Những người trẻ cập nhật tin tức qua ảnh chế
Ngày nay, nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) không còn tìm kiếm tin tức qua truyền hình, báo giấy hay thậm chí mạng xã hội truyền thống. Thay vào đó, họ tiếp cận các sự kiện thế giới thông qua meme – những hình ảnh hoặc video hài hước lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, theo CBC News.
Maanya Kohli, một sinh viên tại Đại học Western, chia sẻ: “Tôi cảm thấy nhiều người không xem tin tức hay thậm chí kiểm tra tin trên điện thoại. Nhưng nếu họ nhìn thấy qua một meme, họ có thể sẽ tò mò và tìm hiểu, thay vì hoàn toàn không biết gì.”
Theo Andie Shabbar, trợ lý giáo sư tại Khoa Thông tin và Truyền thông Đại học Western, meme là cách dễ dàng để giới trẻ tiêu hóa thông tin. Dù chỉ là một tweet ngắn, một hình ảnh trên Instagram hay một video TikTok, meme nhanh chóng cung cấp góc nhìn về cách xã hội đang tiếp nhận một sự kiện hoặc vấn đề chính trị nào đó.
“Với lượng thông tin khổng lồ mà chúng ta tiếp cận hiện nay, việc cập nhật đầy đủ các sự kiện chính trị toàn cầu có thể trở nên quá tải với một người bình thường. Vì vậy, hình thức tiêu thụ nhanh như meme trở nên phù hợp hơn,” Shabbar nhận định.
Tuy nhiên, một số bạn trẻ cảm thấy khó tiếp cận tin tức truyền thống do nội dung trên mạng xã hội quá nhiều và phân tán. Noah Zabian, một sinh viên khác, cho rằng: “Các công ty truyền thông truyền thống không truyền tải thông tin theo cách chúng tôi cảm thấy dễ tiếp cận, nên chúng tôi phải tự tìm những cách khác để nắm bắt tin tức.”
Bên cạnh đó, việc Facebook và Instagram, đều thuộc sở hữu của Meta, chặn truy cập nội dung tin tức tại Canada cũng khiến nhiều người trẻ chuyển hướng sang các nguồn khác, trong đó có meme.
“Meme chỉ là sản phẩm phụ từ việc chúng tôi không thể tiếp cận các nguồn tin uy tín trên internet,” Zabian chia sẻ.
Theo Shabbar, meme không chỉ là cách chia sẻ suy nghĩ cá nhân mà còn giúp hình thành cộng đồng quanh những chủ đề chung. “Meme là một hình thức chia sẻ ý tưởng chính trị ít rủi ro,” bà cho biết.
Dù khó xác định chính xác đối tượng tạo ra và tiêu thụ meme, Shabbar tin rằng chúng giúp giới trẻ có cơ hội thể hiện quan điểm. “Chúng ta đang ở thời đại mà mạng xã hội trở thành không gian công cộng mới. Ai cũng có thể bày tỏ ý kiến trên nền tảng này. Meme nổi bật nhờ sự hài hước, tính châm biếm và tác động thị giác.”
Aahash Srikumar, một sinh viên thường chia sẻ meme với bạn bè và gia đình, cho biết: “Nếu tôi đưa tin tức cho các em họ của mình, chúng sẽ không để ý trừ khi đó là điều gì đó hài hước. Đó là cách mà thế hệ chúng tôi hoạt động.”
Dù meme là cách tiếp cận tin tức tiện lợi, nhưng Maanya Kohli lo ngại về tính chính xác của thông tin. “Tôi lo cho những người không đủ khả năng phân biệt đúng sai hoặc kiểm chứng sự thật. Điều này có thể khá nguy hiểm, bởi nội dung dễ bị mất ngữ cảnh.”
Shabbar cũng cảnh báo rằng meme có thể gây mất chiều sâu trong việc hiểu các vấn đề phức tạp, đồng thời thúc đẩy sự phân cực chính trị khi các meme mang quan điểm cực đoan được lan truyền.
“Văn hóa meme có thể khiến mọi người mắc kẹt trong góc nhìn thiển cận và thiếu sự đa chiều,” Shabbar nói. Bà cũng nhấn mạnh nguy cơ khi các meme bị sử dụng bởi những người hoặc tổ chức quyền lực để thao túng dư luận.
“Meme có vị trí riêng của nó, nhưng không nên là cách duy nhất để mọi người tham gia vào các sự kiện toàn cầu,” bà chia sẻ. “Nếu meme khơi gợi cảm xúc hoặc khiến bạn hình thành quan điểm, trách nhiệm của bạn là phải nghiên cứu thêm để tiếp cận vấn đề một cách có trách nhiệm.”