Những yếu tố chi phối biến động tỷ giá trong thời gian tới
Tỷ giá nổi sóng trong tháng 3
Sau hai tháng đầu năm diễn biến tương đối ổn định, tỷ giá USD/VND đã có đợt tăng mạnh trong hai tuần cuối cùng của tháng 3.
Trên thị trường chính thức, trong khi tỷ giá trung tâm tính đến cuối tháng 3 chỉ tăng 0,3% so với cuối năm 2019 thì tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại có mức tăng tới gần 2%. Trong đó, riêng thời gian từ 19/3 - 31/3, tỷ giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 400 đồng (tương đương 1,8%), thậm chí có thời điểm giá bán USD tại các nhà băng đã vượt mốc 23.700 VND/USD.
Diễn biến này khiến cho chênh lệch giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá thực tế mở rộng với biên độ khá lớn lên tới hơn 400 đồng, phá vỡ thế "bám sát" của cặp tỷ giá này được duy trì từ nửa cuối năm 2019.
Trên thị trường tự do, giá USD cũng leo thang mạnh trong những ngày cuối tháng 3 và có thời điểm tăng tới gần 3%, vượt ngưỡng 23.850 VND/USD ở chiều bán.
Theo giới phân tích, đồng USD có xu hướng mạnh lên trên thị trường thế giới là nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND bật tăng.
Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ mạnh lãi suất liên tiếp 2 lần vào ngày 3/3 và 13/3 về phạm vi mục tiêu 0 - 0,25% không khiến cho đồng USD suy yếu đáng kể, khi mà diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến đồng tiền này trở thành nơi trú ẩn an toàn với các nhà đầu tư.
Theo đó, vào thời điểm cao nhất (phiên ngày 20/3), chỉ số USD Index đã lên mức 102,8 điểm, tăng 6,7% so với cuối năm 2019 trước khi hạ nhiệt dần về cuối tháng 3.
Thêm vào đó, việc NHNN giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế trong dịch COVID-19 cũng tạo áp lực tăng cho tỷ giá.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực đều mất giá mạnh so với USD thì VND vẫn được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất.
Theo số liệu của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kết thúc quí I/2020, đồng rupiah của Indonesia giảm 19% so với USD trong khi bath của Thái Lan giảm 9,7%, won của Hàn Quốc giảm 6,4%, rupee của Ấn Độ giảm 6,3%. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (tâm điểm của dịch bệnh trong 2 tháng đầu năm) giảm 1,8% so với USD.
"Xét trong bối cảnh đó, việc VND chỉ mất giá 2% so với USD được xem là chấp nhận được", nhóm phân tích BVSC đánh giá.
Những yếu tố chi phối biến động tỷ giá
Theo giới phân tích, trong thời gian tới, tỷ giá USD/VND sẽ chịu sự chi phối của hai yếu tố chính gồm biến động của của đồng USD trên thị trường quốc tế và cung cầu ngoại tệ trong nước.
Dự báo về xu hướng của đồng USD, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng áp lực tăng giá USD trên thị trường tài chính toàn cầu có thể giảm trong các tháng cuối năm 2020 khi Fed duy trì một chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và các nhà đầu tư sẽ tích cực mua vào các tài sản tài chính, giảm nắm giữ USD khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, việc Fed áp dụng biện pháp bơm tiền mạnh tay với các gói mua trái phiếu với khối lượng không giới hạn đẩy mặt bằng lãi suất tham chiếu của Mỹ xuống mức gần 0 và sẽ khiến lãi suất huy động tại Mỹ giảm mạnh. Qua đó tạo ra sự chênh lệch giữa mặt bằng lãi suất của Việt Nam và Mỹ, góp phần giảm sức ép lên VND.
Đối với nguồn ngoại tệ trong nước, Việt Nam vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu 2,8 tỉ và vốn FDI thực hiện 3 tháng đầu năm đạt trên 3,9 tỉ USD.
Trong khi đó, về phía cầu, hoạt động rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Việt Nam kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ước tính chỉ khoảng 500 triệu USD (theo số liệu của BVSC). Vì vậy, cán cân cung - cầu thực tế hiện vẫn đang nghiêng về phía cung.
Mặt khác, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt kỉ lục gần 84 tỉ USD (tương đương khoảng 3,8 tháng nhập khẩu) vào cuối quí I trong khi NHNN khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá, sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
Trên cơ sở đó, trong những phiên tăng đột biến, NHNN có thể sẽ có động thái can thiệp bằng cách niêm yết mức giá bán ra ngoại tệ thấp hơn giá thị trường giao dịch (như trong phiên ngày 24/3 vừa qua).
Với những yếu tố hỗ trợ trên, tỷ giá USD/VND trong năm 2020 được dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2019.
"Về cơ bản không để VND mất giá quá mạnh vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong mục tiêu tổng thể là ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, mức mất giá của VND trong năm 2020 sẽ chỉ ở mức 2 - 3%", BVSC nhận định.
Đồng quan điểm, MBS cũng dự báo tỷ giá VND/USD có thể giữ được sự ổn định trong thời gian tới nhờ các yếu tố cơ bản đều thuận lợi. Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm với mức độ điều chỉnh sẽ chỉ khoảng 2%/năm do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD sẽ suy giảm.
Dự báo trong quí tới, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng tỷ giá trung tâm vẫn sẽ giữ xu hướng tăng do lo sợ về tác động của dịch bệnh đến kinh tế thế giới làm tăng nhu cầu đối với đồng USD.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm doanh thu từ ngành du lịch cộng với việc các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị gián đoạn do COVID-19 cũng khiến nguồn cung các đồng ngoại tệ khác suy giảm, dẫn đến áp lực giảm giá của VND. Tuy nhiên, mức tăng của tỷ giá tại Việt Nam trong quí II/2020 sẽ không quá nghiêm trọng.