|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Nữ hoàng hột vịt' Ba Huân: Hành trình lấy trứng 'chọi đá'

17:59 | 07/08/2018
Chia sẻ
Thừa nhận mình là doanh nhân thiếu tri thức, không qua đào tạo bài bản nhưng chính niềm đam mê với “nghiệp trứng”, bà Ba Huân đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt.
nu hoang hot vit ba huan hanh trinh lay trung choi da Vụ Ba Huân - VinaCapital: Tập quán và thói quen khó hoà nhập nhận thức

Khởi nghiệp từ quả trứng vịt

Ngay từ nhỏ, bà Phạm Thị Huân hay còn gọi là cô Ba đã cùng mẹ rong ruổi trên những cánh đồng miền Tây để thu mua trứng. Năm 16 tuổi, bà Ba Huân được mẹ tin tưởng giao cho việc buôn bán.

nu hoang hot vit ba huan hanh trinh lay trung choi da

Sông nước miền Tây và những gánh trứng của mẹ đã nuôi lớn đam mê với nghiệp trứng của bà chủ Ba Huân. Ảnh minh họa.

Với năng khiếu kinh doanh và tính cách mạnh mẽ, táo bạo, dù còn rất trẻ nhưng không ngại khó ngại khổ, cô gái trẻ Ba Huân ngày đó không dừng lại ở một hai đầu mối quen mà tìm cách mở rộng thị trường, lặn lội đi đến khắp các tỉnh miền Tây để thu gom và phân phối trứng.

Bà đem trứng của các chủ trang trại hay cơ sở chăn nuôi lớn lên thành phố bán rồi mới mang tiền về trả họ. Còn đối với những người nông dân nghèo, bà mua trứng của họ và trả tiền luôn.

Sau những ngày tháng vất vả, bà Ba Huân đã xây dựng được niềm tin trong lòng bà con nông dân và các chủ hộ chăn nuôi, việc buôn bán ngày càng trở nên thuận lợi, số tiền bà kiếm được khi đó còn có thể giúp bố mẹ nuôi sống cả gia đình 8 anh, chị em.

Sóng gió

Giữa lúc tưởng chừng như mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì vào cuối những năm 1970, chính sách “ngăn sông cấm chợ” ảnh hưởng trực tiếp đến việc buôn bán với các tiểu thương, Ba Huân đành phải dừng lại.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, nỗi nhớ nghề lại thôi thúc bà Ba Huân xin công ty Nông sản thực phẩm Kiên Giang vào làm công nhân thu mua trứng. Được làm đúng sở trường, sản lượng trứng bà thu mua được luôn vượt chỉ tiêu công ty giao khoán.

Theo bà, hồi đó tỷ lệ hao hụt do trứng vỡ, nứt mà công ty cho phép là 5% nên cô tận dụng, nhặt nhạnh rồi bán lại cho các cửa hàng bánh bao, bánh ngọt và mì sợi quen ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Với số tiền tích cóp được từ những lần buôn bán đó, bà Ba Huân ấp ủ và nuôi lớn dần giấc mơ khởi nghiệp với những quả trứng.

Sau khi công ty Nông sản thực phẩm Kiên Giang tuyên bố giải thể, năm 1985, với số vốn 200 triệu tiết kiệm và vay được từ nhiều nguồn, bà Ba Huân quyết định lên Chợ Lớn, Sài Gòn mở vựa trứng riêng và xây dựng nên thương hiệu trứng Ba Huân. Bà thu mua trứng ở các tỉnh miền Tây giao cho các chợ đầu mối lớn trên địa bàn thành phố, sau đó tìm cách dần mở rộng quy mô và đối tác.

nu hoang hot vit ba huan hanh trinh lay trung choi da

Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc công ty Ba Huân

Năm 2001, bắt đầu chuyên nghiệp hóa việc kinh doanh sản phẩm gia cầm, doanh nghiệp Ba Huân ra đời và dần trở thành cái tên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Malaysia và Singapore.

