Những thương vụ M&A hé lộ nhà phát triển mới của loạt dự án khủng
Mới đây, thị trường bất động sản xôn xao với thông tin một dự án tỷ USD tại Nhà Bè "hồi sinh" sau 13 năm đình trệ. Cụ thể, Tập đoàn Novaland (với vai trò là nhà phát triển) và CTCP Phát triển Tài Nguyên (vai trò chủ đầu tư) đã "bắt tay" khởi động dự án Kenton Node với tên gọi mới là Grand Sentosa (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM).
Được khởi công xây dựng từ năm 2009, dự án đã có hai lần tạm dừng vào năm 2011 và năm 2018.
Khi đó, dự án có tổng diện tích 9,1 ha, gồm ba phân khu Plaza, Sky Villa và Residences. Theo quy hoạch, dự án có tổng cộng 9 tòa nhà cao 15 - 35 tầng, cung cấp 1.640 căn hộ giá bán từ 1.566 - 2.250 USD/m2 cùng với khu trung tâm mua sắm rộng 20.000 m2. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 300 triệu USD.
Tháng 5/2017, sau khi dừng hơn 7 năm, dự án đổi tên thành Kenton Node, được công bố có tổng vốn hơn một tỷ USD với nhiều hạng mục công trình như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học,...
Đến tháng 4/2020, dự án được BIDV rao bán với giá hơn 4.000 tỷ đồng để thu hồi nợ. Ngân hàng đã phát thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Tài Nguyên. Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node.
Một siêu dự án tỷ đô khác tại TP HCM cũng vừa đổi chủ. Cụ thể, Masterise Homes đã hé lộ thông tin về một dự án mới mang tên The Global City tọa lạc tại đường Đỗ Xuân Hợp, An Phú, TP Thủ Đức. Dự án này có tên cũ là Khu đô thị Sài Gòn Bình An. Dự án có quy mô rộng 117 ha, nằm cạnh khu phức hợp Saigon Sports City và tiếp giáp với cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Khu đô thị này được Thủ tướng Chính phủ giao cho CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) sử dụng 117 ha đất để đầu tư từ đầu năm 2001 với tên gọi Khu liên hợp sân golf - thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại là Saigon Golf Country Club and Residences).
Sau nhiều năm không triển khai, dự án đã chính thức được khởi công vào giữa tháng 3/2021, do Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt làm nhà thầu chính. Theo ghi nhận, hiện nhiều hạng mục hạ tầng nội khu của dự án Sài Gòn Bình An đã được xây dựng. Dự kiến dự án sẽ được hoành thành trong 4 năm.
Đến khoảng tháng 8/2021, dự án được đồn đoán về tay "ông lớn" Masterise khi SDI thay đổi đăng ký kinh doanh và chuyển giao nhân sự nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Vừa qua, CapitaLand Development (CLD), nhánh phát triển bất động sản của CapitaLand, đã bán tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place tại Hà Nội với giá 751 triệu SGD (tương đương 550 triệu USD) cho một bên thứ ba (CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land).
Capital Place được Quỹ Giá trị Gia tăng Thương mại CapitaLand Việt Nam (viết tắt là CVCVF, do CLD nắm giữ 50% vốn) mua lại vào năm 2018 và khai trương vào năm 2020. Theo giới thiệu từ CapitaLand, dự án được phát triển bởi doanh nghiệp và Mitsubishi Estate Asia, có diện tích cho thuê 93.000 m2.
Hay cuối tháng 12 năm ngoái, hai cổ đông gồm SNC Investments 27 và SNC Investments 28 không còn có tên trong danh sách cổ đông của CTCP Vina Đại Phước - chủ đầu tư dự án SwanBay Đại Phước.
SNC Investments 27 và SNC Investments 28 đều là công ty con của China Fortune Land Development (CFLD) - một tập đoàn phát triển bất động sản công nghiệp của Trung Quốc.
Năm 2016, CFLD thông qua hai công ty con đã mua lại 70% vốn của Viva Đại Phước từ các quỹ đầu tư do Vinacapital quản lý và tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên 92% ở những năm sau đó. Trước khi thoái vốn, SNC Investments 27 và SNC Investments 28 lần lượt sở hữu 74% và 18% vốn tại Vina Đại Phước.
Các vị trí cấp cao tại Viva Đại Phước hiện chưa có sự thay đổi. Trong đó, ông Lin,Yi Huang vẫn là Chủ tịch HĐQT và ông Lê Hoàng Hưng là Tổng Giám đốc.
SwanBay Đại Phước (tên gọi cũ là Hoa Sen Đại Phước hay Đại Phước Lotus) từng được các quỹ ngoại đánh giá là "hòn ngọc phía Đông Sài Gòn".
Sẽ còn nhiều thương vụ mới?
Theo dự báo của ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sôi động với nhiều thương vụ M&A trong năm 2022. Các doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế hơn.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã khiến không ít doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở và đành phải bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện có những tập đoàn bất động sản trong nước đang có được đà phát triển rất tốt. Với uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả, họ đang rất "khát" đất cũng như các dự án dang dở để có thể nhanh chóng tiến hành các dự án mới hoặc tiếp tục các dự án chưa hoàn thành.
Đội ngũ hoạch định chiến lược, kỹ sư, tiếp thị, sales, …hùng hậu của họ sẽ là sự bổ sung cần thiết cho những dự án mà các chủ đầu tư ban đầu không thể 'kham' nổi.
Mặt khác, ông David Jackson cho rằng, M&A cũng giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường. Các doanh nghiệp hùng mạnh cũng tiết kiệm được thời gian giải quyết thủ tục pháp lý, tìm kiếm các khu đất có vị trí phù hợp trong bối cảnh giá bất động sản có xu hướng tăng lên.