|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nikkei: Vietnam Airlines lên sàn giữa lúc thị phần giảm, cạnh tranh tăng

17:46 | 17/04/2019
Chia sẻ
Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới đây đã được chấp thuận niêm yết gần 1,42 tỉ cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), đánh dấu bước đi đầu tiên trong tiến trình giảm sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp này xuống còn 51%.

Nikkei đưa tin, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM mới đây ra thông báo cho biết đơn vị này đã chấp thuận niêm yết gần 1,42 tỉ cổ phiếu HVN do Vietnam Airlines phát hành.

Như vậy 5 năm sau khi IPO vào tháng 11/2014 và hơn 2 năm kể từ khi bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM vào tháng 1/2017, Vietnam Airlines sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán. Kết phiên 17/4, giá cổ phiếu HVN dừng ở 40.400 đồng/cp, giảm 1,5% so với phiên trước đó, vốn hóa hiện khoảng 58.400 tỉ đồng.

Ngoài kế hoạch niêm yết tại HOSE, một thông tin đáng chú ý khác liên quan đến Vietnam Airlines là trong năm nay, Nhà nước dự định sẽ thoái bớt vốn khỏi doanh nghiệp này, giảm tỉ lệ sở hữu từ 86,19% xuống còn 51%. Tuy nhiên hiện chưa có kế hoạch thoái vốn cụ thể. Tháng 11/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn tất chuyển giao đại diện vốn nhà nước tại Vietnam Airlines về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Nikkei, năm 2016 hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) chi khoảng 108 triệu USD để mua khoảng 8,8% cổ phần tại Vietnam Airlines và trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của hãng. Theo qui định hiện tại, sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực hàng không bị giới hạn ở mức 30%, tuy rằng Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2018 từng đề xuất nâng trần sở hữu này lên 49%.

Nikkei: Vietnam Airlines lên sàn giữa lúc thị phần giảm, cạnh tranh tăng - Ảnh 1.

Máy bay Airbus A350 XWB của Vietnam Airlines. Ảnh: Vietnam Airlines.

Thị trường tăng trưởng, cạnh tranh cũng thêm căng thẳng

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), số lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không tại Việt Nam có thể đạt 35 triệu vào năm 2035. Và Vietnam Airlines dự tính sẽ tận dụng sự tăng trưởng nhanh chóng này của ngành hàng không Việt Nam – hiện đang đứng thứ 5 toàn thế giới về tốc độ mở rộng.

Năm 2018, Vietnam Airlines đạt mức doanh thu 96.800 tỉ đồng (tương đương 4,17 tỉ USD), tăng trưởng 17% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 5% lên 3.300 tỉ đồng. Hãng đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2019 đạt 112.000 tỉ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2018.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán SSI, Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức trong hai năm tới. Các hãng hàng không nội khác là Vietjet Air và Bamboo Airways khiến cho cạnh tranh ngày càng thêm gay gắt và ăn mòn thị phần của Vietnam Airlines.

Theo Nikkei, tính đến tháng 12/2018, thị phần hàng không nội địa của Hãng hàng không quốc gia là 37%, sụt giảm đáng kể so với mức 80% vào năm 2011 khi Vietjet – hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam – bắt đầu hoạt động.

Vietjet nhanh chóng mở rộng thị phần lên 48% vào năm 2018 và "qua mặt" Vietnam Airlines.

Bamboo Airways – một hãng hàng không tư nhân do Tập đoàn FLC sở hữu 100% - bắt đầu hoạt động thương mại từ đầu năm 2018 và trở thành một đối thủ nữa của Vietnam Airlines.

Tập đoàn FLC mới đây đã công bố kế hoạch bơm khoảng 700 tỉ đồng vào Bamboo Airways, nâng vốn điều lệ của hãng bay này lên 2.000 tỉ đồng để phục vụ hoạt động mở rộng đội bay.

Bamboo Airways cũng chuẩn bị khai thác các chuyến bay tới thị trường quốc tế, mở đầu là Nhật Bản vào cuối tháng 4 này sau đó tới Singapore, Hàn Quốc, … vào các tháng sau.

Một số doanh nghiệp khác cũng đang nuôi kế hoạch mở hãng hàng không tại Việt Nam và đợi được nhà chức trách cấp phép, bao gồm liên minh giữa Air Asia và Thiên Minh Group, cùng với đó là Vietstar Airlines.

Công ty du lịch lữ hành Vietravel cũng cho biết đang làm việc để thành lập một hãng hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của hành khách.

Vietnam Airlines được cho là đang tập trung vào chiến lược mở rộng ra nước ngoài và có thể có kế hoạch mua các máy bay Boeing tầm xa để nâng cao khả năng hoạt động trên các tuyến quốc tế, bao gồm từ TP HCM đi Los Angela hoặc San Francisco vào năm 2020.

Trước đó, vào tháng 1 năm nay, Cục hàng không dân dụng Mỹ (FAA) đã cấp chứng nhận an toàn hàng không loại 1 cho Việt Nam, tạo điều kiện pháp lí cho các hãng hàng không Việt Nam mở đường bay thẳng đến Mỹ.

Tuy nhiên, nguồn tin của Nikkei tại Vietnam Airlines cho biết hãng này sẽ phải nghiên cứu rất cẩn thận nhu cầu khách hàng trước khi mở đường bay thẳng kết nối hai nước.

Theo kế hoạch, năm nay Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 22 máy bay, bao gồm 2 chiếc Airbus A350 và 20 chiếc A321NEO, tăng qui mô đội bay lên 112 chiếc.

Song Ngọc