|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những quốc gia nào đang đi đầu trong phát triển tiền điện tử của ngân hàng trung ương?

14:00 | 02/05/2022
Chia sẻ
6 dự án trên toàn thế giới đang mang đến cái nhìn về cuộc cách mạng tiếp theo của tiền điện tử.

Trong khi các khái niệm như bitcoin ngày càng trở nên phổ biến hơn, các ngân hàng trung ương cũng đang bắt tay với các dự án CBDC (tiền điện tử của ngân hàng trung ương). Dưới đây là 6 trong số các ngân hàng trung ương đang tiến xa nhất đối với ý tưởng CBDC, theo tổng hợp của Bloomberg.

 (Ảnh: Bloomberg).

Trung Quốc: Nhân dân tệ số (e-CNY)

Tình trạng: Thử nghiệm từ 2020

Người dùng: 140 triệu người, hơn 1,5 triệu nhà bán hàng

Mặc dù đồng nhân dân tệ số vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, những con số đồng tiền này đạt được rất ấn tượng. Từ năm 2020, đồng tiền ảo này đã được thử nghiệm ở khoảng trên dưới 12 khu vực với số lượng người dùng cá nhân cho tới cuối năm ngoái lên tới 140 triệu (tương đương 1/10 dân số Trung Quốc).

Bên cạnh đó, hơn 1,5 triệu nhà bán hàng cũng đã chấp nhận đồng tiền này. Trung Quốc chưa chính thức xác nhận thời điểm chính thức triển khai nhân dân tệ số trên phạm vi quốc gia song nhiều thành phố có thể sẽ sớm gia nhập thử nghiệm.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc thiết kế một hệ thống 2 lớp với đồng nhân dân tệ số, còn được biết đến với tên e-CNY. Đầu tiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phát hành e-CNY cho các ngân hàng thương mại. Sau đó, ngân hàng thương mại phân phối tiền đến thị trường.

Ở giai đoạn thử nghiệm, ngân hàng trở thành đối tác của các nhà bán hàng. Ngân hàng thúc đẩy việc sử dụng e-CNY bằng cách tặng tiền miễn phí, tặng voucher mua sắm và giảm giá khi mua sắm bằng đồng nhân dân tệ số. Trung Quốc cũng thử nghiệm nhân dân tệ số vào Olympic Mùa đông tại Bắc Kinh song quy mô của thử nghiệm vẫn khá nhỏ vì sự kiện thể thao này chỉ mở cửa với một số lượng nhỏ khán giả nội địa do COVID-19.

Mặc dù phát triển nhanh nhất về tiền điện tử trong số các nền kinh tế lớn, Trung Quốc đang thúc đẩy đồng e-CNY một cách có tính toán. Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều hoài nghi và chỉ trích từ nước ngoài về việc chính phủ có thể sẽ theo dõi giao dịch của người dùng.

Ở Trung Quốc, e-CNY cũng cần vượt qua các thách thức đến từ các nền tảng thanh toán phổ biến như WeChat Pay hay Alipay. Về phần mình, PBoC nói rằng ví e-CNY sẽ thu thập ít thông tin từ người dùng hơn so với các nền tảng tư nhân.

Trong khi Mỹ lo lắng rằng e-CNY có thể sẽ giúp các quốc gia như Nga tránh được các lệnh trừng phạt tài chính, PBoC nhấn mạnh e-CNY sẽ phần lớn phục vụ các giao dịch bán lẻ trong nước. Mục tiêu của nó là để người dân ở vùng sâu vùng xa có thể được tiếp cận với thanh toán số trong khi đó đóng vai trò là một phương án thay thế cho các nền tảng tư nhân để cải thiện hiệu quả của hệ thống thanh toán.

Khu vực Châu Âu: Euro số

Tình trạng: Đang nghiên cứu

Năm 2018, các nhà băng Châu Âu đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan. Chính quyền của ông Donald Trump áp dụng nhiều lệnh trừng phạt đối với Iran, đi ngược lại mong muốn của chính phủ Châu Âu. Lúc này, lần lượt các nhà băng Châu Âu phải chấm dứt hoạt động thanh toán thương mại với Iran để tuân thủ các lệnh trừng phạt của phía Mỹ.

