NovaGroup lên ý tưởng quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu An Giang, nếu tham gia đầu tư sẽ tập trung hai lĩnh vực
Ngày 26/10, tỉnh An Giang đã có buổi làm việc để nghe NovaGroup cùng các đối tác như báo cáo "Đề án quy hoạch và cơ chế ưu đãi đặc thù kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang. Đây là đề án hưởng ứng chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII.
Tại buổi họp, NovaGroup đã chuyển giao các ý tưởng quy hoạch, phân kỳ đầu tư, các chính sách ưu đãi theo đề xuất của các nhà đầu tư để góp phần phát triển khu Kinh tế Cửa khẩu Vĩnh Xương - An Giang. Trước đó, NovaGroup đã chuyển giao Đề án Quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Tháp cho địa phương vào ngày 14/10.
Đề án này quy hoạch liên vùng, gồm khu biên giới cửa khẩu của hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, với kỳ vọng nơi đây sẽ là một đô thị biên mậu thông minh. Trong đó, trung tâm du lịch của khu vực dựa vào vị trí nối kết sông Mekong giữa 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tiểu vùng sông Mekong mở rộng của các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trung tâm logistic GMS sẽ tận dụng hạ tầng giao thông GMS đang phát triển (đường sắt, đường cao tốc, sân bay, đường thủy) và trung tâm chế biến nông thuỷ sản của quốc gia (tỉnh An Giang và Đồng Tháp có lợi thế về thuỷ sản, lúa gạo và cây trái).
Đề án quy hoạch bao gồm các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm thương mại, bệnh viện, trường đào tạo, trung tâm vui chơi giải trí,…
Theo đại diện NovaGroup, đây là vùng đất còn sơ khai, còn rất nhiều khó khăn và sẽ khó thành công nếu chỉ quy hoạch cục bộ, thiếu nối kết với các nước tiểu vùng sông Mekong, với các thành phố lớn, không triệt để tận dụng lợi thế có vị trí rất thuận lợi để trở thành trung tâm giao thương của các nước GMS.
Đề án được kỳ vọng góp phần xoá bỏ các điểm nghẽn của ĐBSCL về nối kết hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, giáo dục, y tế tạo ra một điểm đến mới của du lịch tiểu vùng sông Mekong, tạo ra nhiều việc làm. Đồng thời, dự án thành công cũng giúp tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao vị thế của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
NovaGroup đã nhờ sự tư vấn của nhiều đơn vị, trong đó có McKinsey, Google, Công ty DeepC (Bỉ), Amata (Thái Lan), JICA (Nhật Bản), Ngân hàng Tái thiết Đức, CPG Corporation (Singapore), Sokimex (Campuchia), Vedan và các doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Viglacera, CTCP Khu công nghiệp Hố Nai, Tập đoàn Viettel, Tổng Công ty Tân Cảng, Công ty Quản lý Quỹ Red Capital. Đây cũng là cơ sở để tỉnh An Giang đẩy nhanh quá trình phê duyệt quy hoạch và đề xuất Chính phủ xin các ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư.
Đại diện NovaGroup cũng cho biết thêm, nếu tham gia đầu tư, nguồn lợi nhuận có được NovaGroup sẽ tập trung phát triển hai lĩnh vực: Giáo dục và y tế cho hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp nhằm phát triển an sinh xã hội.