NTB khó tránh khỏi con đường phá sản?
Nhiều dự án của NTB đã xây dựng được hơn 80% nhưng không có tiền hoàn thiện khiến công trình trùm mền nhiều năm qua |
“Ngập ngụa” trong nợ nần
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (Công ty 584) - mã NTB tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (CIENCO 5) được thành lập năm 1999.
Công ty chính thức chuyển sang hình thức CTCP từ ngày 16/05/2007. Ngành nghề kinh doanh đầu tư theo phương thức hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh- Chuyển giao (BOT) trong nước công trình giao thông; xây dựng dân dụng.
Trong năm 2016, doanh thu ghi nhận ở mức 8.9 tỷ đồng, chỉ bằng 30% so cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2016, NTB ghi âm 9,4 tỷ đồng doanh thu thuần, trong khi năm 2015 đạt 27,6 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tiếp tục là gánh nặng khi tăng mạnh lên 386 tỷ đồng khiến NTB lỗ ròng 397,5 tỷ đồng. Đây đã là năm thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ.
Tính đến 31/12/2016, vay nợ tài chính ngắn hạn ở mức cao với 2.163 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ phải trả trong đó nợ nhiều nhất là của Sacombank với số tiền tổng cộng là hơn 1.300 tỷ đồng, PVComBank (37 tỷ), tiếp theo là của Agribank 515 tỷ đồng… Ngoài ra còn nợ 222 tỷ từ 12 cá nhân và 4 công ty khác.
Hàng tồn kho chỉ còn 6,7 tỷ đồng. Các khoản phải thu vẫn duy trì tại mức 712 tỷ trong đó chủ yếu trả trước cho người bán ngắn hạn.
Báo cáo tài chính năm 2016 thể hiện, NTB không phát sinh doanh thu do không tìm được công việc mới. Công ty này không tạo được nguồn thu chỉ vay mượn để có chi phí duy trì bộ máy làm việc.
2017 là năm thứ bảy liên tiếp, NTB thua lỗ trong kinh doanh. Sáu tháng đầu năm 2017, doanh thu của công ty âm 3,41 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 72,7 tỉ đồng. Giá vốn bán hàng cũng được ghi nhận âm xấp xỉ 3,44 tỉ đồng. Lãi vay chi trả trong sáu tháng chiếm 75,3 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế lỗ đến 184,2 tỉ đồng. Tiền mặt mà NTB đang có, tính tới ngày 30/6 là 377 triệu đồng.
Trong khi đó, tổng các nghĩa vụ nợ phải trả của công ty tại ngày 30/06 lên đến 3.818 tỉ đồng. Trong đó các khoản chi phí phải trả ngắn hạn là 1.334 tỉ đồng, dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2.163 tỉ đồng. Do NTB kinh doanh thua thua lỗ liên tục nên lỗ lũy kế chưa phân phối lên đến 1.411 tỉ đồng gây thâm hụt vốn chủ sở hữu là 855 tỉ đồng.
Đường rất hẹp để thoát phá sản
Việc ngập ngụa trong nợ nần khiến NTB hai lần không thể tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2017 thành công khi chỉ có 20,3% cổ đông có mặt. Đến cuối tháng 9, NTB mới tổ chức được đại hội cổ đông thường niên.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 lần 3 của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 tổ chức ngày 27/09 đã bàn về nhiều vấn đề trọng yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Trong đó có vấn đề tăng vốn, sáp nhập hoặc phá sản.
Các nội dung được HĐQT trình Đại hội gồm thông qua việc giao cho HĐQT và Ban kiểm soát hiện tại tạm thời tiếp tục điều hành cho đến khi bầu ra HĐQT, Ban kiểm soát mới; thông qua đề nghị tăng vốn điều lệ 200 tỷ đồng để phát triển các tài sản của Công ty hoặc ủy quyền cho HĐQT đàm phán với các ngân hàng tại Tòa án về việc giao tài sản dự án Trịnh Đình Trọng (Tân Phú) cho Sacombank (STB), dự án Nguyễn Oanh (Gò Vấp) và dự án Tân Kiên (Bình Chánh) cho BIDV (BID) để các Ngân hàng phát mãi tài sản trả nợ vay; thông qua việc giao cho HĐQT lựa chọn phương án tái cấu trúc Công ty theo hướng sáp nhập hoặc bán cho một đối tác khác hoặc phá sản.