Từ sự việc này, Châu Âu bắt đầu thúc đẩy nỗ lực phát triển một đồng euro số từ khoảng một năm rưỡi trở lại đây.

“Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo công dân có lựa chọn và không bị loại khỏi hệ thống thanh toán vì hành động đơn phương của quốc gia khác”, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), chia sẻ hồi tháng 9/2020. Một đồng euro số sẽ “đảm bảo duy trì chủ quyền tiền tệ ở cốt lõi của hệ thống thanh toán Châu Âu”.

Đồng euro số cũng có thể sẽ cắt giảm chi phí liên quan đến thanh toán điện tử. Mặc dù tỷ lệ dùng tiền mặt đã giảm xuống trong đại dịch, tỷ lệ thanh toán điện tử ở Châu Âu vẫn thấp hơn so với nhiều khu vực trên thế giới. Một phần lý do đến từ việc thanh toán điện tử có chi phí cao. ECB không muốn các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoặc tiền số chiếm thế đi trước trong việc cải tiến công nghệ.

Giống như các ngân hàng trung ương khác, ECB đang áp dụng công nghệ sổ cái phân tán (tương tự Bitcoin) với đồng tiền số của mình. Dù vậy, ECB hiện đã có một hệ thống thanh toán nhanh có tên TIPS với triển vọng mở rộng ra mục đích bán lẻ. TIPS là hệ thống thanh toán tập trung. Điều này khiến nó có tốc độ xử lý cao hơn và thân thiện với môi trường hơn. ECB cho biết kế hoạch hiện tại là đưa euro số vào hoạt động vào giữa thập niên này.

Brazil: Real số

Tình trạng: Bắt đầu thử nghiệm vào năm 2022

Nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh đang lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền số tại một số khu vực vào nửa sau năm nay. Với ông Roberto Campos Neto, thống đốc ngân hàng trung ương Brazil, đồng real số là bước tiến tự nhiên tiếp theo của Brazil hướng đến một hệ thống thanh toán có tính bao quát hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.

“Chúng tôi hy vọng nó sẽ trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, được dùng song song với tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán, thẻ tín dụng và tiền vật lý”, ông chia sẻ hồi tháng 11 năm ngoái.

Tham vọng của Brazil đối với đồng tiền số của mình trong giai đoạn đầu là để thúc đẩy đầu tư và sáng tạo thay vì phục vụ mục đích thanh toán truyền thống.

Đồng real số được phát triển dựa trên các dự án hiện có, bao gồm nền tảng thanh toán nhanh Pix và nền tảng ngân hàng mở. Pix là một thành công tại Brazil với hơn 113 triệu người dùng cá nhân và 8 triệu người dùng doanh nghiệp. Dù vậy, với đồng real số, người dùng vẫn sẽ mở tài khoản với ngân hàng thương mại thay vì ngân hàng trung ương.

“Chúng tôi muốn duy trì hợp tác với hệ thống tài chính và mở cửa với các mô hình kinh doanh cũng như công ty fintech mới”, ông Fabio Araújo, người lãnh đạo dự án real số, chia sẻ.

Cho phép chuyển đổi từ tiền số sang tiền vật lý là một mục tiêu của dự án. Điều này đồng nghĩa với việc người Brazil có thể giữ tiền số trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử và sau đó rút tiền mặt từ ATM. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra cho tới năm 2024 vì cần một số sự thay đổi liên quan đến quy định.

Nigeria: eNaira

Tình trạng: Giới thiệu vào tháng 10/2021

Người dùng: Khoảng 700.000 đến thời điểm cuối tháng 1

Nigeria hy vọng đồng CBDC của mình có thể giúp cung cấp dịch vụ tài chính cơ bản đến nhiều công dân hơn song hiện tại đồng tiền này có tốc độ khởi động khá chậm.

eNaira bắt đầu lưu hành vào tháng 10/2021 với mục tiêu cải thiện chính sách tiền lệ, tăng mức độ bao quát tài chính, cho phép nhận tiền từ người Nigeria ở nước ngoài và thực hiện giao dịch hiệu quả hơn. Cơ quan điều hành đã đẩy mạnh dự án eNaira vào cuối năm ngoái sau khi cấm các ngân hàng giao dịch bằng tiền mã hoá.

eNaira hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu của mình. Không nhiều người biết đến nó, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Hiện tại, eNaira cũng chỉ khả dụng với khách hàng của ngân hàng trong khi ngân hàng trung ương đánh giá tính an toàn trước khi mở rộng với đối tượng người dùng chưa phải khách hàng của ngân hàng.

