|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Novaland cắt bỏ hơn 1,5 tỷ cổ phiếu trong kế hoạch huy động vốn mới

20:33 | 13/12/2023
Chia sẻ
Dù đã giảm mạnh số lượng chào bán để tăng khả năng hấp thụ, tập đoàn địa ốc này vẫn dự kiến phát hành cho cổ đông và nhà đầu tư khối lượng rất lớn hơn 1,37 tỷ cổ phiếu.

 

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) mới công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh và thay thế các phương án phát hành cổ phiếu đã được thông qua trước đó, và một số nội dung khác.

Đối với vấn đề phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tập đoàn này đề xuất thay đổi tỷ lệ từ 100% sang mức 60%, tức giảm số lượng từ 1,95 tỷ ban đầu xuống khoảng 1,17 tỷ cổ phiếu. 

Giá chào bán dự kiến không thay đổi với con số không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo phương thức quyền mua, không bị hạn chế chuyển nhượng và thời gian thực hiện trong năm 2024. 

Nguyên tắc sử dụng vốn không có nhiều khác biệt khi công ty sẽ sử dụng số tiền 11.700 tỷ thu được để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn, thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên; thanh toán chi phí vận hành chung và thực hiện các dự án do công ty làm chủ đầu tư. 

Đối với phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, nội dung thay đổi chủ yếu là số lượng phát hành được điều chỉnh từ 975 triệu cổ phiếu xuống còn tối đa 200 triệu đơn vị. Mức giá chào bán sẽ không thấp hơn 10.000 đồng/cp, tương ứng nhu cầu huy động khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đối tượng phát hành cũng được điều chỉnh chỉ còn là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tối đa 5 nhà đầu tư) và không còn nội dung tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.  

Đây là 2 kế hoạch bị thay đổi đáng chú ý nhất, với việc giảm mạnh từ con số kế hoạch ban đầu là 2,925 tỷ cổ phiếu về 1,37 tỷ cổ phiếu, tương đương với nhu cầu huy động vốn giảm từ 29.250 tỷ đồng xuống còn 13.700 tỷ đồng. 

Phương án phát hành Ban đầu Mới Thay đổi
Cho cổ đông hiện hữu 1,95 tỷ cổ phiếu 1,17 tỷ cổ phiếu Giảm 780 triệu cổ phiếu
Riêng lẻ 975 triệu cổ phiếu 200 triệu cổ phiếu Giảm 775 triệu cổ phiếu
ESOP 1,5% lượng cp đang lưu hành 1,5% lượng cp đang lưu hành Không thay đổi

Việc phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động năm 2022 và năm 2023 giữ nguyên tỷ lệ là tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành, chỉ gia hạn thời hạn thực hiện đến hết năm 2024 hoặc thời hạn khác theo quyết định của HĐQT.

Theo giải thích từ Novaland, các đề xuất giảm số lượng bên trên là nhằm tăng khả năng hấp thụ cổ phiếu phát hành thêm và giảm tỷ lệ pha loãng giá cổ phiếu.

Ngoài ra, tập đoàn này còn xin ý kiến cổ đông về việc đăng ký giao dịch Trái phiếu tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), áp dụng đối với các Trái phiếu riêng lẻ chuyển đổi mã NVL42203 và trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, kèm chứng quyền mã NVL52204.

Novaland cũng xin ý kiến cổ đông thông qua việc sử dụng các bất động sản thuộc sở hữu của công ty để đảm bảo cho Công ty TNHH Delta Valley – Bình Thuận thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết trong các hợp đồng mua bán của dự án NovaWorld Phan Thiết với khách hàng, tổng giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng. 

Novaland nói thêm tình hình doanh nghiệp hiện tại khó khăn, việc sắp xếp dòng tiền chưa thể thực hiện ngay lập tức hay việc bán tài sản trả nợ khó đạt hiệu quả khi thị trường không thuận lợi. Để giảm áp lực tài chính, công ty đã và đang nỗ lực thương lượng, đàm phán với các bên bảo đảm, chủ nợ nhằm mang lại lợi ích tối đa và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên cùng đồng hành, hỗ trợ trong suốt quá trình tái cấu trúc.

Novaland theo đó trình cổ đông xin ý kiến liên quan đến chủ trương phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ cho các khoản nợ phù hợp và trình cổ đông thỏa thuận khung bồi hoàn nhằm xác lập nguyên tắc bồi hoàn cho tất cả các bên khi sử dụng tài sản là bất động sản, cổ phiếu, vốn góp tại doanh nghiệp khác và các tài sản khác để bảo đảm cho nghĩa vụ của Novaland. 

Trên thị trường, cổ phiếu NVL đang đón nhận dòng tiền tích cực để đưa giá cổ phiếu lên 17.000 đồng/cp, tăng hơn 30% kể từ tháng 11 đến nay nhưng vẫn thấp hơn 22% so với đỉnh một năm đạt được hồi đầu tháng 9. Thị giá này vẫn đang cao hơn 70% so với giá phát hành.  

Huy Lê

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.