|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những quảng cáo ‘kém duyên’ từng khiến loạt thương hiệu lớn khốn đốn

20:14 | 29/06/2019
Chia sẻ
Những “sự cố” trong quảng cáo của doanh nghiệp cho thấy yếu tố văn hoá trong các nội dung quảng cáo là cực kì quan trọng.

Một quảng cáo của Coca-Cola tại Việt Nam với cụm từ "mở lon Việt Nam" mới đây đã thu hút được rất nhiều sự chú ý sau khi Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) có văn bản đề nghị chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola. Theo đó, cụm từ "mở lon Việt Nam" bị cho là có những dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Câu chuyện về "nhập gia tuỳ tục" trong quảng cáo thực tế không hề mới. Nhiều nhãn hàng, thương hiệu lớn cũng đã từng khốn đốn khi cho ra những quảng cáo có phần thiếu tinh tế, "kém duyên" và không phù hợp với văn hoá quốc gia thực hiện chiến dịch.

D&G

hinh1

(Ảnh: CNET)

Cuối năm 2018, thương hiệu thời trang D&G tung ra ba đoạn video quảng cáo với hình ảnh một người mẫu Trung Quốc dùng đũa để ăn những món đồ đặc trưng của Ý trong nền nhạc đặc trưng của văn hoá quốc gia tỷ dân. 

Điều đáng nói là những biểu hiện khuôn mặt kèm theo các nội dung đi kèm quảng cáo như "đừng cố dùng đũa như dao" hay "chỉ dùng đũa như kìm" của nhà mốt đã khiến nhiều người Trung Quốc cảm thấy phẫn nộ. Họ cho rằng D&G đã tỏ ra thiếu tôn trọng với văn hoá truyền thống của Trung Quốc.

Cùng đoạn quảng cáo nói trên, sự việc càng ầm ĩ hơn khi ảnh chụp màn hình được cho là đoạn tin nhắn của nhà thiết kế Stefano Gabbana với nội dung chê bai văn hoá Trung Quốc như ăn thịt chó hay gọi "sự tự cao của người Trung Quốc" là "ngu ngốc". Nhà thiết kế này sau đó cho biết tài khoản của anh ông đã bị hack.

 Sau vụ việc, D&G đã đăng tải một video xin lỗi người dân Trung Quốc: "Trong vài ngày qua, chúng tôi đã nghĩ rất nhiều và rất buồn về mọi thứ đã xảy đến và những gì chúng tôi đã gây ra tại đất nước của các bạn và chúng tôi thực sự xin lỗi."

Thế nhưng, với nhiều người, những lời xin lỗi này đến quá muộn. Nhiều hệ thống bán hàng trực tuyến của Trung Quốc đã gỡ bỏ các sản phẩm thuộc thương hiệu D&G trong khi đó lời kêu gọi tẩy chay nhà mốt này tại quốc gia tỷ dân cũng được hưởng ứng.

H&M

hinh2 (1)

(Ảnh: CNBC)

Hãng thời trang H&M cũng từng phải lên tiếng xin lỗi vào đầu năm 2018 cho một hình ảnh quảng cáo xuất hiện trên cửa hàng trực tuyến của hãng này. Hình ảnh gây tranh cãi theo đó cho thấy một bé trai da màu đang mặt một chiếc áo chui đầu cũng dòng chữ "con khỉ ngầu nhất trong rừng". Nhiều người chỉ trích rằng hình ảnh của H&M mang tính chất phân biệt chủng tộc và màu da một cách quá rõ ràng và lộ liễu.

Cùng lời xin lỗi, H&M cho biết sẽ loại bỏ sản phẩm áo nói trên ra khỏi hệ thống phân phối của mình. Nhà mốt thừa nhận đã "sai" và "đồng ý rằng, cho dù là một sự vô tình, những hành vi phân biệt chủng tộc thụ động như thế này cũng nên được loại bỏ nếu xuất hiện."

Sony

hinh3

(Ảnh: Polygon)

Sony cũng từng khốn đốn với một chiến dịch quảng cáo liên quan đến dòng máy chơi game PlayStation phiên bản màu trắng mới của mình vào năm 2006. Quảng cáo này nổi bật với hình ảnh một phụ nữ da trắng đang dằn mặt một phụ nữ da màu, với hàm ý cho rằng phiên bản màu trắng của PSP sắp ra mắt và nó sẽ vượt trội hơn so với phiên bản màu đen truyền thống.

Điều tồi tệ trong chiến dịch quảng cáo của Sony sau khi nó bị chỉ trích mang tính phân biệt chủng tội là cách Sony giải quyết những tranh cãi. Thay vì xin lỗi và gỡ bỏ quảng cáo, Sony bảo về nó bằng cách khẳng định đây là "hình ảnh được chụp xuất sắc".

Dove

hinh4

(Ảnh: NYTimes)

Tháng 10 năm 2017, Dove cũng phải lên tiếng xin lỗi cho một quảng cáo được đăng trên Facebook của mình cho thấy một phụ nữ da màu biến thành một phụ nữ da trắng sau khi dùng một sản phẩm dưỡng thể của hãng này.

Dove thưa nhận hình ảnh hãng này đăng tải đã thất bại trong việc thể hiện những gì họ thực sự mong muốn và "hối hận sâu sắc về những sự xúc phạm nó có thể gây ra." Thời điểm đó, nhiều người cũng kêu gọi tẩy chay thương hiệu sản phẩm thuộc Unilever này.

Nivea

hinh5

(Ảnh: AdNews)

Nivea cũng từng khốn đốn khi tung ra quảng cáo cho khu vực Trung Đông như lại dùng thông điệp "trắng là thuần khiết" để dẫn dắt. Không khó để cảm nhận được rằng quảng cáo này mang tính phân biệt chủng tộc, cho dù có thể là một sự vô tình.

Thái Sơn