Nỗ lực trả nợ, khôi phục kinh doanh sau khi phá sản của nữ triệu phú gốc Việt ở Australia
Sự nghiệp thăng trầm của nữ doanh nhân triệu phú gốc Việt ở Australia |
'Biết mình dốt cũng là điểm mạnh của người khởi nghiệp' |
Sau khi mất cơ nghiệp trị giá 27 triệu USD vì phá sản, rơi vào cảnh không nhà và nợ 900.000 USD vào năm 2009, nữ triệu phú Diễm Fuggerberger muốn vay tiền để đầu tư vào công ty mới - Berger Ingredients. Nếu vay được vốn, cô sẽ xây nhà máy mới và hệ thống kho,mua máy móc, thiết bị, thuê người, lấy hàng từ các nhà phân phối.
Để vay vốn, ban đầu Diễm phải tới ngân hàng. Nhưng vì công ty chưa có doanh thu nên các ngân hàng không thể cho cô vay tiền. Diễm và chồng phải thuê nhà máy với giá 18.000 USD mỗi tháng. Nhưng sau khi thuê nhà máy để sản xuất, cô không có khách hàng. Tình trạng ấy khiến cô và chồng lo lắng tới mức mất ngủ. Họ cảm thấy bất an về tương lai. Những nỗ lực thuyết phục ngân hàng tiếp theo cũng không mang lại kết quả.
Nữ triệu phú Diễm Fuggerberger và chồng từng có gia sản trị giá 27 triệu USD, nhưng sau đó phá sản và hai người làm lại từ đầu. Ảnh: Diễm Fuggerberger |
Cuối cùng nỗ lực của hai người đã mang tới kết quả. Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia đồng ý cho họ vay 8.500 AUD. Sau đó, cha mẹ cô thế chấp ngôi nhà để vay 300.000 USD cho cô.
"Đây là hành động mạo hiểm, nhưng cha và mẹ vẫn quyết định thực hiện, vì nếu tôi tiếp tục kinh doanh, mọi người trong gia đình hai bên sẽ có việc. Tôi cũng bán tất cả đồ trang sức và những tài sản cá nhân có giá trị, đồng thời vay tiền của mọi người", Diễm kể.
Trong giai đoạn đầu, khi công ty bắt đầu có lợi nhuận, Diễm chỉ lấy một phần rất nhỏ lợi nhuận để chi tiêu hàng ngày và đóng học phí cho hai con. Số tiền lãi còn lại, cô tái đầu tư để phát triển kinh doanh.
"Tôi không dám tiêu xài quá tay vì mục tiêu của tôi là trả nợ càng sớm càng tốt. Sau 5 năm, tôi trả hết nợ. Nhưng trong khoảng thời gian ấy, tôi và chồng không tự trả lương cho chính mình", Diễm nói.
Nữ doanh nhân gốc Việt nhận định niềm tin và Phật là động lực giúp cô giữ vững tinh thần trong thời kỳ gian nan. "Tôi cầu nguyện từ ngày này sang ngày khác, để Đức Phật ban cho tôi sức mạnh và giải pháp để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn", cô kể.
Những hộp thực phẩm chế biến sẵn do công ty của Diễm Fuggerberger sản xuất. Ảnh: Diễm Fuggerberger |
Sự tin tưởng của gia đình và một số nhân viên trong công ty trước đây là yếu tố giúp Diễm thoát khỏi tình trạng khó khăn nhanh hơn. Một số nhân viên cũ vẫn làm việc cho Diễm trong công ty mới dù họ chưa biết tương lai của công ty sẽ thế nào. "Với sự đồng lòng của người thân và những nhân viên cũ, tôi biết tôi có thể vượt qua trở ngại", cô nhấn mạnh.
Vốn là người giỏi thương thuyết, Diễm thuyết phục một số khách hàng trung thành trả tiền trước để cô có thêm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do từng thất bại nặng nề, cô và chồng rút ra nhiều bài học quý giá. Kinh nghiệm thương trường trước đây, cộng với những bài học về thất bại, giúp họ tái khởi nghiệp một cách mạnh mẽ hơn nhưng rất chắc chắn.
"Trong 5 năm, chúng tôi tránh mọi vấn đề không cần thiết trong cuộc sống. Chúng tôi chỉ tập trung vào các kế hoạch, mục tiêu để đưa cuộc sống trở lại mức bình thường. Đương nhiên chúng tôi vẫn mắc sai lầm, nhưng lần này chúng tôi xử lý sai lầm nhanh chóng hơn và đúng hướng", cô nói.