|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗi sợ COVID-19 khuấy động thị trường thảo dược Indonesia

07:11 | 17/09/2020
Chia sẻ
Hoạt động của các nhà sản xuất thảo dược ở Indonesia bùng nổ do nỗi sợ hãi của người dân đối với đại dịch viêm phổi cấp COVID-19.

Các nhà sản xuất thảo dược tại Jakarta-Indonesia đã thách thức nền kinh tế suy thoái và lạc quan về triển vọng tăng trưởng vì người dân địa phương đang tìm đến họ để bảo vệ bản thân trước nCoV.

Hôm 27/8, nhà sản xuất thảo dược truyền thống lớn nhất quốc gia này, Industri Jamu dan Farmasi Sido Muncul, đã thông báo thu nhập ròng trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 6 tăng 11% so với cùng kì năm ngoái và đạt 414 tỷ rupia (28,1 triệu USD) – mức lãi nửa đầu năm cao nhất kể từ khi công ty niêm yết vào năm 2013. 

Doanh số của Industri Jamu dan Farmasi Sido Muncul cũng tăng 4% đạt 1,46 nghìn tỉ rupiah trong khi danh mục thực phẩm và đồ uống, bao gồm đồ uống thảo mộc, được báo đạt mức tăng trưởng cao nhất là 16%.

Indonesia's herbal remedies boom amid COVID fears - Ảnh 1.

Nhiều người Indonesia tin rằng việc pha trộn gừng, nghệ và một số loại thân rễ khác có thể giúp hệ miễn dịch của họ khỏe mạnh. Ảnh: Jakarta Post

Leonard, giám đốc tài chính tại công ty Sido Muncul, nói với phóng viên rằng các sản phẩm bán chạy nhất trong quý II bao gồm các sản phầm từ gừng như cà phê gừng và sữa gừng, cũng như vitamin C. 

"Nhu cầu đối với chúng rất cao", ông nhấn mạnh.

Các sản phẩm này, cũng như một số phương thuốc thảo dược phổ biến khác do Industri Jamu dan Farmasi Sido Muncul sản xuất, có mãi lực tốt dù giảm chi phí cho quảng cáo. Các thảo dược tạo ra hơn 60% doanh thu của Sido.

"Mạng xã hội thực sự hữu ích. Nhiều người đọc thông tin qua nhóm WhatsApp, và trên tin tức, về tầm quan trọng của việc sử dụng thảo dược. Ngay cả khi không quảng cáo, các sản phẩm của chúng tôi đều được bán hết", Leonard nói.

Nhiều người Indonesia tin rằng việc pha trộn gừng, nghệ và một số loại thân rễ khác có thể giúp hệ miễn dịch của họ khỏe mạnh. Từ lâu người dân địa phương sử dụng chúng như một phương thuốc truyền thống để chữa cảm lạnh, đau khớp hoặc một số bệnh nhẹ khác. Năm nay chúng lại được quảng cáo như một phương thuốc để bảo vệ khỏi lây nhiễm COVID-19.

Các sản phẩm như gừng và nghệ được bán rất nhanh trên thị trường vào tháng 3 sau khi vài quan chức cấp cao của chính phủ, bao gồm Tổng thống Joko Widodo đã khuyến khích sử dụng các thảo dược từ sớm trong đại dịch. Đối mặt với nhiều chỉ trích và cáo buộc lừa dối công chúng, các quan chức đã ngừng quảng bá các hỗn hợp thảo dược, nhưng chúng vẫn phổ biến.

Giá cổ phiếu của Industri Jamu dan Farmasi Sido Muncul đã tăng 10% từ đầu năm đến nay, đạt 1.405 rupia, vượt qua nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất quốc gia, Kalbe Farma. Giá cổ phiếu Kalbe Farma đã giảm trước khi trở lại vào thứ năm về mức đầu tháng 1 với 1.615 rupia. Chỉ số Jakarta Composite đã giảm 14% trong cùng kỳ.

Doanh thu của Kalbe đã tăng 4% trong nửa đầu năm đạt 11,6 nghìn tỷ rupia, trong khi thu nhập thuần tăng 10% đạt 1,4 nghìn tỷ rupia. Doanh số thuốc theo đơn giảm 4% vì công ty cho rằng số bệnh nhân đến bệnh viện giảm do đại dịch. Nhưng doanh số của các sản phẩm sức khỏe – bao gồm vitamin tổng hợp và thảo dược lại tăng 7%.

Hiểu mức độ tín nhiệm của người dân đối với thuốc thảo dược, Kalbe đang thử nghiệm lâm sàng hai loại thảo dược mới đối với bệnh nhân COVID-19 với các triệu chứng nhẹ tại Jakarta, theo Giám đốc của Kalbe, ông Bernadus Karmin Winata. Họ hợp tác với công ty công nghệ sinh học Genexine (Hàn Quốc) để phát triển vắc-xin ngừa COVID019, dự kiến sẽ chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ở Indonesia vào quý IV.

Wintana nói: "Thảo dược là một lĩnh vực thú vị. Tại Indonesia, chúng tôi thường sử dụng các thảo dược truyền thống để duy trì sức khỏe. Thông qua các thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi hi vọng chúng tôi có thể nâng cao vị thế của thuốc thảo dược. Các số liệu lâm sàng sẽ khiến cho chúng tôi tin hơn vào việc chúng thực sự có lợi cho sức khỏe".

Giới bán hàng rong cũng nhanh chóng chớp thời cơ kinh doanh nước Jamu vì giờ đây mọi người đều tìm đến các phương thuốc truyền thống để tăng cường hệ thống miễn dịch.

Henny Harsono, một phụ nữ 63 tuổi, gắn bó với Jamu suốt cuộc đời. Các con của bà ở độ tuổi 30 đã bắt đầu mang Jamu theo tới văn phòng làm việc để uống kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lây lan bên ngoài Trung Quốc.

Parinem, một người bán rau ở chợ, cho biết khách hàng đổ xô mua tất cả các loại thảo mộc của bà khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố hai trường hợp COVID-19 đầu tiên ở nước này vào 2/3.

Bà Surini, 62 tuổi, một người bán rong nước Jamu trong chai tự pha chế tại chợ truyền thống, kể rằng bà thường bán khoảng 50 chai mỗi ngày, nhưng bây giờ bà có thể bán khoảng 70 chai với giá cao gấp rưỡi khoảng 1 USD/chai 330 ml.

Rizky Fajri - một nhân viên nhà thuốc tại một chợ ở Indonesia, xác nhận thuốc bổ thảo dược, đặc biệt là những loại có chứa tinh bột nghệ Java, thu hút nhu cầu của người dân. Đồ uống thảo dược và thức uống hỗn hợp dạng bột truyền thống cũng là lựa chọn phổ biến của khách hàng.

Nhạc Phong