Với các đề xuất này, cổ đông cho rằng, phương án tăng vốn điều lệ như thế nào khi mệnh giá cổ phiếu quá thấp (hiện giao dịch trên UPCoM với giá 900 đồng/cp)? Cổ đông Trầm Vinh Long nói việc góp vốn với Công ty Hưng Điền làm thất thoát tài sản tới 140 tỷ đồng, rồi thua lỗ liên tục, cổ đông đề nghị truy cứu trách nhiệm của HĐQT hoặc cá nhân. Đối với dự án Tân Kiên, tại sao Công ty không thỏa thuận với khách hành để khách hàng hỗ trợ ứng trước hoặc tự hoàn thiện? Không thể hiện dự án góp vốn với Công ty Tấn Hưng và Him Lam trong báo cáo lần 3 này, cổ đông đề nghị giải thích việc góp vốn của các dự án trên.
Cổ đông cũng thắc mắc, nếu Công ty phá sản thì cổ đông nhận được gì và có vướng mắc gì không? Cổ đông Lưu Thị Thu Hương nói “phá sản là phương án cuối cùng, thiệt thòi cho tất cả. Tăng vốn thì rất mơ hồ, tăng thì ngân hàng, thuế sẽ thu hồi hết không giải quyết được gì… HĐQT nên chủ động gặp Công ty Him Lam để đàm phán, thương thảo...”
Trả lời các cổ đông, Tổng Giám đốc Đỗ Biên Thùy cho biết, vấn đề tăng vốn điều lệ với tỷ lệ gấp 5 lần là không phù hợp, tuy nhiên Công ty tính toán số vốn tăng 200 tỷ để tái khởi động 3 dự án do ngân hàng không hỗ trợ vốn.
Còn việc hoàn thiện dự án Tân Kiên tương đối khó khăn, khách hàng đã góp phần trách nhiệm, nhưng ngân hàng không cho vay. Dự án này vướng giữa khách hàng và tài sản của Công ty Y tế đang thế chấp tại ngân hàng. Khi tài sản đang thuộc sở hữu của nhiều người thì việc Công ty chủ động tiếp tục đầu tư vốn mà không có sự hợp tác của ngân hàng, Công ty Y tế là vô cùng khó.
Khoản góp vốn vào Công ty Phú Sơn Thuận hay Tấn Hưng đều là sử dụng tài sản của họ để ngân hàng góp vốn. Khoản góp vốn dư là do điều chỉnh tỷ lệ góp vốn. Việc quy trách nhiệm có nên hay không đề nghị cổ đông cân nhắc khi Công ty không mất tài sản. Khoản vay này đã có quyết định của Tòa án. Trường hợp Công ty không trả thì sẽ phát mãi tài sản trả nợ.
Về hoạt động kinh doanh, từ năm 2011 đến nay Công ty không có nguồn thu. Cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản. UBND TPHCM không phát triển các dự án mới. Với tình hình tài chính bế tắc, Công ty không thể hoạt động khi không có nguồn tài chính. HĐQT và Ban điều hành cũ vô cùng cố gắng nếu không Công ty đã phá sản từ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, chốt phiên, đại hội đã không thông qua được các hạng mục như đã nói trên. Đã gần 7 năm ngập ngụa trong nợ nần, để tình hình này kéo dài thì NTB đã khó lại càng thêm khốn đốn. Với số nợ khổng lồ mà chưa có phương án giải quyết, trong khi sự đồng thuận của cổ đông để giải quyết vấn đề chưa có thì lối thoát để NTB tránh con đường phá sản là rất hẹp.
Chủ tịch Cty 584: Trong nguy có cơ, nước mắm truyền thống sẽ có đà phát triển mạnh
Trả lời phỏng vấn của NDH, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Công ty CP thủy sản 584 Nha Trang ... |