Novaland xin gỡ diện cảnh báo đối với cổ phiếu sau khi báo lãi nghìn tỷ
Ngày 30/10, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc giải trình, báo cáo tình hình khắc phục thực trạng chứng khoán bị cảnh báo định kỳ.
Novaland cho biết công ty đã hoàn tất công bố thông tin (CBTT) về báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2024 và các giải trình liên quan theo quy định của pháp luật vào ngày 26/9. Đối với BCTC quý III, công ty đã hoàn tất công bố vào ngày 30/10, đúng theo quy định hiện nay của Bộ Tài chính.
“Công ty cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các quy định và quy chế liên quan đến việc CBTT nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của nhà đầu tư và tính minh bạch của công ty” , văn bản của Novaland nêu.
Đồng thời, công ty mong muốn cơ quan quản lý tạo điều kiện để cổ phiếu NVL được gỡ trạng thái cảnh báo trong thời gian tới theo quy định hiện hành.
Chứng khoán đưa ra khỏi diện cảnh báo tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) được quy định tại Khoản 4 Điều 37 Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE.
Trường hợp NVL, cổ phiếu vào diện cảnh báo theo quyết định ngày 16/9 của HOSE với lý do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Như vậy, cổ phiếu NVL sẽ được đưa ra khỏi diện cảnh báo khi tổ chức niêm yết hoàn tất khắc phục nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định hiện hành (nếu có) và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu trong 06 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị cảnh báo hoặc kể từ ngày SGDCK xác định tổ chức niêm yết có vi phạm công bố thông tin.
Nếu ra khỏi diện cảnh báo, NVL sẽ không còn mang ký hiệu bị cảnh báo của Sở, đồng thời có thể được xem xét cấp margin trở lại sau đó.
Trên thị trường, cổ phiếu NVL giảm 38% kể từ đầu năm, kết thúc tháng 10 tại 10.500 đồng/cp. Khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 18,7 triệu cp.
Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ngày 31/3/2022
1. Chứng khoán bị cảnh báo khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
...
g) Tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
...
4. SGDCK sẽ xem xét đưa chứng khoán ra khỏi diện bị cảnh báo sau khi xác định tổ chức niêm yết đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và các quy định sau:
...
d) Chứng khoán đang trong diện bị cảnh báo theo quy định tại điểm g, h khoản 1 Điều này sẽ được đưa ra khỏi diện cảnh báo khi tổ chức niêm yết hoàn tất khắc phục nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định hiện hành (nếu có) và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu trong 06 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị cảnh báo hoặc kể từ ngày SGDCK xác định tổ chức niêm yết có vi phạm công bố thông tin.
5. SGDCK ban hành Quyết định đưa chứng khoán ra khỏi cảnh báo trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức niêm yết đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo quy định tại khoản 4 Điều này và công bố thông tin về việc đưa chứng khoán ra khỏi cảnh báo.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III vừa công bố, Novaland ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.010 tỷ đồng, tăng đến 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế gần 2.950 tỷ đồng, gấp gần 22 lần cùng kỳ và là mức lãi cao nhất trong một quý.
Kết quả đột biến chủ yếu do doanh thu tài chính cao hơn cùng kỳ, trong đó đã bao gồm khoản doanh thu tài chính trong nửa đầu năm mà đơn vị kiểm toán điều chỉnh trong báo cáo soát xét trước đó (3.046 tỷ đồng) do công ty đã thực thu trong quý III.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Novaland đạt 4.295 tỷ đồng. Tuy nhiên, do mức lỗ lớn trong nửa đầu năm, Novaland vẫn còn bị lỗ 4.377 tỷ đồng sau 9 tháng.
Mặt khác, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Novaland vẫn âm hơn 6.000 tỷ đồng, dù đã cải thiện so với mức hơn 7.360 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu vẫn do tăng hàng tồn kho và giảm các khoản phải trả.