|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ tỷ phú giàu nhất châu Á mất hơn nửa tài sản vì cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc

11:14 | 29/07/2022
Chia sẻ
Việc giá cổ phiếu nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Country Garden Holdings giảm hơn nửa kể từ đầu năm đã khiến bà Yang Huiyan, nữ tỷ phú giàu nhất châu Á, chứng kiến khối tài sản ròng "bốc hơi" hơn nửa.

Yang Huiyan, người phụ nữ giàu nhất châu Á, đã chứng kiến ​​khối tài sản ròng của mình giảm từ gần 24 tỷ USD xuống chỉ còn khoảng 11,5 tỷ USD trong năm nay khi thị trường bất động sản Trung Quốc biến động mạnh, theo Bloomberg Billionaires Index.

Nữ tỷ phú 41 tuổi này kiểm soát Country Garden Holdings, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc xét trên theo doanh số bán hàng. Phần lớn cổ phần của cô được chuyển nhượng từ cha mình là ông Yang Guoqiang, người đã thành lập công ty tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 1992.

Giá trị cổ phiếu của Country Garden đã giảm hơn một nửa trong năm nay, do lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc phải vật lộn với các vấn đề như giá nhà giảm, nhu cầu người mua suy yếu và cuộc khủng hoảng vỡ nợ đã nhấn chìm một số nhà phát triển lớn nhất kể từ năm ngoái, bao gồm gã khổng lồ China Evergrande.

Bà Yang Huiyan, nữ tỷ phú giàu nhất châu Á. (Ảnh: Bloomberg).

Mặc dù khối tài sản ròng đã “bốc hơi” hơn một nửa, nhưng Yang Huiyan vẫn là người phụ nữ giàu nhất châu Á, theo Bloomberg Billioanires Index. Dù vậy, sự sụt giảm giá trị tài sản ròng của bà đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các nữ tỷ phú hàng đầu châu Á, trong đó có một nữ tỷ phú khác ở Trung Quốc, đồng thời là nữ tỷ phú giàu thứ hai châu Á hiện tại, Fan Hongwei.

Bà Fan Hongwei là một doanh nhân kiêm tỷ phú người Trung Quốc. Bà hiện đang giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty sợi hóa học Hengli Petrochemical, Phó chủ tịch của công ty mẹ Hengli Group. Hiện bà Fan Hongwei đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 11,4 tỷ USD, đồng nghĩa khoảng cách giữa hai nữ tỷ phú giàu nhất châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng chỉ là 100 triệu USD.

Theo CNN, sự sụt giảm giá trị khối tài sản ròng của bà Yang Huiyan được đổ lỗi cho “vũng lầy” của thị trường địa ốc Trung Quốc. Evergrande, công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc, đã vỡ nợ khoản vay trái phiếu bằng đồng USD vào tháng 12/2021 sau nhiều tháng gặp vấn đề về thanh khoản. Kể từ đó, một số nhà phát triển lớn khác, bao gồm Kaisa và Shimao Group, cũng đã tìm cách để thương lượng với các chủ nợ nhằm kéo dài thời hạn thanh toán các khoản vay.

Trong những tuần gần đây, cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc ngày càng leo thang, khi hàng nghìn người mua nhà, những người đã bỏ tiền ra để đặt cọc cho những ngôi nhà chưa được hoàn thiện, tỏ ra bất mãn. Thậm chí, họ đã đe dạo ngừng thanh toán các khoản lãi suất vay thế chấp từ ngân hàng cho tới khi được bàn giao tài sản.

Chính Country Garden cũng đang đối mặt với căng thẳng gia tăng liên quan đến tính thanh khoản. Ngày 27/7, nhà phát triển này đã thông báo họ sẽ bán cổ phiếu với mức chiết khấu gần 13% để huy động 2,83 tỷ HKD (tương đương 361 triệu USD), so với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7.

Một phần trong số tiền thu được từ đợt huy động sẽ được sử dụng để trả nợ các khoản vay từ nước ngoài, theo người đại diện của công ty. Các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết trong một báo cáo ngày 27/7: “Việc người mua nhà đe dọa không thanh toán các khoản lãi suất vay thế chấp là một mối đe dọa kép đối với các nhà phát triển bất động sản và thị trường nhà ở Trung Quốc”.

Rủi ro với bất động sản và kinh tế Trung Quốc

Các chuyên gia đã chú ý đến tình trạng của các nhà đầu tư thiếu tiền, chậm trễ trong tiến độ xây dựng và bàn giao nhà ở cho khách hàng. Điều này đang khiến những người mua nhà mới tại Trung Quốc “mất niềm tin”.

Những đợt kêu gọi đe dọa ngưng thanh toán gần đây cũng khiến các ngân hàng thận trọng hơn trong việc phát hành các khoản vay thế chấp, điều này có thể làm giảm doanh số bán bất động sản hơn nữa, theo Capital Economics.

Trong một báo cáo được công bố vào đầu tuần này, S&P Global Ratings ước tính doanh số bán bất động sản của Trung Quốc có thể giảm 1/3 trong năm nay do các đợt ngưng thanh toán các khoản vay thế chấp, vì mọi người tin rằng các nhà phát triển sẽ không thể hoàn thành việc bàn giao tài sản theo đúng thời hạn như đã cam kết, cách phổ biến nhất được các đơn vị rao bán nhà ở tại Trung Quốc thực hiện.

Các nhà phân tích của Capital Economics cho biết: “Nếu không có doanh số bán hàng, sẽ có thên nhiều công ty bất động sản sụp đổ. Đó chắc chắn là mối đe dọa cả về tài chính và kinh tế với đất nước”.

Không chỉ nữ tỷ phú Yang Huiyan chứng kiến khối tài sản ròng giảm đáng kể từ đầu năm liên quan đến bất động sản, nhiều tỷ phú bất động sản khác của Trung Quốc cũng chứng kiến điều tương tự, chẳng hạn như Hui Ka Yan (giảm 25,2 triệu USD), Cai Kui (giảm 1,68 tỷ USD), Wang Jianlin (giảm 1,73 tỷ USD), Wu Yajun (giảm 2,92 tỷ USD),…, theo Bloomberg Billionaires Index.

Doanh Chính