|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân Mỹ khốn đốn sau khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu với đậu nành, cao lương

17:22 | 05/04/2018
Chia sẻ
Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào Mỹ hôm 4/4 khi áp thuế nhập khẩu 25% đối với đậu nành từ Mỹ, mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc trong năm ngoái, đạt 12 tỷ USD.
nguoi nong dan my khon don sau khi trung quoc ap thue nhap khau voi dau nanh cao luong Thêm 106 mặt hàng của Mỹ bị Trung Quốc áp thuế nhập khẩu

Trong hơn một thập kỷ qua, nhu cầu tăng nhanh tại Trung Quốc thúc đẩy hoạt động sản xuất đậu nành tăng mạnh tại Mỹ, được dự báo sẽ vượt qua ngô trở thành loại ngũ cốc được trồng nhiều nhất quốc gia này lần đầu tiên trong 35 năm. Số liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy, Trung Quốc hiện mua 62% lượng đậu tương xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu lượng lớn cao lương từ Mỹ, tuy nhiên một vụ điều tra chống bán phá giá của chính quyền Bắc Kinh đã chặt đứt hoạt động thương mại này. Số liệu từ cục hải quan cho thấy, khối lượng nhập khẩu cao lương của Trung Quốc trong tháng 2 đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với việc Trung Quốc đưa ra các biện pháp trả đũa đối với nhiều nông sản Mỹ, sự lựa chọn của người nông dân giảm xuống khi nhiều sản phẩm nông nghiệp đã hoặc có thể trở thành đối tượng đánh thuế của Trung Quốc. Ông Doug Keesling tại Kansas cho biết không biết sẽ trồng giống cây gì thay cho đậu tương.

Theo ông Keesling, lựa chọn sáng suốt nhất của ông sẽ chỉ đơn giản là cao lương, nông phẩm bị điều tra chống bán phá giá, được coi là hành động trả đũa cho quyết định áp thuế nhập khẩu với tấm pin mặt trời và máy giặt Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đậu nành là một trong 106 nông phẩm của Mỹ bị Trung Quốc áp thuế nhập khẩu 25%, trong vòng chưa đầy 11 tiếng sau khi chính quyền ông Trump đánh thuế 25% đối với 1.300 sản phẩm công nghệ, vận chuyển và dược phẩm của Trung Quốc.

Giá đậu nành giao tương lai đã giảm tới 5% trong phiên giao dịch ngày 4/4 sau khi chính quyền Bắc Kinh công bố quyết định áp thuế.

nguoi nong dan my khon don sau khi trung quoc ap thue nhap khau voi dau nanh cao luong
Ảnh: REUTERS/Dan Koeck/File Photo

Ông Gary Blumenthal, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn nông nghiệp World Perspectives nhận định, căng thẳng thương mại gia tăng có thể khiến Mỹ không còn là nhà cung cấp ưa thích của Trung Quốc.

Và câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu Trung Quốc có phụ thuộc vào nguồn cung đậu nành của Mỹ nhiều như người nông dân Mỹ phụ thuộc vào người mua từ quốc gia đông dân nhất thế giới hay không.

Các chuyên gia phân tích và giám đốc điều hành tại nhiều công ty sản xuất thực phẩm cho rằng, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ gặp khó khăn để tìm nguồn cung thay thế đậu nành từ Mỹ, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tài chính của các công ty Trung Quốc.

“Đơn giản là ngoài kia không đủ đậu nành để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu có một vài lựa chọn, nhưng không có biện pháp nào có thể ảnh hưởng tới người nông dân Mỹ mà không tạo ra chi phí trong nước”, ông Mark William, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á tại Capital Economics.

Trung Quốc có ngành chăn nuôi lớn nhất thế giới và dự kiến cần mua 97 triệu tấn đậu nành nhập khẩu trong năm 2017 – 2018, gần 2/3 lượng đậu nành xuất khẩu của thế giới.

Các công ty Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng đối với đậu nành Brazil, quốc gia mở rộng trồng trọt và cơ sở hạ tầng xuất khẩu, cũng như trồng các loại đậu có hàm lượng protein cao. Brazil cung cấp cung cấp một nửa lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái, trong khi xuất khẩu của Mỹ chiếm khoảng 1/3 trong số đó, tương đương 33 triệu tấn.

Trung Quốc nhập khẩu đậu nành từ Brazil từ mùa xuân đến mùa hè, vì vậy ảnh hưởng của thuế quan hoặc các cuộc đàm phán với chính quyền Washington về đậu nành sẽ không rõ ràng cho tới khi vụ thu hoạch của Mỹ diễn ra vào tháng 9. Đến thời điểm hiện tại, người nông dân Mỹ đã không thể thay thế loại cây trồng khác, khi họ đã mua hạt giống và bắt đầu chuẩn bị gieo cấy.

Gia tăng phụ thuộc vào Trung Quốc

Nhu cầu về đậu nành gia tăng tại Trung Quốc đã thay đổi ngành nông nghiệp Mỹ. Tại Kansas, diện tích trồng đậu nành tăng 28,8% so với 5 năm trước và 94,3% so với 10 năm trước. Kansas được biết đến là vùng truyền thống trồng lúa mỳ cứng màu đỏ.

Thị trường Trung Quốc mở rộng cũng thuyết phục người nông dân trồng đậu nành tại những vùng đất không mấy màu mỡ.

Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu lớn thịt heo, bông và ethanol của Mỹ, cũng như mua một lượng ít hơn ngô và lúa mỳ.

Hôm 2/4, Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu 25% đối với 128 sản phẩm của Mỹ, gồm cả thịt heo đông lạnh, ethanol làm từ ngô, rượu và một số loại trái cây, hạt cụ thể nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với thôm và thép.

Lyly Cao