Ồ ạt trồng mít Thái ở đồng bằng sông Cửu Long
Nông dân xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang chăm sóc vườn mít Thái mới trồng trên đất lúa - Ảnh: THANH TÚ
Tại Tiền Giang, bất chấp những cảnh báo, cây mít Thái vẫn đang được liên tục trồng mới. Đến nỗi không lãnh đạo cơ quan chức năng nào trả lời chính xác được diện tích cây mít Thái hiện có bao nhiêu.
Rộ phong trào trồng mít Thái
Nếu như các xã phía nam quốc lộ 1 từ huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy đến Châu Thành... nông dân chủ yếu trồng xen hoặc trồng thay cây trồng đã già cỗi thì ở các xã phía bắc quốc lộ 1, nông dân đã ồ ạt trồng mít Thái trên nền đất lúa.
Ông Nguyễn Văn Chính - nông dân ấp 7, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, đang đắp mô 5 công ruộng để trồng mít Thái - cho hay mấy vụ lúa vừa qua giá lúa có 80.000-90.000 đồng/giạ nên không có lời, trong khi trồng mít một công kiếm vài trăm triệu đồng như chơi.
Kế nhà ông Chính, ông Huỳnh Công Phương cũng lên liếp trồng mít Thái. Ông Phương cho rằng trồng lúa dữ lắm cũng chỉ kiếm lời 1,2-1,8 triệu đồng/công.
"Giá một trái mít Thái bằng một công lời (tiền lời một công ruộng trong một vụ) thì hỏi sao nông dân tụi tui không làm" - ông Phương nói.
Và giải thích: "Lúc giá lúa rẻ, có ông chính quyền nào đến ruộng kêu thương lái mua lúa cao cho nông dân đâu? Giờ giá mít đang cao, trồng ăn được vài năm rồi giá rẻ cũng không sao. Chứ bám hoài cây lúa chắc chết".
Ông Nguyễn Văn Bằng, chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, cho rằng việc đổ xô trồng mít Thái trên nền đất lúa là do nông dân tự phát, huyện đã báo cáo tỉnh và đang chờ hướng dẫn xử lý.
Không chỉ cây lúa bị cây mít Thái "đè", cây khóm ở huyện Tân Phước, Tiền Giang cũng vậy. Ông Huỳnh Văn Bườn, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, cho biết khoảng 2 năm nay diện tích mít Thái trên địa bàn tăng từ vài chục hecta nay lên trên 400ha.
Thu nhập cao
Nhiều tỉnh thành khác cũng ồ ạt trồng mít Thái tương tự Tiền Giang. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Vĩnh Long, tỉnh đã có hơn 523ha mít Thái và đang tăng nhanh. Ở huyện Bình Tân, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, nông dân huyện đã trồng mới thêm 60ha.
Ông Phan Văn Bình (ngụ xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) - người vừa trồng thêm 600 cây mít Thái - cho biết nếu không bất ổn về giá, mỗi năm 1 công mít Thái cho thu nhập 170-200 triệu đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều hộ như ông Bình dành hết đất đai để trồng mít.
Ông Nguyễn Trí Nghiệp (ngụ xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ), người có hàng chục năm nghiên cứu và phát triển cây giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, cho rằng "mít Thái được người tiêu dùng ưa chuộng do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp".
Tuy nhiên, ông Nghiệp cũng thấy lạ là giá cả mít thương phẩm luôn ở mức cao, duy trì 40.000-60.000 đồng/ký.
"Nỗi lo lớn nhất hiện nay là bà con nông dân trồng mít Thái ồ ạt, trồng quá dày gây ảnh hưởng đến tuổi thọ, chất lượng quả. Tôi khuyến cáo bà con trồng theo mô hình sạch để tăng tính cạnh tranh, không rơi vào cảnh dư thừa, bị ép giá và chặt bỏ" - ông Nghiệp nói.
Giá cao hay sẽ lại phải giải cứu?
Theo thạc sĩ nông học Nguyễn Phước Tuyên - nguyên trưởng phòng nghiên cứu khoa học và thông tin Sở NN&PTNT Đồng Tháp, thị trường Trung Quốc đầy rủi ro khi nước này đang đòi hỏi tất cả nông sản qua Trung Quốc đều phải theo con đường chính ngạch, kiểm dịch chặt và truy xuất được nguồn gốc, trong khi phía nhà vườn và doanh nghiệp VN chưa chuẩn bị gì cả.
Ông Tuyên đặt vấn đề: "Từ khi trồng đến 2 năm sau mới có trái, liệu mít thời điểm đó còn giá cao hay tiếp tục giải cứu?".
"Sở dĩ giá mít Thái tăng cao thời gian qua vì hầu hết các nước trồng mít ở vùng cao, thiếu nước tưới trong mùa nắng nên không có mít cung ứng vào thời gian này.
Trong khi đó đồng bằng sông Cửu Long lại có nhiều nước tưới vì trồng ở khu vực đất thấp, nhưng về lâu dài mít của đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhiều sâu bệnh hơn, giá thành sản xuất cũng cao hơn" - ông Tuyên nói.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cũng lo lắng: "Mít Thái phát triển quá nóng ở VN, có nguy cơ vỡ trận rất lớn". Tuy nhiên, ông Châu cho rằng nếu trồng theo hướng hữu cơ, mít Thái sẽ có thị trường.
"Mít Thái Lan đang trồng là mít lá bàng. Trong khi loại mít Thái đang trồng ở VN chỉ trồng ở nước ta và Lào. Mít VN nếu sợ xuất sang các thị trường bấp bênh như Trung Quốc có thể nghiên cứu xuất sang các thị trường gần và tiềm năng là các nước Trung Đông" - ông Châu nói.
Trung Quốc đã trồng 180.000ha Thạc sĩ nông học Nguyễn Phước Tuyên, nguyên trưởng phòng nghiên cứu khoa học và thông tin Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết theo thống kê của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) năm 2017, sản lượng mít trên thế giới là 3,7 triệu tấn. Hiện VN đã trồng 55.000ha mít Thái.
Đặc biệt, gần đây FAO ghi nhận Trung Quốc vừa mới phát triển diện tích mít lên 180.000ha. Trung Quốc cũng đang là thị trường chủ lực nhập khẩu mít của VN.
Có ngày bán cả ngàn cây giống
Không khó để nhận biết loại cây trồng nào đang hút hàng khi dạo quanh một vòng "vương quốc cây giống Cái Mơn" tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
"Tùy từng thời điểm, loại cây nào đang được các nhà vườn trồng nhiều thì mình sẽ sắp xếp cho ra mặt tiền, như thời gian qua là giống mít Thái" - ông Nguyễn Văn Bình, chủ một cơ sở cây giống ở huyện Chợ Lách, nói.
Ông Bình cho biết có những ngày ông bán ra hàng ngàn cây mít giống. Trong khoảng nửa năm qua, người trồng mít chủ yếu là những người đến từ các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp...
Ông Bình tự tin giới thiệu: "Đầu ra của loại trái cây này thì anh cứ yên tâm mà trồng. Trung Quốc đã ký cam kết tiêu thụ lâu dài với mình rồi thì không sợ ế...".