|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

OCB sắp chia cổ tức tỷ lệ 20%

17:58 | 15/08/2024
Chia sẻ
Theo thông báo, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 30/8. Dự kiến vốn điều lệ sau phát hành của OCB sẽ lên gần 24.700 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhằm thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu là 30/8. 

Dự kiến ngân hàng sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 20%. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ lên gần 24.658 tỷ đồng.

Với việc nắm giữ 15% vốn tại OCB, cổ đông chiến lược Aozora Bank sẽ nhận được hơn 61,6 triệu cổ phiếu. Các cổ đông khác nắm giữ trên 1% vốn tại OCB dự kiến nhận về 269,6 triệu cổ phiếu. 

Ngoài kế hoạch trên, OCB cũng dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu ESOP mới sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, mỗi năm được giải tỏa 25%.

Ngân hàng cũng lên kế hoạch chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ với tổng giá trị dự kiến chào bán tối đa hơn 8,8 tỷ đồng. Mức giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất với thời điểm phát hành. Thông tin tại ĐHĐCĐ cho biết OCB phải chào bán riêng lẻ để đảm bảo Aozora Bank duy trì tỷ lệ sở hữu 15% sau phát hành ESOP. 

Với ba phương án trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ mức 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới chỉ có văn bản chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu OCB từ đầu năm đến ngày 15/8. (Ảnh: TradingView).

Về kết quả kinh doanh, nửa đầu năm 2024, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.113 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ. Việc gia tăng chi phí dự phòng và chi phí hoạt động đã khiến lợi nhuận của OCB giảm so với cùng kỳ.

Cuối quý II/2024, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 238.884 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 6,3%. Số dư nợ xấu của ngân hàng ở mức 4.767 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 3,12%, tăng 0,47 điểm % so với đầu năm. 

Minh Quang

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.