|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Niềm tin vào ngân hàng đang bị lung lay

07:05 | 26/08/2016
Chia sẻ
Chuyện tiền trong tài khoản ngân hàng của một số khách hàng “tự nhiên” bị mất xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây có làm lung lay niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các ngân hàng trong nước?

Tiền mất rất… “tự nhiên”

Câu chuyện đang gây sốt dư luận liên quan đến số tiền 26 tỉ đồng trong tài khoản của bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (Củ Chi, TPHCM) mở tại Ngân hàng Thịnh Vượng (VPBank) “tự nhiên” biến mất hồi giữa năm 2015 nay được "xì ra"...

Theo đó, tháng 3-2015, bà Trần Thị Thanh Xuân có mở tài khoản tại VPBank để phục vụ công việc kinh doanh. Nhưng đến tháng 7-2015, bà Xuân đến ngân hàng rút tiền thì toàn bộ số tiền khoảng 26 tỉ đồng trong tài khoản “tự nhiên”… không còn nữa!

Kiểm tra sao kê - theo bà Xuân - cho thấy nhân viên VPBank và nhân viên của Quang Huân đã thực hiện các giao dịch mua séc để rút và chuyển tiền ra khỏi tài khoản của bà Xuân. Từ đó đến nay, hơn một năm, bà Xuân đã làm việc với VPBank và cả cơ quan công an nhưng vẫn chưa xác định được trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về ai: ngân hàng hay bà Xuân.

niem tin vao ngan hang dang bi lung lay

Liên quan về sự việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM (NHNN chi nhánh TPHCM) chiều nay cho biết, VPBank sẽ báo cáo nội dung vụ việc, hướng xử lý và phối hợp với cơ quan công an, theo yêu cầu của NHNN chi nhánh TPHCM.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico và là Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết sự việc khách hàng VPBank mất tiền như phản ánh của báo chí gần đây có thể phần nào có lỗi trong quản lý của doanh nghiệp, và ngân hàng cũng có sơ suất.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm, về nguyên tắc, khi chủ tài khoản không ký giấy tờ rút tiền, không thực hiện giao dịch, tức có những bằng chứng cho thấy việc rút tiền không phải là ý chí của khách hàng, mà ngân hàng để mất tiền thì chắc chắn ngân hàng sẽ phải đền. Thậm chí, có trường hợp chị em ruột lấy sổ tiết kiệm, giấy chứng minh nhân dân của nhau để đi rút tiền mà ngân hàng vẫn cho rút thì ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, việc khách hàng mất số tiền lớn trong cả năm qua nhưng im ắng trong thời gian dài, và đến nay mới lên tiếng thì không loại trừ khả năng có góc khuất nào đó trong vụ việc này, do đó đòi hỏi sự điều tra kỹ lưỡng.

Tương tự, ngày 24-8, báo Thanh Niên cho biết, bà T.T.T.Phúc (Hà Nội) đang khổ sở vì “tự nhiên” mất tiền trong tài khoản tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB).

Theo bà Phúc, bà gửi tiền vào SCB hơn 4,2 tỉ đồng để chuẩn bị mua nhà nhưng ngày 19-11-2015, đến SCB rút tiền thì được biết ngày 5-10-2015 số tiền này đã được chuyển qua một tài khoản khác... bằng một ủy nhiệm chi có chữ ký giống chữ ký của bà.

Vụ việc, đến nay cũng gần một năm, nhưng vẫn chưa giải quyết được vì phải chờ cơ quan công an điều tra và xác định trách nhiệm làm mất tiền thuộc về bà Phúc hay ngân hàng.

Mới hơn là chuyện của ông Vũ Thành Phương, chủ thẻ MasterCard Debit mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ông Phương không sử dụng thẻ rút tiền nhưng sáng 16-8-2016, ông nhận được liên tiếp 14 tin nhắn từ tổng đài ngân hàng báo tin thẻ được giao dịch ở Nhật với số tiền hơn 17 triệu đồng.

