Nợ công ở các quốc gia Châu Á mới nổi lặng lẽ vượt 50% GDP
Bộ Chính trị đặt mục tiêu nợ công năm 2030 không quá 60% GDP |
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters) |
Theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ chính phủ ở các nền kinh tế mới nổi tại châu Á đã đạt 50% GDP trong quí III/2018.
Tuy nhiên, mức gia tăng nợ công cũng chỉ ra những vấn đề tiềm ẩn nếu nền kinh tế toàn cầu đột ngột xấu đi. Hai năm tới có thể khá bấp bênh sau khi một số nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng sẽ chững lại, theo Nikkei Asian Review.
“Bước vào một cuộc khủng hoảng với tình trạng tài chính yếu sẽ làm trầm trọng thêm chiều sâu và thời gian của cuộc suy thoái tiếp theo, đặc biệt là ở các nền kinh tế thị trường mới nổi, bởi chính sách tài khóa có tính thuận chu kì trong những trường hợp này”, ông Vitor Gaspar, giám đốc Vụ Tài chính của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho hay.
Mặc dù nợ chính phủ ở các nước mới nổi tại châu Á đang tăng lên, con số vẫn còn khá thấp so với 223,1% GDP của Nhật Bản và 100,8% của Mỹ.
“Mức nợ công tương đối thấp giúp khu vực này chống đỡ được một cuộc suy thoái tiềm năng trên toàn cầu, cho phép các nhà hoạch định chính sách sử dụng chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ tổng cầu”, ông Frederic Heumann, đồng giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, nói. “Chẳng hạn, ở Trung Quốc, chính quyền trung ương đang ngày càng đẩy mạnh việc nới lỏng tài khóa khi cắt giảm thuế suất được chỉ định cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Trung Quốc có thể làm được việc này vì tỉ lệ nợ công hiện còn ở mức thấp”, ông Neumann nói thêm.
Ảnh minh họa |
“Mức tăng không đáng kể phản ánh sự hợp nhất của khu vực công cũng như sự thay đổi nhu cầu đối với khu vực tư nhân tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philipines”, ông Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN +3 có trụ sở tại Singapore, phát biểu.
“Khu vực Đông Á thường thận trọng trong vấn đề quản lí tài chính công”, ông Hoe nói. “Với bất kì hình thức nào, mức nợ cao vượt ngưỡng bền vững có thể tạo ra những điểm dễ tổn thương và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải ngay lập tức lưu tâm đến những rủi ro này”.
Sự kết hợp của tình hình nợ công tương đối thấp và nợ tư nhân tương đối cao tại châu Á là một phần của bức tranh lớn hơn về vấn đề vay nợ trên toàn thế giới. Nợ toàn cầu đã đạt 244.000 tỉ USD trong quí III/2018, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Nợ doanh nghiệp phi tài chính ở các quốc gia châu Á mới nổi đã tăng 5 điểm phần trăm, so với năm 2017, lên mức 124% GDP. Trong khi tỉ lệ này ở Nhật Bản là 101,6% và tại Mỹ là 72,6%.
Theo ước tính của IMF, 40% tổng nợ gia tăng trên toàn cầu trong thập kỉ qua đến từ Trung Quốc. Nguyên nhân lớn nhất gây lo ngại nhiều khả năng chính là mức tăng trưởng nợ doanh nghiệp bên ngoài lĩnh vực tài chính tại nước này, được IIF ước tính đạt 157% GDP trong quí III/2018.
Giáo xư Xiang Songzuo, cựu chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, cho hay trong một bài phát biểu ngày 15/12/2018 rằng “để giải quyết vấn đề nợ, trước tiên, chính phủ phải trả hết nợ mà họ nợ doanh nghiệp, các doanh ghiệp thuộc sở hữu nhà nước phải trả nợ mà họ nợ doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân lớn phải trả hết những khoản nợ mà họ nợ doanh nghiệp nhỏ hơn”.
Mối lo ngại về mức gia tăng nợ của Trung Quốc được phản ánh qua một số quốc gia châu Á khác. Mặc dù hầu hết nợ chính phủ tại châu Á tương đối thấp, mức nợ ở Hồng Kông, Ấn Độ, Pakistan và Singapore dao động từ 67% đến 112% GDP nhiều khả năng sẽ thu hẹp dư địa chính sách của các nhà quản lí nếu chẳng may kinh tế khu vực hoặc toàn cầu rơi vào suy thoái, đồng thời cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa các nền kinh tế trong khu vực," ông Chua Hak Bin, nhà kinh tế học kì cựu tại Maybank Kim Eng.
Gia tăng nợ công tại Malaysia đã khiến Thủ tướng Mahathir Mohamad phải kìm hãm các dự án đường sắt và cảng biển do Trung Quốc hậu thuẫn, trong khi quốc gia khác lại xuất hiện những lo ngại về “chiếc bẫy nợ” bắt nguồn từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, một dự án phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ.
Sri Lanka đã trao quyền kiểm soát cảng Hambantota (do Trung Quốc tài trợ) cho chính quyền Bắc Kinh sau khi họ không thể trả các khoản nợ phát sinh trong quá trình xây dựng vào tháng 10/2018, trong khi Pakistan cùng thời điểm trên bị buộc phải tiếp cận IMF để xin cứu trợ, một phần do các khoản nợ phải trả trong sáng kiến trên.
Xem thêm |