OCB và mức chi bình quân 4,5 triệu đồng hàng tháng cho nhân viên
Tại sao chi phí nhân viên bình quân của OCB lại ở mức thấp nhất?
Theo báo cáo tài chính quí II của OCB, chi phí nhân viên nửa đầu năm mặc dù đã tăng hơn 30% so với cùng kì năm trước nhưng cũng chỉ ở mức 195 tỉ đồng và nằm trong ba ngân hàng có chi phí này thấp nhất trong số 21 ngân hàng khảo sát.
Hai ngân hàng cùng ở mức thấp với OCB là VietBank và PG Bank. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là số lượng nhân viên của OCB lại cao hơn rất nhiều so với hai ngân hàng còn lại. Số lượng nhân viên trung bình trong kì của OCB đạt hơn 7.200 người trong khi VietBank là 2.000 người và PG Bank là gần 1.600 người.
Khác biệt này khiến cho con số chi phí hàng tháng cho mỗi nhân viên OCB nằm ở mức thấp nhất trong các ngân hàng chỉ với 4,5 triệu đồng.
Chi phí bình quân tháng của OCB ở mức thấp nhất. (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp)
Như đã đề cập đến trong bài trước đó, mức chi phí thấp này không phải mới có trong năm 2019 mà đã có từ những năm trước. Con số của cùng kì năm trước là 4,6 triệu đồng/tháng và trong cả năm là 7,87 triệu đồng/tháng.
Sự chênh lệch của con số 6 tháng đầu năm và cả năm cho thấy OCB đã chi nhiều hơn cho nhân viên vào nửa cuối năm. Đây có lẽ là do chính sách phân bổ chi phí của từng ngân hàng.
Nguồn: BCTC quí II/2019 của OCB
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đây không phải là thu nhập thực tế của nhân viên tại OCB. Bởi vì theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 của OCB, mức chi hàng tháng cho nhân viên (7,87 triệu đồng) chỉ chưa bằng một nửa con số thu nhập bình quân hàng tháng (16 triệu đồng).
Cụ thể, tổng thu nhập từ lương của nhân viên đạt 1.104 tỉ đồng, gần gấp đôi mức chi phí cho nhân viên trong năm (623 tỉ đồng).
Trong khi đó, theo thuyết minh BCTC thì chi phí nhân viên đã bao gồm chi lương và phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, trợ cấp và một số khoản chi khác.
Nguồn: BCTC năm 2018 của OCB
Trong khi đó, khảo sát từ báo cáo tài chính của một số ngân hàng khác, sự chênh lệch giữa chi phí cho nhân viên và thu nhập của nhân viên lại không quá lớn, thậm chí thu nhập thường ở mức thấp hơn.
Vậy điều gì đã tạo ra sự khác biệt này? Và ngoài phần ghi nhận trong chi phí cho nhân viên, OCB còn chi cho nhân viên qua khoản mục nào một nửa thu nhập còn lại?
Có lẽ điểm khác biệt của hai con số này xuất phát từ việc hạch toán các khoản chi phí cho nhân viên của OCB.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của OCB, khoản chi cho hoạt động quản lí công vụ ở mức khá cao hơn 911 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với khoản chi cho nhân viên và đây là tài khoản có nhiều khả năng là nơi "chi thêm tiền" cho nhân viên của OCB.
Nguồn: BCTC năm 2018 của OCB
OCB và chiến lược tăng qui mô trong 6 năm trở lại đây
Nhìn lại quá trình tăng trưởng về qui mô và số lượng nhân viên của OCB trong 6 năm trở lại đây có thể nhận thấy số lượng nhân viên của OCB tăng khá nhanh từ 1.879 người vào cuối năm 2013 lên hơn 7.000 người vào cuối tháng 6/2019, tương đường tăng 278%.
Vào cuối năm 2018, số lượng nhân viên của OCB đã từng lên tới 7.408 người.
Trong khi đó số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng tăng ở mức thấp hơn nhiều là 37% từ 94 điểm lên 129 điểm.
Số lượng nhân viên và chi nhánh của OCB từ năm 2013 đến tháng 6/2019
Nguồn: Diệp Bình tổng hợp
Từ năm 2013 tới nay, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng 229% đạt mức 108.039 tỉ đồng, cho vay khách hàng và số dư tiền gửi khách hàng cũng tăng tương ứng. Trong khi đó vốn điều lệ chỉ tăng ở mức khiêm tốn hơn từ 3.234 tỉ đồng lên 6.599 tỉ đồng, tăng 104%.
Biến động về tổng tài sản, cho vay khách hàng và vốn điều lệ của OCB qua các năm
Nguồn: Diệp Bình tổng hợp
Mặc dù qui mô về chi nhánh, nhân viên và tài sản trong ba năm từ 2013 - 2015 đều tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ. Mãi tới năm 2016 OCB mới có thể bứt ra khỏi xu hướng này và tăng dần trong các năm sau 2017 - 2018.
6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của OCB đạt 894 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.117 tỉ đồng, chỉ đạt 34% kế hoạch năm (3.200 tỉ đồng).
Trong năm 2019, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng 20% về tổng tài sản, 38% về vốn điều lệ và 45% về lợi nhuận trước thuế.
Lợi nhuận và tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng qua các năm
Nguồn: Diệp Bình tổng hợp