Bất ngờ, cuối năm 2003, dịch cúm gia cầm H5N1 khiến cơ sở kinh doanh của bà lỗ tận 6 tỷ đồng. Chán nản, tuyệt vọng vô cùng nhưng bà bảo, khi thấy ánh mắt những người xung quanh nhìn mình một cách đầy thương hại, khi tận mắt chứng kiến hàng ngàn quả trứng bị tiêu hủy và nỗi khó khăn của gia đình và những người nông dân, các bạn hàng với gánh trứng bên chợ quê, bà lại mạnh mẽ đứng lên, quyết tìm ra giải pháp cho bằng được.

Bà khăn gói qua Quảng Đông, Quảng Châu (Trung Quốc) nhưng thấy không có gì khác biệt. Bà lại lặn lội sang Úc nhưng giải pháp ở đây không thích hợp với điều kiện Việt Nam.

Một sự tình cờ may mắn như phép màu của số phận, bà nhận được catalogue giới thiệu máy xử lý trứng của hãng Moba (Hà Lan) do người thân từ nước ngoài chuyển về.

Tại Hà Lan, nhờ có dây chuyền công nghệ xử lý trứng hàng đầu thế giới này nên ngay cả khi dịch cúm đang hoành hành, trứng vẫn được bán ra thị trường bình thường. Bà liền bán bớt các nhà xưởng, gom vốn rồi sang Hà Lan để thu mua thiết bị và trực tiếp tìm hiểu công nghệ xử lý trứng hiện đại.

Tiên phong đưa công nghệ xử lý trứng sạch về Việt Nam, đến hết năm 2017, công ty Ba Huân đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Thương vụ "cơm không lành" với VinaCapital

Hiện nay, bình quân mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường 1,7 triệu quả trứng và 15.000 con gà thịt. Kênh phân phối của công ty cũng rộng khắp từ các cửa hàng tạp hóa, bán lẻ đến các siêu thị lớn với hơn 2.000 điểm bán.

Không chỉ giảm giá ở các siêu thị, Ba Huân còn tổ chức các điểm bán trứng bình ổn giá ở các chợ để phục vụ rộng rãi người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cố gắng đưa con giống tốt đến các vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ người dân ở các khu vực này phát triển chăn nuôi, cải thiện kinh tế.

nu hoang hot vit ba huan hanh trinh lay trung choi da

Sản phẩm trứng của Ba Huân trên kệ hàng của các siêu thị

Kế hoạch năm 2018, Ba Huân sẽ mở thêm trang trại chăn nuôi, mở rộng các nhà máy chế biến thực phẩm và hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu trứng mang thương hiệu Ba Huân sang một số thị trường châu Á.

Ngày 26/2 vừa qua, Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ lớn nhất thuộc quyền quản lý của VinaCapital đã đầu tư 32,5 triệu USD vào công ty Ba Huân vì mục tiêu hợp tác cùng phát triển và hỗ trợ Ba Huân xây dựng thương hiệu quốc tế.

Thay vì mục tiêu hợp tác cùng phát triển, hỗ trợ Ba Huân xây dựng thương hiệu quốc tế thì VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu được xây dựng gần 50 năm thông qua những đề nghị vô lý và có biểu hiện không tôn trọng pháp luật - bà Phạm Thị Huân bức xúc.

Tuy nhiên, đến ngày 6/8, nhận thấy các thỏa thuận hợp tác không đúng như trao đổi ban đầu và lo ngại bị chiếm đoạt thương hiệu, công ty này đã có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital.

Dù vào thời điểm nhận hỗ trợ đầu tư từ VinaCapital, trao đổi với báo chí, bà Huân cho hay thương vụ này có thể kéo dài 3 - 5 năm. Tuy nhiên, để giữ gìn và phát triển thương hiệu Ba Huân mà bà cùng các bạn hàng, các công nhân và những người nông dân đã nỗ lực xây dựng trong gần 50 năm qua, bà đã cương quyết chấm dứt hợp tác.

Kinh doanh cần tạo ra lợi nhuận, nhưng với bà Huân, giấc mơ trứng sạch cho người Việt, giúp đỡ những người nông dân và khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước luôn là hai mục tiêu song hành và đích đến cuối cùng mà bà muốn hướng tới.

Bùi Thị Huyền