|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nước ngoài và tư nhân đầu tư hơn 11,5 tỉ đô la vào ngành điện

22:00 | 01/02/2019
Chia sẻ
Tính đến năm 2017 đã có khoảng 9,8 GW nhà máy nhiệt điện do nước ngoài đầu tư và 3,4 GW thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời) được tư nhân trong nước đầu tư, tương ứng với khoảng 8,5 tỉ đô la từ đầu tư quốc tế vào nhiệt điện và khoảng 3 tỉ đô la từ đầu tư tư nhân trong nước.
nuoc ngoai va tu nhan dau tu hon 115 ti do la vao nganh dien
Vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước vào ngành điện tính theo công suất phát điện.

Theo báo cáo “Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển năng lượng” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 12-2018 thì tính đến năm 2017, công suất phát điện được tư nhân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 28% trong tổng công suất đặt 39 GW của cả nước.

WB cho rằng khu vực tư nhân trong nước tham gia vào thị trường điện chủ yếu vào phát triển các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo. Hiện nay Chính phủ đang đưa ra các ưu đãi đầu tư cho năng lượng tái tạo. Đối với thủy điện, ưu đãi đó là chi phí tránh được của nhiệt điện, chi phí này thay đổi theo vùng. Đối với năng lượng mặt trời, đó là biểu giá năng lượng tái tạo ưu đãi hòa lưới (viết tắt là FIT) tương đối cao với giá 0,0935 đô la/kWh. FIT hiện tại đối với điện gió trên bờ và gần bờ tăng lên tương ứng là 0,085 đô la/kWh và 0,098 đô la/kWh vào tháng 9-2018 nhằm thu hút thêm đầu tư. FIT của điện mặt trời và điện gió (cũng như giá của các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập được phê duyệt gần đây) đã vượt quá chi phí mua điện bình quân 0,072 đô la/kWh.

Cho đến nay, các dự án năng lượng tái tạo chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước phát triển và một số tập đoàn lớn như Bitexco, HAGL, TTC và Hưng Lộc Phát cũng đã đầu tư vào lĩnh vực này. Cũng có một số nhà đầu tư tư nhân nhỏ hơn huy động vốn cho các dự án đến 30 MW. Ngoài việc đầu tư từ vốn chủ sở hữu, các bên phát triển dự án cũng vay nợ chủ yếu từ các ngân hàng thương mại trong nước trên cơ sở khoản vay doanh nghiệp.

Theo báo cáo của WB, trước đây, đầu tư nước ngoài vào ngành than và ngành khí thường yêu cầu Chính phủ Việt Nam bảo lãnh thanh toán.

Các nhà đầu tư dùng bảo lãnh và cam kết của Chính phủ để bảo hiểm một số rủi ro nhất định của Việt Nam, bao gồm việc các doanh nghiệp nhà nước không thực hiện các nghĩa vụ về bao tiêu và cung cấp, chuyển đổi đồng Việt Nam, điều chỉnh lạm phát và các nghĩa vụ thanh toán chấm dứt sớm.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể vào cung cấp vốn một số nhà máy nhiệt điện lớn. Mặc dù Việt Nam đang được hưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá lớn, với FDI năm 2016 chiếm khoảng 8% GDP (tương đương khoảng 16 tỉ đô la mỗi năm), thì theo báo cáo này, chỉ một phần khá nhỏ trong đó đầu tư vào năng lượng. Trong giai đoạn 1990-2016, tổng đầu tư FDI vào ngành điện khoảng 8 tỉ đô la, khi các nhà đầu tư quốc tế cung cấp vốn cho một số dự án điện khí và điện than lớn.

Gần đây, nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho các dự án năng lượng ở Việt Nam đã gia tăng trở lại. Năm 2017, FDI vào sản xuất điện khoảng 8,4 tỉ đô la (chiếm 23% tổng FDI năm 2017), cao hơn tổng vốn đầu tư huy động được trong cả thập kỷ trước đó. Có ba dự án điện lớn được đầu tư từ FDI Nhật Bản và Singapore, gồm nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 2,8 tỉ đô la, nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 có vốn 2,6 tỉ đô la, nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 có vốn 2,1 tỉ đô la, tất cả đều theo hình thức BOT có hỗ trợ của Chính phủ. FDI Hàn Quốc cũng đang cung cấp vốn cho dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn 1,3 tỉ đô la.

Trong nửa đầu năm 2018, có 8 dự án điện gió và mặt trời được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cam kết với số vốn khoảng 1,5 tỉ đô la.

Hòa Tân