Nới room tín dụng: Ngân hàng vừa mừng vừa lo
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II về vốn đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), chẳng hạn như ACB được nới room tín dụng từ 13% hồi đầu năm lên 17%, VPBank được nới từ 12% lên 16%, Techcombank được nới từ 13% lên 17%...
Việc nới room tín dụng có thể coi là "thông lệ" của Ngân hàng Nhà nước trong vài năm trở lại đây. Thực tế, đối với các ngân hàng, cơ quan quản lý thường phê duyệt room tín dụng thấp hơn so với dự kiến, sau đó điều chỉnh tăng một cách linh hoạt nhưng tựu chung vẫn giữ nguyên định hướng chung đặt ra hồi đầu năm.
Với năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đặt ra là 14%. Cơ chế nới room tín dụng năm nay cũng đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo khá rõ trong buổi họp báo tổng kết ngành ngân hàng quý I/2019, rằng cơ quan này sẽ "ưu tiên chỉ tiêu tín dụng cao đối với các tổ chức tín dụng đã thực hiện trước thời hạn các quy định về chỉ tiêu an toàn vốn". Vì vậy, việc các ngân hàng thương mại đáp ứng chuẩn Basel II về vốn được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thời gian qua không phải hiện tượng lạ.
Nới room tín dụng là việc mừng đối với các ngân hàng bởi triển vọng lợi nhuận sẽ lớn hơn, nhưng cũng đi kèm với nỗi lo.
Tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân thuộc hàng lớn nhất TP. HCM vừa được nới room tín dụng chia sẻ rằng, tại buổi họp sơ kết 6 tháng của ngân hàng này, "tôi có nói với anh em là năm nay lợi nhuận không phải lo, nhưng cơ cấu doanh thu, cơ cấu lợi nhuận phải đẹp, phải phù hợp".
"Khi tăng tín dụng cao, thoạt đầu rất sướng nhưng vận hành kinh doanh và danh mục cho vay phải hợp lý. Nếu không thì có thể sinh lời ngày hôm nay nhưng lại là thảm họa ngày mai", vị này cảnh báo.
Ông nhấn mạnh tính hữu hạn của tăng trưởng dư nợ cho vay, vì nó bị giới hạn không chỉ bởi room tín dụng mà còn bởi hệ số an toàn vốn. "Vậy nên chúng ta không thể cho vay nhiều, vì cho vay nhiều sẽ nhân tài sản có rủi ro lên cao và làm giảm an toàn vốn", vị lãnh đạo ngân hàng nói.
Nới room tín dụng là việc mừng đối với các ngân hàng bởi triển vọng lợi nhuận sẽ lớn hơn, nhưng cũng đi kèm với nhiều nỗi lo
Trong nhiều trường hợp, tình thế tiến thoái lưỡng nan xảy ra. Với việc được nới room tín dụng, nếu ngân hàng không tận dụng sẽ rất phí phạm, trong khi việc phân bổ nguồn tín dụng được nới thêm nhưng phải luôn đảm bảo theo định hướng phát triển của ngân hàng và đảm bảo tính an toàn không hề đơn giản.
Chẳng hạn như năm nay, tăng trưởng chung của ngành bất động sản chậm lại, khiến tăng trưởng dư nợ cho vay mảng này, nhất là phân khúc cho vay mua nhà để ở thấp hơn hẳn các năm trước. Với nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tư nhân, phân khúc cho vay mua nhà để ở đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí là phân khúc chiếm tỷ trọng lớn nhất nhì trong cơ cấu dư nợ cho vay. Nay tăng trưởng không như dự kiến, việc chuyển hướng tín dụng đã là một bài toán không dễ, chưa kể đến chuyện phân bổ nguồn tín dụng được nới thêm.
Đã có ngân hàng đưa ra giải pháp cho vấn đề này ở cấp độ chiến lược dài hạn, đó là Techcombank.
Techcombank bắt đầu quá trình chuyển đổi chiến lược từ cuối năm 2015, phân làm 3 giai đoạn và ngân hàng này sắp bước sang giai đoạn thứ 3 (từ năm 2020) là "Tăng cường quản lý hiệu suất" với một trong bốn trọng tâm là "Quản lý lợi nhuận trên tài sản có rủi ro".
Vì sao lại quản lý lợi nhuận trên tài sản có rủi ro?
Ngân hàng kiếm lời bằng cho vay hay bất kỳ cách gì thì luôn luôn phải đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn (CAR). Theo tiêu chuẩn Basel trên thế giới nói chung hay Thông tư 41/2016/TT-NHNN tại Việt Nam nói riêng, CAR tỷ lệ thuận với Vốn tự có và tỷ lệ nghịch với Tổng tài sản có rủi ro (RWAs).
Quản lý lợi nhuận trên tài sản có rủi ro nghĩa là quản lý RWAs (thông qua quản lý danh mục tài sản) sao cho đạt được lợi nhuận mục tiêu với CAR cao nhất có thể. CAR càng cao, dư địa tăng trưởng tương lai càng lớn, triển vọng tăng trưởng càng lâu dài, nghĩa là tính bền vững càng cao.
Điểm khác biệt so với các ngân hàng khác là Techcombank gắn việc quản lý lợi nhuận trên tài sản có rủi ro với chuỗi giá trị (chẳng hạn chuỗi giá trị bất động sản từ chủ đầu tư đến đại lý phân phối bất động sản đến người mua nhà). Điều này giúp quản lý rủi ro tập trung hơn, chủ động hơn cũng như tối ưu RWAs dễ dàng hơn.
Liên quan đến chuyện tăng trưởng tín dụng trong sự ràng buộc với chỉ tiêu an toàn vốn, bài học từ trường hợp VietinBank cũng rất đáng để các ngân hàng lưu ý.
Mặc dù huy động được lượng vốn rất lớn từ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng VietinBank đã nhanh chóng sử dụng hết dư địa an toàn vốn. Nay, khi dư địa tăng vốn không còn, ngân hàng này đã có lúc phải giảm dư nợ cho vay để giữ chỉ tiêu an toàn vốn ở trên mức tối thiểu theo quy định và điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh lời.
Tăng trưởng tín dụng càng cao thì chỉ tiêu an toàn vốn càng thấp là một thực tế. Mặc dù tình huống ở VietinBank có phần đặc biệt bởi Nhà nước phải giữ tối thiểu 65% cổ phần nhưng thực ra, các ngân hàng tư nhân cũng trong tình cảnh khá tương đồng.
Cụ thể, các ngân hàng bị giới hạn bởi hạn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (hiện là 30%). Không ít ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức này để bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Giờ nếu muốn tăng vốn thì phải bán cho nhà đầu tư trong nước. Đây là điều mà các ông chủ ngân hàng không muốn, bởi có thể gây ra rủi ro về quyền lực.
Tựu chung, việc được nới room tín dụng nói riêng, tăng trưởng tín dụng cao nói chung là con dao hai lưỡi. Nếu cẩn trọng, có tính toán kỹ càng khi sử dụng thì lợi ích đem lại không nhỏ nhưng nếu không cẩn trọng sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của ngân hàng.