Nước mắm công nghiệp và ‘truyền thông bất lương’
11 năm trước, nước tương truyền thống đã bị đánh gục trên thị trường. Cách thức xuất hiện cũng giống kịch bản hôm nay: Tạo ra sự sợ hãi bằng việc công bố trong nước tương có chất 3-MCPD có khả năng gây ung thư.
Nước tương Chin-Su và truyền thông “khổ nhục kế”
Tháng 7-2005.
Đầu tiên là một tin được tung ra trên các tờ báo lớn, một tổ chức ở Bỉ cáo buộc nước tương Chin-Su chứa 3-MCPD. Sau đó là một chiến dịch truyền thông rầm rộ về nguy cơ ung thư của chất này. Tiếp nữa, một vài siêu thị trong hệ thống Citimart rút Chin-Su khỏi kệ hàng và truyền thông ồ ạt đến đưa tin. Sau đó, hàng loạt nhãn nước tương truyền thống và công nghiệp được đưa đi thử nghiệm và ra kết quả: Chin-Su không chứa chất 3-MCPD, trong khi... đại đa số nhãn nước tương truyền thống chứa chất này ở mức vượt ngưỡng.
Tiếp nữa là chiến dịch “pha loãng thông tin” (một chiêu nhỏ trong quản trị khủng hoảng truyền thông) bằng các tin tích cực liên quan đến Chin-Su, những thông tin ban đầu bị đẩy xuống dưới trong bảng tìm kiếm trên mạng. Các báo mạng gỡ bài về vụ Bỉ cáo buộc nước tương Chin-Su có chất cấm, nó biến mất như chưa hề xuất hiện. Thay vào đó, quảng cáo về Chin-Su xuất hiện trên tờ báo đầu tiên “đánh” Chin-Su. Tiếp nữa, Chin-Su tung ra một chiến dịch quảng cáo tiền tấn, mua nguyên trang nhiều tờ báo trong nhiều số và các giờ vàng quảng cáo truyền hình để đưa duy nhất là một công văn cam kết Chin-Su… không chứa 3-MCPD.
Vài tháng sau, với tâm lý “Trời ơi, lâu nay ăn chất gây ung thư mà không biết”, các bà nội trợ loại nước tương truyền thống ra khỏi bữa ăn gia đình. Thay vào đó, Chin-Su có mặt trong tất cả nhà bếp Việt.
Kịch bản lặp lại với nước mắm
Tháng 10-2016.
Kịch bản lặp lại với nước mắm. Tuy nhiên, lần này đại gia nước mắm công nghiệp tỏ ra vô can khi khởi đầu là Hội Bảo vệ người tiêu dùng, một cách tự phát, mang cả trăm mẫu mắm đi kiểm nghiệm. Và “do kinh phí eo hẹp” (như giải thích của Phó Tổng Thư ký hội Vương Ngọc Tuấn) nên họ chỉ kiểm nghiệm thạch tín (asen) trong nước mắm. Kết quả là nước mắm truyền thống có chỉ số asen vượt ngưỡng: “Đặc biệt, có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ”.
Tuy nhiên, cơ quan này không hề giải thích giữa hai loại asen hữu cơ và vô cơ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại mà kết luận: “Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng asen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/lít. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm asen tổng cho thấy 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này”. Đồng thời nhấn mạnh “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng” nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống. Báo chí theo đó ồ ạt đưa tin.
Điều khiến dư luận nghi ngờ động cơ của việc kiểm nghiệm và công bố là tại sao chỉ kiểm nghiệm mỗi hàm lượng asen và cứ thế công bố nước mắm truyền thống chứa asen vượt ngưỡng mà lờ đi chuyện quan trọng nhất: Asen trong mắm truyền thống là asen hữu cơ, không có hại.
Vài ngày sau khi hội này công bố hàm lượng asen như đã nói ở trên, Masan (Công ty Cổ phần Công nghiệp Masan, chủ nhãn hàng nước mắm Nam Ngư) đưa ra quảng cáo ồ ạt việc hàm lượng asen trong nước mắm của mình an toàn.
Kịch bản lần này được đẩy lên một cấp cao hơn vụ nước tương 11 năm trước, dù vẫn trên nền tảng tâm lý sợ hãi của người tiêu dùng. Đấy là thay đổi tâm lý tiêu dùng dựa trên nhận thức sản phẩm. Từ chỗ “mắm phải làm từ cá” thì nay “mắm có mùi vị và tinh chất cá” + “không asen”.
Kịch bản này có vẻ đã gần thành công nhưng bây giờ thì không.