Tức thì, ông Phương báo cho Vietcombank khóa thẻ lại… Nhưng đến ngày 24-8, ông Phương vẫn không biết là mình có lấy lại được tiền bị mất hay không!

Tương tự, dư luận gần đây cũng từng “dậy sóng” với câu chuyện bỗng dưng bị mất 500 triệu đồng (nhưng thu lại được 300 triệu đồng) trong tài khoản của bà Hoàng Thị Na Hương (Hà Nội) cũng tại Vietcombank.

Theo đó, ngày 3-8-2016 bà Hương nạp vào tài khoản thẻ của mình 500 triệu đồng, nhưng sáng sớm ngày 4-8, bà nhận tin nhắn từ Vietcombank (qua điện thoại) thông báo số tiền của bà đã không cánh mà bay bởi các giao dịch Internet Banking. Tức thì bà Hương thông báo (và cả khiếu nại) vụ việc đến Vietcombank...

Mãi đến chiều 11-8 đại diện Vietcombank mới làm việc với bà Hương, và chiều 12-8, ra thông cáo chính thức về vụ việc: Trên cơ sở thông tin bà Hương cung cấp, Vietcombank cho rằng bà này đã dùng điện thoại cá nhân truy cập vào trang web giả mạo nên thông tin và mật khẩu của bà bị đánh cắp.

Tuy nhiên, vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm với số tiền 200 triệu đồng bị mất, ngân hàng hay bà Hương?

Niềm tin vào ngân hàng đang bị lung lay?

Có thể thấy, trong hầu hết các trường hợp, tiền trong tài khoản của khách hàng bị mất kể trên, ngân hàng đều có xu hướng chối bỏ trách nhiệm, nhờ cơ quan công an can thiệp để xác định lỗi phải.

Vụ của bà Trần Thị Thanh Xuân, chiều 24-8-2016, VPBank ra thông cáo báo chí khẳng định ngân hàng “làm đúng quy trình”, đồng thời cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để làm sáng tỏ vụ việc. Trong khi bà Xuân nói mình là nạn nhân và cho rằng ngân hàng đã làm sai quy trình (để nhân viên VPBank cấu kết với nhân viên Quang Huân rút tiền) nhưng cố tình đùn đẩy trách nhiệm.

Tương tự, vụ của bà Phúc, ông Phương hay bà Hương cũng vậy! Phía ngân hàng có xu hướng kéo cơ quan công an vào để điều tra, làm rõ trách nhiệm. Cụ thể, trong vụ việc của bà Hương, thông tin của Vietcombank có vẻ như “đổ lỗi” cho bà - đã truy cập vào trang web giả mạo và bị mất mật khẩu tài khoản. Nhưng theo phân tích của các chuyên gia thì lỗi rất có thể do ngân hàng thực hiện bảo mật không tốt.

Một cựu quan chức ngân hàng cho rằng các ngân hàng trên thế giới có hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, trang bị hệ thống bảo mật mạng hiện đại nhưng vẫn có những sơ hở. Nhưng khi sơ hở gây ra sự cố họ không đổ lỗi cho khách hàng. Bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của ngân hàng là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát - nếu tiền "bốc hơi" mà không có chữ ký của khách hàng, ngân hàng trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi thuộc về ai sẽ làm rõ sau.

Nhưng ở Việt Nam thì khác. Luật sư Phan Hùng, Văn phòng luật sư Phan Hùng, cho rằng nếu ngân hàng không nhận lỗi và chịu trách nhiệm thì chỉ còn cách kiện ra tòa. Quy trình tố tụng kéo dài lê thê và kết quả như thế nào chúng ta có thể hình dung.

Chỉ có điều, trách nhiệm của ngân hàng và quyền lợi của người dân gửi tiền vào ngân hàng trong những trường hợp “tự nhiên” mất tiền nếu phân xử không phân minh thì niềm tin của người dân đối với các ngân hàng sẽ bị lung lay, khi đó tiền của người Việt sẽ chảy vào các ngân hàng nước ngoài là điều khó tránh khỏi.

Theo Quang Chung - Thu Nguyệt

TBKTSG