Người dùng cần điện thoại thông minh và mã xác nhận sinh trắc học (BVN) từ ngân hàng để đảm bảo tính bảo mật. Ngay cả với những người đủ đáp ứng yêu cầu cũng không phải khi nào cũng có thể kết nối ví điện tử của mình với BVN.

Thiếu người dùng cá nhân ảnh hưởng đến việc triển khai eNaira đến các điểm bán hàn. Khoảng 700.000 người trong tổng dân số thử nghiệm khoảng 200 triệu người đã sử dụng eNaira cho tới cuối tháng 1 năm nay. Xét về giao dịch, dưới 10% là giao dịch giữa người dùng với người dùng hoặc người dùng với điểm bán hàng và ngược lại. Trong khi đó 90% giao dịch có liên quan đến ngân hàng.

Nigeria đang làm việc với ngân hàng để giải quyết các vấn đề kỹ thuật và tạo ra cách thức đăng ký đơn giản hơn, cho phép người Nigeria không có điện thoại thông minh cũng có thể dùng được eNaira. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Nigeria tích cực truyền thông về eNaira đồng thời kêu gọi các công ty fintech tạo ra các sản phẩm thúc đẩy thanh toán và mức độ sử dụng eNaira.

Đông Caribe: DCash

Tình trạng: Thử nghiệm vào 2021

Người dùng: Hơn 4.000 người dùng cá nhân, 120 điểm bán hàng

Vào tháng 4/2021, núi lửa La Soufrière phun trào làm ảnh hưởng đến 20.000 người dân ở đảo St. Vincent & Grenadines. Người sơ tán phải đợi nhiều giờ để có thể chuyển tiền. Giao dịch cần vài ngày để hoàn thành cùng mức phí cao.

Ngân hàng trung ương Đông Caribe (ECCB) có một giải pháp. Một tháng trước đó, ECCB trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên tạo ra đồng CBDC dưới dạng tiền tệ liên minh. Vì thế, ECCB quyết định thử nghiệm DCash ở St. Vincent. Với DCash, bất kỳ ai có điện thoại di động và ví điện tử đầu có thể nhận được tiền điện tử mà không mất phí. Người dùng cũng không bị yêu cầu có tài khoản ngân hàng.

Cũng giống các ngân hàng trung ương khác, mục tiêu chính của ECCB với DCash là đưa nhiều người hơn vào hệ thống tài chính và thúc đẩy kinh tế khu vực Sharmyn Powell, chủ tịch nhóm Fintech Working Group tại ECCB, chia sẻ.

Dù vậy, quá trình triển khai DCash thực tế không mấy suôn sẻ. Mặc dù 4.000 người đã tải ví và hơn 120 đơn vị chấp nhận DCash, COVID-19 và lỗi kỹ thuật đã ảnh hưởng đến tốc độ đón nhận nó. Hồi tháng 1, nền tảng đồn tiền này đã bị sập và ECCB mất tới gần 2 tháng để phục hồi nó.

Marshall Islands: Sov

Tình trạng: Trở thành tiền pháp định vào năm 2018, vẫn đang phát triển

Việc chuyển tiền ở Marshall Islands là viẹc không dễ dàng với dân số khoảng 68.000 người và sống rải rác ở 1.100 hòn đảo.

Năm 2018, Marshall Islands thông qua luật quy định Sov (đồng tiền dựa trên blockchain) là một đồng tiền pháp định. Tăng trưởng nguồn cung đồng tiền này được định mức ở tối đa 4%/năm để hạn chế lạm phát.

Nam Khánh