Tờ rơi liệt kê các thương hiệu và nói xấu nước mắm truyền thống được phân phát tới người tiêu dùng và tiểu thương khắp các chợ. |
“Truyền thông bất lương”
Dư luận liên tục bóc mẽ. Chuyên gia PR Nguyễn Phạm Khánh Vân đã trưng ra những email mà theo chị được gửi đến từ người của một đơn vị bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị chị công bố nhận định về sự mất an toàn của nước mắm truyền thống. Không chỉ Khánh Vân, những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực truyền thông và an toàn thực phẩm cũng được mời mọc công bố.
Sự trùng hợp về thời điểm Vinastas công bố danh sách nước mắm nhiễm asen và chiến dịch quảng cáo “nước mắm không nhiễm asen” của Masan khiến người ta cho rằng những sự kiện này đã được sắp đặt. Dư luận lập tức phản ứng. Nhiều khách hàng tuyên bố trên trang cá nhân và dấy lên phong trào tẩy chay nước mắm công nghiệp. Nhà báo Hoàng Công Tâm (Ninh Thuận) viết trên Facebook cá nhân: “Ngày nào tôi còn sống thì bếp nhà tôi không bao giờ có một chai nước mắm của Masan”. Tương tự, nhà báo Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Bộ Y tế, cũng tuyên bố tẩy chay nước mắm của Masan. Chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa và nhiều người khác cũng tuyên bố tẩy chay. Nhiều người khác viết rằng: “Mắm phải làm từ cá”… Có hàng vạn Facebook đã nêu sự phản đối này liên tục những ngày qua.
Tới giờ, chưa thể nói chuyên gia hoặc công ty truyền thông nào đứng sau vụ này. Tuy nhiên, có vẻ như có âm mưu và kịch bản triệt hạ nước mắm truyền thống bằng truyền thông bẩn. Ngày 21-10-2016, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn gọi việc công bố và đăng tải các nội dung mập mờ về hàm lượng asen trong nước mắm truyền thống là “những dấu hiệu bất lương” về sự câu kết giữa doanh nghiệp và báo chí trong vụ này.
Tự hủy hoại hình ảnh
Nếu đây là kịch bản được doanh nghiệpvà các chuyên gia tư vấn truyền thông thương hiệu dựng lên thì có lẽ họ đã không lường hết sự thể lại ra nỗi này. Thứ nhất, họ quên rằng nước mắm truyền thống chứa trong nó văn hóa và dân tộc tính. Nếu lập “Hội những người yêu mắm”, nó có thể có số hội viên đông hơn bất kỳ hội đoàn nào ở xứ này. Sai lầm khi cho rằng nước mắm công nghiệp có thể một sớm một chiều thay đổi hình ảnh những nhà chượp Phú Quốc, Phan Thiết, Cà Ná.
Thứ hai, khi những gian dối, mập mờ trong việc công bố hàm lượng asen bị lật tẩy, chiêu trò lợi dụng thông tin “chính thống” ban đầu (nhân danh đạo lý, hội hè, kiểm nghiệm) nhanh chóng bị phơi bày. Quy trình kiểm nghiệm tự phát, công bố ỡm ờ bị vạch ra. Cho dù phó tổng thư ký Vinastas khẳng định việc kiểm nghiệm ấy là độc lập thì dư luận vẫn không tranh cãi, mặc định luôn là đại gia nước chấm đứng sau.
