Nỗ lực ngăn sự lộng hành của các đại gia công nghệ Mỹ phụ thuộc kết quả bầu cử tổng thống
Một báo cáo của Tiểu ban Chống độc quyền thuộc Hạ viện Mỹ hồi đầu tháng 10 nhận định Apple, Facebook, Google, Amazon đã áp dụng những biện pháp phản cạnh tranh với lượng dữ liệu khổng lồ để lấn át các đối thủ, theo CNN.
Về một số phương diện, báo cáo nhận định các đại gia công nghệ ngày nay khá giống những nhà tài phiệt đường sắt và viễn thông trước đây. Song một công tố viên của Tiểu ban Chống độc quyền nhận định rằng khả năng tiếp cận dữ liệu khiến ngành công nghiệp trở nên khác biệt theo một số hướng quan trọng, theo CNN.
Các tập đoàn công nghệ hiểu quá rõ đối thủ nhờ dữ liệu lớn
"Nhờ khả năng tiếp cận dữ liệu, họ có thể thu thập thông tin thị trường với độ chính xác gần như hoàn hảo, khiến chúng ta cảm thấy dường như họ đang sống trong một thế giới hoàn toàn mới", vị công tố viên nói với CNN.
Những người đang phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ có thể cảm nhận rõ điều mà vị công tố viên nói, song luật chống độc quyền không vận hành dựa trên những biểu hiện bề ngoài đơn giản, mà nó dựa trên sự lí giải về pháp lí. Và, theo các chuyên gia, đó là thách thức lớn nhất đối với hoạt động tranh luận trước tòa án.
Luật chống độc quyền ở Mỹ thể hiện vai trò của nó qua những vụ kiện và hệ thống tòa án, chứ không phải thông qua Quốc hội. Thực tế ấy có nghĩa là, để bản báo cáo của Tiểu ban Chống độc quyền của Hạ viện trở thành công cụ chống Facebook hay Google trước tòa, các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ hay Ủy ban Thương mại Liên bang phải lí giải nó trước hội đồng xét xử.
Hàng loạt án lệ đã khiến các thẩm phán xem xét những vụ kiện độc quyền qua lăng kính giá, sựa lựa chọn của người tiêu dùng hay sự câu kết giữa các doanh nghiệp. Báo cáo của Tiểu ban Chống độc quyền cố gắng mô tả chiến thuật tận dụng dữ liệu của các tập đoàn công nghệ như một ví dụ về hành vi mà các tòa án không chấp nhận trong nhiều thập kỉ.
Song các lí thuyết pháp lí về việc sử dụng dữ liệu vẫn tương đối mới trong lĩnh vực chống độc quyền, và không giống với cách mà các thẩm phán thường nghĩ về cạnh tranh. Đó là quan điểm của Hal Singer, một nhà kinh tế học của Trường Chính sách công thuộc Đại học George Washington.
"Vì thế, báo cáo của Hạ viện đòi hỏi các thẩm phán phải thoát ra lối tư duy truyền thống và an toàn để xét xử", Hal Singer bình luận.
"Sử dụng dữ liệu" là khái niệm quá mới mẻ
Hal Singer nói thêm rằng "mới" là một từ bẩn trong lĩnh vực chống độc quyền. Theo ông, dù thẩm phán là người chịu ảnh hưởng của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, họ đều có tư tưởng bảo thủ nếu không thoát khỏi tư duy truyền thống.
Có lẽ đó là lí do khiến báo cáo vừa kêu gọi tăng thêm nguồn lực cho các cơ quan chống độc quyền, vừa nêu nhiều đề xuất khác không liên quan tới hệ thống tư pháp để thay đổi các tập đoàn công nghệ. Chẳng hạn, báo cáo đề xuất Quốc hội ban hành những luật để cấm doanh nghiệp công nghệ thâu tóm những nền tảng đang cạnh tranh với họ, hoặc phân biệt đối xử những đối thủ cần dịch vụ của họ để phát triển.
Mặc dù đảng Cộng hòa thừa nhận những phát hiện trong báo cáo, họ vẫn nhận định một số đề xuất của Tiểu ban Chống độc quyền không khả thi. Thực tế đó khiến giới quan sát hoài nghi về khả năng thay đổi cục diện của báo cáo. Vì thế, cuộc bầu cử tổng thống năm nay sẽ có vai trò quyết định.
Nếu cựu phó tổng thống Joe Biden giành thắng lợi và đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện, báo cáo có thể trở thành tiền đề cho hàng loạt thay đổi ngoạn mục về pháp lí. Ủy ban Tư pháp Hạ viện, với các nghị sĩ Dân chủ chiếm đa số, sẽ là lực lượng nòng cốt thúc đẩy sự thay đổi ấy.
Vai trò của ứng viên Joe Biden
Hạ nghị sĩ David Cicilline, trưởng Tiểu ban Chống độc quyền, nói với Reuters hôm 7/10 rằng ông tin cựu phó tổng thống Joe Biden sẽ quan tâm tới báo cáo nếu ông đắc cử.
"Biden từng phát biểu rằng các nền tảng của nhóm tập đoàn công nghệ đang lạm dụng ảnh hưởng của họ. Ông ấy nhận ra rằng sự tập trung kinh tế cao độ đang làm hại nền dân chủ", David Cicilline phát biểu.
Bà Sarah Miller, giám đốc điều hành Dự án Tự do Kinh tế Mỹ, cho rằng báo cáo đã thể hiện quan điểm của đảng Dân chủ đối với các nền tảng công nghệ, cách thức điều chỉnh và củng cố các luật chống độc quyền.
"Báo cáo đã liệt kê chi tiết những việc cần thiết, và lí do chính quyền của ông Biden nên hành động, cũng như những vấn đề mà ông Biden cần quan tâm trong báo cáo", bà nói. Sarah Miller là một trong vài trăm thành viên thuộc ủy ban chính sách công nghệ của ông Biden.
William Kovacic, cựu chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang, cảnh báo rằng các tập đoàn công nghệ sẽ nỗ lực tối đa trong vận động hành lang để các thay đổi pháp lí không diễn ra.
Vài hôm trước, Reuters đã điều tra việc Amazon và một số tập đoàn công nghệ đã ủng hộ phe của ông Joe Biden bằng tiền và các mối quan hệ.
Cựu phó tổng thống Joe Biden từng nhận định việc thực thi luật chống độc quyền đang khá lỏng lẻo và các tập đoàn công nghệ xứng đáng chịu sự giám sát chặt từ các cơ quan điều tiết cạnh tranh. Tuy nhiên, ông chưa ủng hộ ý tưởng tách các tập đoàn lớn, cho rằng đó là hành động vội vàng khi chính phủ chưa tổ chức điều tra chính thức.