|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nikkei: Việt Nam và Đông Nam Á được DN Nhật - Hàn tin tưởng chọn làm điểm đầu tư để khơi thông bế tắc thương mại

07:18 | 27/09/2019
Chia sẻ
Hôm 25/9, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý hợp tác trong một số dự án tại Việt Nam và Đông Nam Á, giữa bối cảnh mối quan hệ hai nước này ngày càng xấu đi do bất đồng về lịch sử và kinh tế.
1

Ảnh: AP

Việt Nam - điểm đến đầu tư được tin tưởng của doanh nghiệp Nhật - Hàn

Hơn 300 giám đốc từ các công ty hàng đầu có trụ sở tại Tokyo và Seoul đã cùng nhau thảo luận tìm hướng hợp tác kinh doanh ở thị trường Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, một phần nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ và hàn gắn sự rạn nứt giữa hai bên.

"Doanh nhân Nhật - Hàn đã đồng ý hợp tác vì một tương lai tươi sáng và thịnh vượng của cả hai nước", ông Kim Yoon, người đứng đầu Hiệp hội Kinh tế Hàn - Nhật, và bà Mikio Sasaki, Giám đốc Hiệp hội Kinh tế Nhật - Hàn, cùng đưa ra tuyên bố chung.

"Trước tiến, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ liên tục làm việc cùng nhau trong các dự án chung ở một số nước thứ ba", hai nhân vật trên cho hay.

Theo Nikkei Asian Review, mối quan hệ Nhật - Hàn đã chuyển biến xấu kể từ năm ngoái do bất đồng trên nhiều khía cạnh.

Toyo và Seoul cũng lần lượt loại đối phương ra khỏi "danh sách trắng" gồm các đối tác xuất khẩu đáng tin cậy thời gian qua, giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế hai nước và làm tổn thương niềm tin doanh nghiệp.

Hôm 25/9, ông Lee Woo-kwang, giám đốc của "ông lớn" ngành chế biến thực phẩm Hàn Quốc Nongshim, cho biết Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho các dự án chung.

Từng là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung, ôn Lee cho hay Việt Nam rất thu hút vì có dân số trẻ và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ.

"Việt Nam là nơi mà hai nước có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp khi mà Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ở mức tương tự với Nhật Bản", vị giám đốc này nói tại một diễn đàn do Hiệp hội Kinh tế Hàn - Nhật tổ chức.

"Hai nước có thể chia sẻ kinh nghiệm và cải thiện cơ hội kinh doanh thông qua hợp tác", ông Lee nhấn mạnh.

Kinh tế Nhật - Hàn đều khó ổn định nếu tranh chấp kéo dài

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã yêu cầu chính trị gia hai nước bắt đầu đàm phán để giải quyết căng thẳng. Chủ tịch Sasaki cho biết, chính quyền các tỉnh và ngành du lịch Nhật Bản đã chịu thiệt hại nặng nề sau cuộc tẩy chay của du khách Hàn Quốc.

S&P Global Ratings dự đoán Hàn Quốc sẽ đối mặt với rủi ro suy thoái nếu tranh chấp với Nhật Bản kéo dài.

"Nếu tình trạng gián đoạn kéo dài, rủi ro suy thoái kinh tế ở Hàn Quốc sẽ lớn dần", ông Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng của S&P Global Ratings ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho hay.

Ông còn nhận định, tình hình trên đã "gần đến điểm bùng nổ" vì Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc.

S&P Global Ratings cho biết các hạn chế thương mại do Nhật Bản áp đặt đang ngày càng làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Hàn Quốc và gây ra bất ổn cho doanh nghiệp nước này.

"Mức độ ảnh hưởng của diễn biến trên đến nền kinh tế Hàn Quốc là rất khó lường và phụ thuộc vào mức độ bế tắc của hoạt động xuất khẩu, khả năng tìm nhà cung ứng thay thế của doanh nghiệp Hàn Quốc và thời gian tranh chấp", ông Jeremy Zook, Giám đốc điều phối của Fitch, chia sẻ trong một cuộc họp báo tại Seoul hôm 24/9.

Khả Nhân