Giờ thì sao? Mạng xã hội điều chỉnh hành vi tiêu dùng nhanh hơn bất kỳ báo nào. Đôi khi người ta chấp nhận nước mắm công nghiệp rồi nhưng anh chơi trò bẩn để giết chết hồn cốt Việt trong mắm truyền thống, làm ngư dân thêm khốn khổ và định nghĩa lại nước mắm bằng “nước màu hóa chất hương cá an toàn không asen” thì anh tự sát. Hay nói đúng hơn, tự bôi xấu hình ảnh mình. Người ta có thể tin là anh bảo vệ người tiêu dùng không khi anh rút dao đâm chết ân nhân? Gọi nước mắm truyền thống là ân nhân bởi nếu Việt Nam không có nước mắm và thói quen ăn nước mắm, anh biết ăn theo cái gì để làm nước mắm công nghiệp? Trong mắt người tiêu dùng, giờ ăn theo có chỗ đứng rồi, anh muốn phá cả gia cang nghề làm nước mắm…
Bộ trưởng Bộ TT&TT TRƯƠNG MINH TUẤN: Loại bỏ những phần tử lạm dụng quyền tự do báo chí, bẻ cong ngòi bút Nếu có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” nhằm làm lợi cho DN này, gây hại cho DN kia thì trở thành một vấn đề khác. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật. Ở đây có sự bất thường. Bất thường ở chỗ cùng một sự kiện mà một loạt cơ quan báo chí đều cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp hệt như nhau, thậm chí việc rút tít bản tin cũng na ná như nhau. Tôi còn nghe nói có thể những người tổ chức chiến dịch truyền thông này bảo với nhau rằng chỉ cần thông tin ban đầu đó tồn tại trên báo điện tử vài ngày, sau đó dù có bị gỡ bỏ thì cũng đã đạt được mục đích gây sợ… Cần điều tra làm rõ động cơ, truy ra sự câu kết, xác định mức độ sai phạm và hậu quả của sai phạm để xử lý nghiêm minh và thông báo đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đến khi ấy mới thực sự xóa tan được nỗi hoang mang, sợ hãi của người dân, mới cứu được ngành sản xuất nước mắm truyền thống thoát khỏi cơn điêu đứng. … “Mùi vị” tiêu cực trong làng báo là dễ phát hiện nhất và như dân gian thường nói “cây kim trong bọc trước sau gì cũng lòi ra”. Bộ TT&TT đang phối hợp với các cơ quan chủ quản báo chí quyết làm trong sạch đội ngũ những người làm báo để bảo vệ sự trong sáng và niềm tự hào của đội ngũ những người làm báo chân chính, trong đó có việc loại bỏ những phần tử lạm dụng quyền tự do báo chí, bẻ cong ngòi bút để tiếp tay cho các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của một bộ phận DN hoặc phục vụ các “nhóm lợi ích” một cách phi pháp. Ý kiến hai Facebooker bị đánh sập Facebook trong ‘vụ nước mắm’ Sở dĩ nhà báo bẩn ngày càng lộng hành, phải nói thẳng là có sự tiếp tay của các cơ quan quản lý nhà nước. Cứ cho thành lập những tờ báo mà phóng viên không lương, cơ quan báo chí “thả cửa” cho phóng viên đi viết bài, đe dọa, lấy quảng cáo để sống thì nền báo chí “sạch” thế nào nổi? Rồi Bộ cấp phép từa lưa các trang thông tin điện tử. Các trang này canh có bài nào đánh đấm trên báo là dẫn link, trích nguồn ngay. Khi bài viết sai, bị kiện, báo chính chủ gỡ bài nhưng các trang không gỡ, mà “ra giá” mới chịu gỡ…Dù sao vụ nước mắm cũng đánh động cho mọi người biết có một thể loại báo chí như thế... Hàn Ni, báo SGGP Truyền thông có công lớn khi cảnh báo người tiêu dùng về thực phẩm không an toàn. Nhưng truyền thông, nói thẳng là báo chí, cần nhận tội của mình khi tạo ra sự sợ hãi của dư luận và từ đó tiếp tay giết chết người sản xuất thực phẩm truyền thống. “Bánh phở làm từ chất ướp xác’’ trên báo hơn thập niên trước và câu chuyện thạch tín trong nước mắm hôm nay thực ra có cùng một chỉ huy thôi. Đức Hiển, báo Pháp Luật TPHCM |
ĐỖ HÒA, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị: Thay đổi nhận thức, độc bá thị trường nước mắm Họ đang cố tái định nghĩa lại sản phẩm nước mắm trên thị trường Việt Nam, từ “Nước mắm ngon phải là nước mắm làm từ cá nguyên chất với độ đạm cao” thành “Nước mắm ngon phải là nước chấm an toàn và rất thơm mùi cá”. “Như vậy nếu họ thành công với chiến lược này, tức họ thay đổi được nhận thức của người tiêu dùng về “nước mắm ngon” thì họ sẽ dễ dàng loại được gần hết các đối thủ truyền thống ra khỏi các bếp ăn Việt Nam”. NGUYỄN PHẠM KHÁNH VÂN, chuyên gia truyền thông: Đánh lừa người bình dân Rất nhiều người hỏi tại sao Masan vẫn tung ra quảng cáo dù cư dân mạng đã lật tẩy hết các chiêu trò của họ? Không phải họ lỡ book media rồi thì phải tung quảng cáo ra mà thậm chí họ còn có thể đẩy sớm hơn thời hạn, để rút ngắn cao trào khủng hoảng và bởi một điều đơn giản “những người đầy lý luận phân tích chiến dịch này không phải đối tượng khách hàng của họ”. Đối tượng của họ là số đông, những người dân tỉnh, khách hàng TP ít kiến thức, những người bán hàng ăn hoặc đơn giản là mua đại. |
Theo Đức Hiển