|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những nữ tướng nổi danh trong làng địa ốc Việt

07:00 | 08/03/2020
Chia sẻ
Xưa nay lĩnh vực bất động sản vốn được coi là sân chơi của những vị tướng nam, nhưng trên thực tế có không ít những "bóng hồng" đang nắm giữ các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp khiến nhiều người phải nể phục bởi tài xoay sở, điều hành của họ.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sovico Holdings

5 'nữ tướng' tài giỏi trong làng địa ốc Việt - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 1970 tại Hà Nội. Bà là cử nhân Quản lí kinh tế lao động - Cao đẳng Kinh tế Quốc dân Matxcova – Nga, cử nhân Tài chính Tín dụng - Học viện Thương mại Matxcova – Nga.

Bà Thảo hiện là cổ đông sáng lập của Tập đoàn Sovico Holdings, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hãng hàng không VietJet Air. Bà cũng là một nữ CEO "hiếm hoi" của ngành hàng không.

Đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực Ngân hàng TMCP TP HCM (HDBank). Bà Thảo là một trong bốn doanh nhân Việt góp mặt trong danh sách tỉ phú thế giới năm 2018 do Forbes bầu chọn. Tại Việt Nam, bà đang được Forbes ghi nhận là người giàu thứ 2, sau ông Phạm Nhật Vượng.

Theo Hãng tin Bloomberg, khi mới chỉ 21 tuổi, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ bán máy fax và nhựa cao su.Sau khi trở về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB – hai trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Gần 25 năm sau, bà nổi lên như một nữ tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJet và dự án Dragon City (Phú Long) rộng 65 ha ở TP HCM.

Theo thống kê của Forbes, tại thời điểm 6/3/2019, tổng tài sản của bà Thảo đạt 2,3 tỉ đô la, tương đương khoảng hơn 53 nghìn tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG

5 'nữ tướng' tài giỏi trong làng địa ốc Việt - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà từng học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ) do quĩ tài trợ của bà Hillary Clinton dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.

Bà Nga hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), đồng thời giữ vai trò Chủ tịch Tập đoàn BRG.

Tập đoàn BRG hiện là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong nhiều lĩnh vực như sân Golf, Khách sạn – Nghỉ dưỡng, bất động sản… Cũng theo đánh giá của Forbes, mảng kinh doanh sân golf, bất động sản đã đem lại mức doanh thu lớn cho bà Nga.

Bên cạnh dự án 4,2 tỉ đô Thành phố Thông minh tại Đông Anh (Hà Nội), Tập đoàn BRG còn có nhiều dự án bất động sản lớn khác như The Legend, thương hiệu đẳng cấp hàng đầu thế giới; Le Grand Jadin – Khu đô thị mới Sài Đồng,…

Mới đây, ngày 3/3, trong khuôn khổ Hội nghị Doanh nhân nữ 2020 diễn ra tại Philippines , bà Nga đã trở thành doanh nhân nữ đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn khu vực ASEAN (Women of Impact Award).

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation

5 'nữ tướng' tài giỏi trong làng địa ốc Việt - Ảnh 4.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - CEO Phúc Khang Corporation tốt nghiệp cử nhân Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và cử nhân Đại học Luật TP HCM nhưng lại có đam mê với lĩnh vực bất động sản. Bà cũng từng khẳng định với báo giới: "Tôi chỉ có một nghề duy nhất là kinh doanh bất động sản".

Bà Mẫu là một trong những thành viên sáng lập Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang từ năm 2009. Bà có nhiều đóng góp cho sự thành công của Phúc Khang với hàng loạt dự án bất động sản xanh như EcoVillage, Làng Sen Việt Nam, EcoTown, EcoSun,… Cũng vì thế mà bà Mẫu còn được mệnh danh là "CEO xanh"

Ngoài ra bà Mẫu còn là phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, chủ tịch HĐTV Công ty TNHH AKLC Việt Nam và thành viên ban điều phối phát triển công trình xanh của Hiệp hội bất động sản Việt Nam.

Bà Mẫu từng được trao giải Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2013 và doanh nhân tiêu biểu năm 2017. Bên cạnh đó, với những đóng góp tích cực nhằm xây dựng thương hiệu Xanh cho doanh nghiệp thời gian qua, hồi tháng 12/2019, CEO Phúc Khang được vinh danh trong Top 10 Giải thưởng Sao Đỏ 2019.

Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land

5 'nữ tướng' tài giỏi trong làng địa ốc Việt - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương được biết đến là một người có hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực bất đống sản. Hiện tại, bà đang nắm giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land.

Được biết, trước khi bén duyên với bất động sản, bà Nguyễn Hương có hơn 7 năm làm việc cho một tập đoàn của Anh với chuyên môn về phát triển các dòng sản phẩm mới.

Đến nay, dưới sự dẫn dắt của bà Hương, Đại Phúc Land đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực đầu tư – phát triển các dự án bất động sản có tổng quỹ đất gần 400 ha.

Một số dự án bất động sản nổi bật như Khu đô thị Vạn Phúc qui mô 198 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD (đang triển khai); Khu dân cư Dương Hồng qui mô 11 ha (đã triển khai); Khu dân cư Phong Phú qui mô hơn 14 ha (sắp triển khai).

Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC

5 'nữ tướng' tài giỏi trong làng địa ốc Việt - Ảnh 3.

Bà Hương Trần Kiều Dung sinh năm 1978 tại Hà Nội, là Tiến sĩ luật qui hoạch xây dựng tại Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV (Pháp). Bà có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.

Bà Kiều Dung từng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn FLC trong giai đoạn 2015 - 2017. Đến tháng 3/2017, bà Kiều Dung được bầu vào Thành viên HĐQT và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC cho đến nay.

Ngày 18/7/2018, bà Kiều Dung quay lại giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm giữ chức vụ Tổng giám đốc thay người tiền nhiệm là ông Trần Quang Huy.

Tập đoàn FLC hiện là một trong những doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản lớn và đang sở hữu nhiều dự án qui mô lớn như FLC Garden City, FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Twin Towers tại 265 Cầu Giấy (Hà Nội).

Ngoài ra còn có nhiều dự án nghỉ dưỡng lớn trải dài khắp các tỉnh thành như Quần thể dự án FLC Sầm Sơn, FLC Complex Thanh Hóa, Khu công nghiệp FLC Hoàng Long, Tổ hợp sân golf tại Quảng Bình, FLC Quy Nhơn,…

Hà Lê

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.