|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ tái cơ cấu của Vietcombank có thể tăng lên 12.000 tỷ đồng vào cuối năm, kỳ vọng hoàn tất phương án phát hành riêng lẻ vào giữa 2022

08:52 | 12/11/2021
Chia sẻ
Theo SSI Research, mặc dù có sự suy yếu nhưng chất lượng tài sản không phải là mối quan tâm lớn tại Vietcombank bởi mức trích lập dự phòng lớn lên tới 26.400 tỷ đồng vào cuối tháng 9.

Trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia phân tích dự báo các khoản nợ tái cơ cấu của Vietcombank có thể tăng lên khoảng 11.000 - 12.000 tỷ đồng vào cuối năm và chi phí dự phòng có thể vượt con số kế hoạch mà ngân hàng ước tính.

Cụ thể, Vietcombank dự kiến trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu là 4.000 tỷ đồng và đã lên kế hoạch trích lập toàn bộ trong năm 2021 thay vì trải đều trong thời gian 3 năm. Khoản 4.000 tỷ đồng này đã nằm trong kế hoạch tổng chi phí dự phòng cho cả năm 2021 ở mức 10.000 tỷ đồng. 

"Mặc dù có sự suy yếu nhưng chất lượng tài sản không phải là mối quan tâm lớn tại Vietcombank", báo cáo viết. 

Theo SSI Research, vào cuối quý III, nợ nhóm 2 của Vietcombank tăng 59% so với quý trước lên 10.900 tỷ đồng, xuất phát từ một số doanh nghiệp thuộc ngành khách sạn và vận tải ở miền Trung và miền Nam. 

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tăng 11% so với quý trước lên 6.300 tỷ đồng và các khoản vay tái cơ cấu tăng gần gấp đôi lên 9.000 tỷ đồng. 

Tổng các khoản cho vay bị ảnh hưởng chiếm khoảng 4-5% tổng sư nợ. Tuy nhiên, tổng mức trích lập dự phòng vào cuối tháng 9 là 26.400 tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản có vấn đề (Nợ nhóm 2, nợ xấu và nợ tái cơ cấu). 

Ngân hàng cũng chia sẻ rằng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đó, tỷ lệ các khoản nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu chỉ ở mức 4-5%.

Nợ tái cơ cấu của Vietcombank có thể tăng lên 12.000 tỷ đồng vào cuối năm, kỳ vọng hoàn tất phương án phát hành riêng lẻ vào giữa 2022 - Ảnh 1.

Nguồn: SSI.

Biên lãi ròng (NIM) của Vietcombank được đánh giá tốt hơn kỳ vọng mặc dù ngân hàng phải thực hiện nhiều gói cắt giảm lãi suất cho vay với ước tính tác động lên thu nhập lãi thuần (NII) là 5.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tương đương 2.500 tỷ đồng mỗi quý).

Các chuyên gia của SSI cho rằng NIM của ngân hàng sẽ ổn định ở mức 3,2% và có thể giảm về 3,1% trong trường hợp dịch bùng phát, ngân hàng phải hỗ trợ thêm cho khách hàng.

Nợ tái cơ cấu của Vietcombank có thể tăng lên 12.000 tỷ đồng vào cuối năm, kỳ vọng hoàn tất phương án phát hành riêng lẻ vào giữa 2022 - Ảnh 2.

Với giả định chi phí tín dụng và trích lập dự phòng lần lượt ở mức 1,22% và 11.000 tỷ đồng, SSI điều chỉnh tăng nhẹ ước tính lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2021 lên 25.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm trước và đạt 29.800 tỷ đồng trong năm 2022.

Vietcombank cũng đang chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nâng hạn mức tín dụng cho cả năm 2021. Tính đến cuối tháng 9, ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng 11,5% so với đầu năm, trong đó nhóm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân lần lượt tăng 10,4% và 11,6%.

Bên cạnh đó, tăng vốn cũng là một trong những vấn đề quan trọng được thị trường chú ý. Vietcombank kỳ vọng phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2021 và có thể bắt đầu triển khai tìm đơn vị tư vấn tài chính và pháp lý cho phương án phát hành riêng lẻ vào đầu 2022.

"Do quá trình này tốn nhiều thời gian, Vietcombank kỳ vọng thương vụ sẽ hoàn tất sớm nhất vào giữa năm 2022", theo SSI.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Vietcombank đặt kế hoạch tăng vốn bằng phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 27,6%) đồng thời phát hành riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ.

Dự kiến sau khi hoàn tất các phương án, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng lên hơn 50.401 tỷ đồng.

Diệp Bình

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.