ đồng, giảm 67,5 tỷ đồng so với đầu năm.
Tại ngày lập báo cáo soát xét bán niên (29/8/2016), OGC cùng các đối tác liên quan chưa cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu liên quan về các giao dịch hợp nhất này.
OGC đang ghi nhận một số khoản phải thu về cho vay là các khoản hỗ trợ vốn ngắn hạn cho một số công ty và lãi dự thu tương ứng sau khi trích lập dự phòng và bù trừ công nợ, tài sản đảm bảo với số tiền 721 tỷ đồng, giảm 142 tỷ đồng so với đầu năm.
Phải thu về cho vay của OGC tính đến 30/6/2016. |
Đồng thời, OGC đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi với khoản phải thu Công ty SDCON tại CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long – công ty con của OGC với số tiền 333 tỷ đồng.
Đối với các số dư trên, công ty kiểm toán AASC không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần trích lập. Do đó, AASC không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số dư khoản mục dự phòng cho các số liệu trên hay không.
Ngoài ra, OGC có khoản tiền ứng trước cho dự án tại Quảng Ninh với số tiền 1,2 tỷ đồng, khoản ký quỹ để triển khai một số dự án đầu tư tại Quảng Ninh 51 tỷ đồng và tổng hợp chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án tập hợp được số tiền là 45,6 tỷ đồng, tương đương đầu năm.
Kiếm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai của các dự án trên bằng các thủ tục thay thế. Do đó AASC không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên hay không.
Với những ưu ý trên, AASC nhấn mạnh về việc tồn tại các yếu tố chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty mẹ OGC.
Bên cạnh đó, OGC đang đánh giá một số khoản phải thu từ cho vay ngắn hạn, dài hạn khác cho một số công ty với số tiền 883 tỷ đồng, tăng 106 tỷ đồng so với đầu năm. OGC cho rằng các khoản này có khả năng thu hồi trên cơ sở bù trừ công nợ, mặc dù OGC chưa ký thỏa thuận với các đối tác này về việc bù trừ công nợ phải thu, phải trả phát sinh từ các hợp đồng kinh tế khác nhau.
Công ty có một số nghĩa vụ tiềm tàng theo các điều khoản ký kết trong hợp đồng nguyên tắc liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần CTCP Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương. OGC chưa đánh giá và trình bày các nghĩa vụ tiềm tàng phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc nêu trên báo cáo.
OGC đang trong quá trình đánh giá liệu có hay không các nghĩa vụ tiềm tàng phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc nêu trên trong báo cáo tài chính hợp nhất, kiểm toán chỉ ra.
Tại ngày 30/6/2016, OGC đang ghi nhận khoản chênh lệch thiếu tiền mặt giữa tồn quỹ thực tế và số dư trên sổ sách kế toán với số tiền 3,5 tỷ đồng trên mục “Tài sản chờ xử lý”, tương đương mức đầu năm. OGC cũng đang trong quá trình xác định để xử lý và thu hồi.
Thuyết minh số 4(e)(3) và 18(1), tại thời điểm 30/6/2016, OGC đang trong quá trình làm việc với Ngân hàng TMCP Quốc Dân về việc thống nhất xử lý tài sản thế chấp và nghĩa vụ thanh toán khoản gốc, lãi vay phát sinh.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng lưu ý về các khoản nợ tiềm tàng. Theo báo cáo tài chính, tính đến 30/6/2016, OGC có khoản đầu tư tài chính gần 61 tỷ đồng, giảm gần 50% so với đầu năm, trong đó dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh là gần 35 tỷ đồng đến gần như toàn bộ từ khoản đầu tư vào CTCP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam (Mã: PVR).
Cũng theo báo cáo, OGC còn nắm 37,5% vốn tại CTCP Chứng khoán Đại Dương (Mã: OCS), giá trị ghi sổ còn 192 tỷ đồng và 21% vốn tại CTCP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang tương đương 104 tỷ đồng. Ngoài ra, OCH đã rút 189 tỷ đồng đầu tư tại Novotel Imprial Hội An Resort, 52 tỷ đồng khỏi CTCP Phát triển Kinh doanh Công trình Công nghiệp VietSing.
Các khoản phải thu ngắn hạn 2.325 tỷ đồng, trong đó dự phòng khó đòi chiếm 2.501 tỷ đồng. Các khoản phải thu dài hạn 860 tỷ đồng, trong đó trả trước cho người bán gần 1.184 tỷ đồng. Dự phòng khó đòi lên 832 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm.
Trong đó OGC còn 500 tỷ đồng phải thu từ ông Hà Trọng Nam theo hợp đồng chuyển nhượng 634.700 cổ phần CTCP Tràng Tiền từ một nhóm cổ đông ngày 25/10/2010. Hai bên có thỏa thuận dừng thực hiện chuyển nhượng cổ phần và ông Hà Trọng Nam có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ gốc và lãi tối đa trong vòng 3 năm kể từ thời điểm ký kết. Qua đó, OGC đã lập dự phòng toàn bộ 100% giá trị khoản trên.
Đáng chú ý là OGC không còn khoản bất động sản đầu tư, đầu năm là gần 132 tỷ đồng.
Tổng cộng tài sản tính đến giữa năm 2016 là 6.395 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm hơn 77%, tương đương 4.942 tỷ đồng. Chiếm nhiều nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với 1.094 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Kế đến phải trả dài hạn khác 737 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn với 493 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, nửa đầu năm OGC đạt doah thu 392 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính đạt khoảng 53 tỷ đồng, giảm một nửa cùng kỳ. Mặt khác, OGC có khoản lỗ liên doanh liên kết hơn 23 tỷ đồng. Chi phí doanh nghiệp tăng vọt lên 486 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.
Kết quả OGC lỗ ròng 472 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 23 tỷ đồng. Qua đó, lỗ lũy kế tính đến 30/6/2016 lên đên 2.229 tỷ đồng.