'Nước cờ' truyền thông và chuyện 'cài số lùi' của Vinasun
Trong đó, mảng kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi giảm nhiều nhất, sụt tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sụt giảm được cho là do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với taxi công nghệ. Không chỉ vận tải taxi, doanh thu vận tải hành khách theo hợp đồng của Vinasun cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Cuộc khủng hoảng truyền thông của Vinasun, suy cho cùng chỉ là một biểu hiện rất nhỏ trong một câu chuyện lớn: Ứng xử với những cái mới. |
Sụt giảm nghiêm trọng
Cụ thể, trong quý I/2018, Vinasun thu về 68,9 tỷ đồng từ mảng này, giảm gần 10 tỷ đồng. Đáng chú ý trong quý I/2018, Vinasun đã phát triển thêm mảng nhượng quyền thương mại và khai thác taxi với doanh thu mang về hơn 211,5 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, doanh thu sụt giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế trong quý I của Vinasun chỉ đạt 11,6 tỷ đồng; giảm mạnh tới 79% so với cùng kỳ. Báo cáo cũng cho thấy, tính đến hết quý 1/2018 tổng nợ phải trả của Vinasun là 1.097,8 tỷ đồng, giảm 77 tỷ đồng so với đầu năm. Mức giảm chủ yếu đến từ khoản nợ ngắn hạn.
Nợ ngắn hạn giảm, chi phí tài chính (chi phí lãi vay) trong quý I/2018 cũng giảm được 6,7 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính của Vinasun, đó là số lượng nhân viên tiếp tục giảm so với con số cuối năm 2017. Cụ thể, tính đến cuối quý I, tổng số nhân viên Vinasun là 6.993 người, giảm 124 người so với cuối năm 2017.
Xác định một loạt khó khăn, thách thức, Vinasun đã đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 là 1.750 tỷ đồng (giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2017). Kế hoạch năm 2018 giảm 65% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu giảm 50% so với năm 2017 và chỉ đạt khoảng 95 tỷ đồng…
Cũng trong báo cáo của Vinasun trình đại hội cổ đông có đánh giá, doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường taxi TP .HCM với gần 30.000 chiếc, tận dụng tiềm lực tài chính mạnh và kẽ hở của quy định hiện hành để áp dụng các phương thức cạnh tranh bất bình đẳng, mang tính chất tận diệt là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty.
Một lãnh đạo Vinasun mới đây chia sẻ, việc Uber sáp nhập Grab như việc “góp gió thành bão”, phía khách hàng lo lắng độc quyền tăng giá, dịch vụ khách hàng cũng vì thế mà gặp nhiều hạn chế khi độc quyền thị trường.
Nhưng nước cờ sai của Vinasun là cuộc khủng hoảng truyền thông từ việc các xe taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab. Hậu quả của cuộc khủng hoảng này, theo các chuyên gia truyền thông và quản trị, chắc chắn sẽ còn nặng nề với người liên quan. Nguy hại hơn, rất có thể “lây” sang nhiều doanh nghiệp khác đang gặp những vấn đề như Vinasun nhưng lại không thay đổi tư duy và hành xử.
Biểu hiện nhỏ trong một câu chuyện lớn
Dưới góc nhìn của người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, ông Khuất Quang Hưng, hiện là Giám đốc đối ngoại một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ, việc làm này của Vinasun hoàn toàn không phù hợp, cả về cách làm lẫn thông điệp. Cách làm thì không văn minh, không chính danh. Thông điệp thì không đúng khi nói chuyện Uber, Grab không đóng thuế.
“Chuyện Uber, Grab đóng thuế như thế nào không phải là việc của doanh nghiệp taxi truyền thống. Đó là việc của cơ quan chức năng”, ông Hưng bình luận.
Còn theo ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp phát triển Đông A, cựu Tổng giám đốc của Mai Linh Taxi, dán khẩu hiệu nhưng Vinasun đã bị tác dụng ngược, không những không khiến người tiêu dùng suy nghĩ lại mà càng khiến họ quay lưng. Mọi chuyện lại càng khó kiểm soát khi thông tin được truyền tải, chia sẻ trên mạng xã hội.
Không chỉ vậy, ông Việt còn đánh giá, việc lãnh đạo Vinasun chối bỏ trách nhiệm giữa “bão truyền thông” cũng gây hậu quả nghiêm trọng. Người tiêu dùng sẽ đặt câu hỏi về năng lực quản lý khi Vinasun đang có 6.500 xe, hơn 10.000 tài xế mà dường như “ai muốn làm gì thì làm”. Nguy hại hơn, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin bởi những thứ hữu hình và trực quan mà công ty không biết, không quản được thì chất lượng dịch vụ - vốn vô hình - doanh nghiệp sẽ quản lý như thế nào!
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng truyền thông của Vinasun suy cho cùng chỉ là một biểu hiện rất nhỏ trong một câu chuyện lớn: Ứng xử với những cái mới. Đó là việc không ít doanh nghiệp không thể chấp nhận được những thay đổi lớn lao mà công nghệ mang lại và không có những bước đi đầy đủ và phù hợp để cạnh tranh.
Các chuyên gia nhìn nhận, trong thời gian qua, không phải là Vinasun không có những nỗ lực thay đổi trước sức ép cạnh tranh của Uber, Grab. Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ để giúp doanh nghiệp này giữ chân khách hàng khi mô hình kinh doanh, người tiêu dùng đã thay đổi. Chuyện dán khẩu hiệu là biểu hiện của sự thay đổi chưa tới và vô hình trung phá bỏ tất cả những nỗ lực trong thời gian qua.
“Các doanh nghiệp taxi truyền thống gắn thêm ứng dụng này, tiện ích kia nhưng quên rằng cách ứng xử với người tiêu dùng, với truyền thông cũng phải thay đổi. Phải thay đổi tư duy của con người vận hành chứ không chỉ là phương tiện”, ông Hưng nhận định.