|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản Việt vào thị trường Hàn Quốc: Quá khiêm tốn

17:19 | 26/10/2019
Chia sẻ
Mỗi năm, Hàn Quốc nhập khẩu rất nhiều nông sản, tuy nhiên Việt Nam chỉ chiếm 6% thị trường nước này. Nguyên nhân được nhận định, sản phẩm Việt Nam giá vẫn còn cao, chất lượng không đồng đều…

Nhằm tăng xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần phối hợp với DN Hàn Quốc để cùng nhau tháo gỡ "mắt xích" trong qui định.

nong san viet han quoc

Cà phê là một trong sản phẩm mà Hàn Quốc tiêu thụ số lượng rất lớn.

Giá còn cao hơn nhiều nước

Theo Bộ NN-PTNT, tổng giá trị nhập khẩu nông nghiệp năm 2018 của Hàn Quốc là 35,2 tỷ USD, nhưng trong đó nông lâm thủy sản của Việt Nam chỉ chiếm thị phần khá khiêm tốn, gần 6%.

Thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc từ năm 1992 - 2018 đã tăng hơn 132 lần, từ 500 triệu USD lên mức hơn 66 tỷ USD và hướng đến mức 100 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu: năm 2018, Việt Nam nhập siêu gần 32 tỷ USD từ Hàn Quốc; nửa đầu năm 2019, Việt Nam xuất sang Hàn Quốc 9,1 tỷ USD và nhập khẩu 22,5 tỷ USD, nhập siêu hơn 13 tỷ USD.

Người dân Hàn Quốc rất ưa chuộng nông sản, thủy sản Việt Nam - đó là điều kiện cho việc thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp sang Hàn Quốc nhằm giảm nhập siêu.

Sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, nhiều sản phẩm nông nghiệp được giảm thuế như thủy sản (tôm, cua, cá), nông lâm sản (hoa quả nhiệt đới, đồ gỗ) và mở cửa thị trường cho tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... 

Ngoài 5 loại trái cây là dừa, thơm, chuối, xoài và thanh long được Hàn Quốc cho phép nhập khẩu, Việt Nam cần đẩy mạnh các mặt hàng có tiềm năng như cà phê, ớt, tỏi, gạo, tôm, cá đông lạnh, cải bắp, xu hào, cà chua…

Tại sao số lượng nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam vào xứ sở kim chi vẫn còn khiêm tốn? Phân tích nguyên nhân này, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết các DN Hàn Quốc rất khó tìm đối tác Việt Nam đủ năng lực sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu (như sản phẩm đồng bộ về chất lượng, kích cỡ, màu sắc; thương hiệu; vệ sinh an toàn thực phẩm; chế biến sâu…).

Đặc biệt, vấn đề chất lượng và giá cả là điểm mấu chốt quan trọng. Hiện sản phẩm đang xuất khẩu vào Hàn Quốc nhưng sản lượng chưa nhiều do giá chưa cạnh tranh so với các nước như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Mexico… Ví dụ, hộp dừa có 9 quả với giá 16 USD là vẫn còn cao.

Cũng theo ông Hong Sun, Nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản, như New Zealand có thương hiệu kiwi, Hà Lan có thương hiệu cam…

Hai nước cùng phối hợp

Là một trong những DN đang đầu tư vùng nguyên liệu tại Việt Nam để xuất khẩu sang Hàn Quốc, ông Son Sung Hoon, Tổng giám đốc Công ty CJ Việt Nam, khuyến cáo: “Trước tiên các DN cần phải xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng đạt đúng các quy định tiêu chuẩn của Hàn Quốc. 

Bởi, nếu nguyên liệu từ ban đầu chưa đạt thì khi ra thành phẩm cũng không xuất khẩu được. Để làm được điều này, DN phải thường xuyên phối hợp nông dân để khắc phục kịp thời các điểm yếu về kỹ thuật, chất lượng cũng như sản lượng của sản phẩm. Ngoài ra, chính phủ 2 nước phải cùng điều chỉnh mức thuế để tăng sức cạnh tranh với nước khác”.

Trung bình, người Hàn Quốc sử dụng 200kg rau/người/năm, 60kg trái cây/người/năm.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nhận định dư địa xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn.

Chỉ riêng năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 8.446 tấn rau quả, nhưng từ Việt Nam chỉ 304 tấn; 5.045 tấn thủy sản, từ Việt Nam 647 tấn; lâm sản là 3.825 tấn, Việt Nam chỉ 795 tấn.

Tại Việt Nam, vùng nguyên liệu hiện đang manh mún, Nhà nước cần có thêm chính sách xây dựng vùng nguyên liệu theo cánh đồng mẫu lớn để đảm bảo nguồn nguyên liệu; xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Với phương thức sản xuất này, giá thành sản phẩm có thể cạnh tranh. Đặc biệt, DN cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định yêu cầu của thị trường; giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cần thiết lập kênh thông tin thị trường thường xuyên cho DN; hướng tới thành lập Hiệp hội Các DN nông sản Việt Nam - Hàn Quốc để xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn…

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ phối hợp Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức lớp tập huấn, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng vùng nguyên liệu; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - DN - người sản xuất, nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi cung cấp.

Song song đó, các cơ quan quản lý chất lượng luôn cập nhật, phổ biến quy định của Hàn Quốc về kiểm soát an toàn thực phẩm; tổ chức hướng dẫn cho nông dân xây dựng cơ sở an toàn đáp ứng theo quy định của Việt Nam và Hàn Quốc.

Thanh Hải