|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nóng bỏng heo lậu tràn qua biên giới Tây Nam

14:37 | 28/11/2019
Chia sẻ
Được hướng dẫn của một người dân, giữa đêm khuya, phóng viên có chuyến ghi nhận thực tế nhiều địa điểm được cho là nơi tập kết heo lậu dọc sông Bình, xã Khánh Bình và thị trấn Long Bình.
Nóng bỏng heo lậu tràn qua biên giới Tây Nam - Ảnh 1.

Từ đầu tháng 10 đến nay ngành chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện xử lý 16 vụ vận chuyển heo nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam với hơn 400 con.

Những ngày qua, giá heo hơi xuất chuồng tại ĐBSCL liên tục tăng cao, hiện ở mức 65.000-80.000 đồng/kg. Trong khi nguồn cung không đủ cầu, lợi nhuận từ việc buôn bán lợn nhập lậu cao nên tình trạng buôn lậu lợn thịt từ Campuchia vào nước ta tăng mạnh.

Buôn lậu heo tăng cao qua biên giới Tây Nam trên địa bàn tỉnh An Giang, điểm nóng nhất vẫn là các đường tiểu ngạch gần cửa khẩu Tịnh Biên và Khánh Bình của huyện An Phú.

Được hướng dẫn của một người dân (tên H, ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú), giữa thêm khuya, phóng viên có chuyến ghi nhận thực tế nhiều địa điểm được cho là nơi tập kết heo lậu dọc sông Bình Di (xã Khánh Bình và thị trấn Long Bình).

Tại đây, chúng tôi phát hiện nhiều xe tải đậu sát mé sông hoặc được phà chở đang trong tư thế sẵn sàng rời bến đến huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal (Campuchia) nhận hàng.

Di chuyển đến một địa điểm khác và chỉ tay vào 3 chiếc xe tải đang đậu tại bãi đất trống cạnh một nhà thờ, anh H nói: Những xe đậu đây thường gom heo lậu từ nhiều xe tải nhỏ chở đến (heo từ Campchia chở qua). Đêm nào tại đây cũng hơn chục chiếc. Qua dò hỏi, những xe này từ Cần Thơ và TP Long Xuyên lên nhận heo mang về tiêu thụ.

Trong vai đầu mối mua heo, chúng tôi tìm gặp một đầu nậu tên N (ở xã Khánh Bình) đang ngồi tại một quán cà phê. Anh N tiết lộ, heo lậu chủ yếu là của Thái Lai đưa sang Campuchia, rồi nhập lậu vào biên giới Việt Nam. Hơn 1 năm trở về trước, heo lậu được vận chuyển bằng xuồng máy hoặc xe tải. Mấy ngày nay bị “động” nên việc vận chuyển diễn ra thưa thớt.

Hiện việc tập kết heo diễn ra ở bến đò Vạt Lài. Do chở xe tải bị “tuýt còi” liên tục nên chuyển sang vận chuyển bằng xe máy để né ngành chức năng. Mỗi xe máy chở một con heo nặng từ 60-100 kg rồi kiếm các lối mòn vượt trạm, tránh né lực lượng chức năng, sau đó tập kết tại một điểm có xe tải đậu chờ sẵn.

Nóng bỏng heo lậu tràn qua biên giới Tây Nam - Ảnh 2.

UBND tỉnh An Giang chỉ đạo ngành chức năng và các huyện biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu về buôn lậu heo từ Campuchia sang.

Ghi nhận của phóng viên, các đầu nậu hợp thức hóa heo lậu tại nhà nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến biên giới. Khi đó họ thỏa thuận với chủ nhà có chuồng heo bỏ trống với giá từ 200 – 300 ngàn đồng/ngày để heo về được nhốt tạm vài ngày.

Khi nhận được tín hiệu an toàn sẽ có xe tải nhỏ vận chuyển đến các xe tải lớn trước khi ra khỏi huyện. Ngoài ra, đối với những nơi thu mua trong tỉnh, các đầu nậu còn đưa thợ sang Campuchia để giết mổ, rồi cho heo vào giỏ xách chở bằng xe máy về Việt Nam tiêu thụ.

Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh An Giang cho biết: Những ngày qua, lực lượng ngành nông nghiệp, công an và bộ đội biên phòng tỉnh An Giang liên tục bắt giữ các đối tượng vận chuyển heo từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ, phần lớn đều không rõ nguồn gốc, không chứng minh được giấy tờ.

Đa phần trong đó có những con heo bị trầy xước, toàn thân tím tái, thậm chí có nhiều con đã chết cứng mình mẩy. Tính từ đầu tháng 10 đến nay ngành chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện xử lý 16 vụ vận chuyển heo nhập lậu, với hơn 400 con (tổng trọng lượng khoảng 30 tấn) từ Campuchia vào Việt Nam.

Theo ông Hiệp, khi phát hiện, bắt giữ heo và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, dù âm tính với virus bệnh dịch nhưng chúng tôi vẫn tiến hành tiêu hủy ngay.

Ông Diệp Trọng Danh, Quyền đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh An Giang, cho biết: Qua các đợt phối hợp bắt các đầu nậu buôn heo qua biên giới, đa phần họ giao dịch đều thực hiện vào ban đêm.

Heo từ Campuchia không chở đến cố định một cửa khẩu mà liên tục thay đổi hướng, tùy theo tình hình động tĩnh của lực lượng chức năng trong nước. 

Họ liên lạc với cánh lái heo trong nước bằng điện thoại để cho địa điểm, giá cả rồi tuồn heo qua biên giới vào địa phận An Giang. Đối với những tay buôn heo lậu nếu vận chuyển trót lọt vào nội địa sẽ kiếm lời khoảng 1-2 triệu đồng/con.

Nóng bỏng heo lậu tràn qua biên giới Tây Nam - Ảnh 3.

Ngành chức năng An Giang bắt giữ và tiêu hủy heo nhập lậu qua biên giới không rõ nguồn gốc.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Giá heo trong nước đang tăng cao, nguồn hàng khan hiếm nên có việc buôn lậu heo sang Việt Nam tiêu thụ.

Ngành chức năng An Giang ra tay ngăn chặn và kiểm tra 24/24 các tuyến biên giới để đảm bảo heo không rõ nguồn gốc nhập vào An Giang.

Đối với trường hợp nào bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp từ heo thì phối hợp cơ quan thú y, cơ quan liên quan tiến hành xử lý ngay theo quy định, trong đó gửi mẫu đến Chi cục Thú y vùng VII để xét nghiệm bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

Song song đó, công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh vi phạm trên phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết và tránh mua phải thịt từ động vật chết, động vật mắc bệnh, động vật bị bơm nước, không được kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.


Lê Hoàng Vũ - Hữu Đức