|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nikkei: Petrolimex bế tắc với dự án lọc dầu tại Nhật Bản

11:30 | 09/07/2020
Chia sẻ
Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có tham vọng hợp tác đầu tư vào một dự án lọc dầu của đối tác Nhật Bản Eneos (tên cũ là JXTG), tuy nhiên diễn biến thực tế đang chậm hơn một năm so với thời gian biểu đặt ra.
Nikkei: Petrolimex bế tắc với dự án lọc dầu tại Nhật Bản - Ảnh 1.

Một cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Petrolimex ở ngoại ô thủ đô Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.

Theo Nikkei Asian Review, năm 2018 Petrolimex (Mã: PLX) đồng ý đầu tư vào một nhà máy lọc dầu do tập đoàn Eneos (Nhật Bản) xây dựng tại tỉnh Yamaguchi, sau đó nhà máy này sẽ xuất khẩu xăng sang Việt Nam.

Theo kế hoạch, một công ty liên doanh sẽ được thành lập vào tháng 4/2019 để vận hành nhà máy lọc dầu nhưng cho tới nay chính phủ Việt Nam vẫn chưa phê duyệt thỏa thuận góp vốn, Nikkei cho biết.

Ông Katsuyuki Ota – Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của công ty mẹ Eneos Holdings nói: "Chúng tôi muốn bắt tay làm việc ngay lập tức nhưng các cuộc thảo luận không đạt được tiến triển". Ông Ota cho rằng có thể nguyên nhân xuất phát từ các cơ quan quản lí cấp cao tại Việt Nam.

Theo Nikkei, các lãnh đạo Việt Nam đang tạm trì hoãn các quyết định liên quan tới doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.

Mối quan hệ giữa Eneos và Petrolimex bắt đầu từ năm 2016 khi Eneos (lúc đó có tên JX Nippon Oil & Energy) mua 8% cổ phần PLX, trị giá khoảng 20 tỉ yen, tương đương 186 triệu USD.

Petrolimex hiện có hệ thống 5.500 cửa hàng phân phối xăng dầu trên cả nước, trong đó có 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của tập đoàn, số còn lại là các cửa hàng được Petrolimex nhượng quyền thương hiệu.

Liên minh Petrolimex – Eneos từng có kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu ở phía nam Việt Nam nhưng sau đó phải từ bỏ vì không được chính phủ cấp phép.

Petrolimex muốn bán mảng tài chính để tập trung vào hoạt động xăng dầu nhưng tiến độ cũng đang rất chậm. Năm 2018, Petrolimex đồng ý kế hoạch sáp nhập PG Bank (do Petrolimex nắm 40% vốn) với HDBank tuy nhiên thương vụ chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Petrolimex cho biết tập đoàn này sẽ tìm cách bán cổ phần PG Bank cho một tổ chức khác nếu thương vụ PG Bank và HDBank không diễn ra trước cuối tháng 8/2020.

"Tôi đã thay mặt ban lãnh đạo Petrolimex kí gửi văn bản sang HDBank dưới tư cách một cổ đông thông báo với ngân hàng này, đến ngày 31/8, nếu không thực hiện sáp nhập được, Petrolimex sẽ thoái vốn [khỏi PG Bank]. Điều này có nghĩa sẽ không thực hiện sáp nhập nữa", ông Trần Ngọc Năm - thành viên HĐQT của cả Petrolimex và PG Bank nói hôm 24/6.

"Nếu 60% cổ đông khác vẫn quyết sáp nhập thì đó là quyền của các cổ đông khác. Còn Petrolimex sở hữu 40% sẽ thoái vốn", ông Năm nói thêm.

Quí I vừa qua, Petrolimex lỗ sau thuế 1.813 tỉ đồng. Cổ đông công ty mẹ lỗ 1.893 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước có lãi 1.201 tỉ đồng. Mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế cả năm nay là 1.570 tỉ đồng, giảm 72% so với thực hiện năm 2019.

Trong thời gian từ 16/6 đến 2/7, tập đoàn này đã bán 15 triệu cổ phiếu quĩ, thu về khoảng 680 tỉ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển. Petrolimex vẫn còn 88 triệu cổ phiếu quĩ, tương đương 7% vốn điều lệ nữa.

Nhà nước có kế hoạch thoái vốn khỏi Petrolimex để giảm tỉ lệ sở hữu từ mức 75,86% hiện nay xuống còn 51%.

Song Ngọc