Những thách thức với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2023
Báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2023, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết lợi nhuận sau thuế ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm nay với mức tăng trưởng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận ngành ngân hàng đã có dấu hiệu chững lại trong quý III khi giảm 4,3% so với quý trước đó.
Về tăng trưởng tín dụng, chỉ số này tăng mạnh trong quý I dẫn tới thiếu hụt hạn mức tín dụng trong quý II và III làm cho tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng chậm lại trong hai quý giữa năm. Cuối quý III và đầu quý IV, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã có thêm hai đợt cấp thêm room mới và đưa mức tăng trưởng tín dụng cuối tháng 11 lên mức 11,5% so với đầu năm.
Trong giai đoạn cuối năm mặc dù hạn mức tín dụng chưa được sử dụng hết nhưng lãi suất tăng cao, bối cảnh kinh tế nhiều rủi ro và khó huy động tiền gửi dẫn tới tốc tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại. Ước tính tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 15,5%, cao hơn so với kế hoạch của SBV. BVSC ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2023 vào khoảng 12 - 13%.
Trong năm 2022, tăng trưởng huy động tiếp tục chậm với tăng trưởng huy động 9 tháng đầu năm chỉ đạt mức 4,7%, chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt trong hai quý giữa năm, các ngân hàng thương mại khó huy động do cung tiền suy giảm, tăng trưởng M2 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt mức 2,5%, mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Thứ hai là doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận vay vốn do hết hạn mức tín dụng hạn chế nên phải tối ưu hóa nguồn tiền, đặc biệt là các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn, và cuối cùng là do giá trị tài sản đầu tư sụt giảm.
Bên cạnh đó, NIM của nhóm ngành ngân hàng có sự phân hóa. Một số ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì mở rộng NIM trong quý III năm nay, trong đó đặc biệt có STB mở rộng NIM mạnh mẽ nhờ đã thực hiện xong thoái lãi dự thu.
Áp lực thu hẹp NIM sẽ gia tăng trong năm 2023 do khi mà lãi suất huy động tăng cao trong khi lãi suất đầu ra đối với các khoản vay dài hạn được điều chỉnh sau 3 - 6 tháng. Bên cạnh đó, CASA có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ do lãi suất tăng cao dẫn tới người dân doanh nghiệp tăng cường quản lý dòng tiền nhàn rỗi, và LDR tăng cao dẫn tới áp lực phải huy động mạnh mẽ.
BVSC cho biết chất lượng tài sản của ngành ngân hàng đã có sự sụt giảm trong 9 tháng đầu năm 2022 với mức tăng lên của NPL và tỷ lệ nợ nhóm 2/cho vay khách hàng lần lượt là 19 bps và 28 bps so với cuối năm 2021.
BVSC cho rằng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực gia tăng nợ xấu làm tăng chi phí trích lập dự phòng do 4 yếu tố, đầu tiên là ảnh hưởng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thứ hai là lãi suất tăng nhanh và ở mức cao làm giảm khả năng thanh toán của bên vay, thứ ba là tác động của suy giảm kinh tế ở các nền kinh tế lớn và cuối cùng là thị trường bất động sản suy yếu.