Những món quà thú vị nhất của các nguyên thủ thế giới
Trao tặng quà ngoại giao là hành động có lịch sử lâu đời, dù những món quà tặng giữa các quốc gia có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có khi chúng là biểu tượng kết thân, nhưng trong những dịp khác lại khiến hai bên khó xử và bối rối.
Dưới đây là 5 món quà ngoại giao thú vị nhất giữa các nguyên thủ thế giới.
1. Nhà ngoại giao khổng lồ
Gấu trúc khổng lồ từng là món quà ngoại giao tiêu chuẩn của Trung Quốc tới nước khác, dẫn đến tên gọi "ngoại giao gấu trúc". Một trong những ví dụ ngoại giao gấu trúc nổi tiếng nhất là vào năm 1972. Sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Bắc Kinh, Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi tặng hai con gấu trúc – Ling Ling và Hsing Hsing – đến Mỹ.
Ling Ling và Hsing Hsing được coi là biểu tượng cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ, do từ sau 1949, quan hệ giữa hai nước thường xuyên căng thẳng và đối địch, theo South China Morning Post (SCMP). Từ 1982, Trung Quốc dừng việc tặng gấu trúc do số lượng loài suy giảm, và chỉ đem tới nước khác dưới hình thức cho thuê.
2. Món ăn bất đắc dĩ
Để cảm ơn sự hỗ trợ của Pháp trong việc đánh đuổi các chiến binh Hồi giáo vào năm 2013, chính phủ Mali đã tặng cho Tổng thống François Hollande một con lạc đà.
Thấy rằng Điện Elysée không có chỗ cho lạc đà ở, ông Hollande đã để nó cho một gia đình Timbuktu chăm sóc. Rốt cuộc, ông phát hiện rằng họ đã nấu nó trong nồi súp. Chính phủ Malia nhanh chóng gửi cho ông Hollande "một con lạc đà khác, to hơn và đẹp hơn".
3. Động vật quý hiếm
Vì lý do nào đó, nguyên thủ Indonesia nhận định rằng thứ mà Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) cần nhất là một con thằn lằn ăn thịt khổng lồ có nọc độc. Khi tổng thống Mỹ nhận được con rồng Komodo có tên Naga vào năm 1990, ông tặng lại nó cho Sở thú Cincinnati. Naga sống cuộc đời bận rộn và năng suất, trở thành cha của 32 con rồng nhỏ trước khi qua đời vào năm 2004.
Con trai ông, Tổng thống George W. Bush cũng nhận được món quà độc đáo không kém: một con báo và sư tử nhồi bông.
Hẳn Tổng thống Jakaya Kikwete của Tanzania đã nghĩ rằng hai con thú này sẽ khiến Phòng Bầu dục ấn tượng hơn hẳn. Nhưng tiếc rằng ông Bush phải giao chúng cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, vì tổng thống Mỹ không được giữ món quà nào trị giá trên 390 USD.
4. Đồ ăn đóng hộp làm quà cưới
Khi nữ hoàng Anh tương lai kết hôn vào năm 1947, chính quyền Queensland gửi cặp đôi hoàng gia 500 hộp dứa đóng hộp.
Trái cây đóng hộp có vẻ là món quà ngớ ngẩn ngày nay, nhưng những hộp dứa của Australia rất được coi trọng vào thời Anh vẫn còn thiếu hụt thực phẩm sau Thế chiến thứ hai. Chúng đã được phân phát "theo mong muốn của Công chúa Elizabeth", người phát ngôn Điện Buckingham cho biết.
Dứa được chọn vì Anh thiếu hụt hoa quả trầm trọng và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Queensland.
Chính quyền Queensland không phải bên duy nhất tặng thực phẩm làm quà cưới cho vị nữ vương tương lai. Mỹ gửi 50.000 bưu kiện, mỗi bưu kiện chứa 10 kg thực phẩm, để công chúa phân phát cho các gia đình Anh. Trong khi đó, thành phố Toronto của Canada gửi 804 tấn thực phẩm.
5. Album nhạc của vợ
Liệu những bài thơ trữ tình của Shakespeare có kết hợp hài hòa với các bài hát dân gian đương đại về lòng yêu nước của Trung Quốc không? Trong khi vị quân vương trị vì lâu nhất nước Anh cậy đến nhà thơ vĩ đại nhất đất nước, nhà lãnh đạo Trung Quốc lại vận đến tài năng ca hát của vợ.
Năm 2015, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Anh, Nữ hoàng Elizabeth tặng ông bộ sưu tập thơ trữ tình của Shakespeare trong chiếc hộp bằng da và mạ vàng. Đổi lại, Nữ hoàng nhận được hai album ca nhạc dân gian của phu nhân ông Tập là bà Bành Lệ Viện.
Bà Bành là một trong những ca sĩ dân ca nổi tiếng nhất Trung Quốc trong những năm 80 và 90. Ca khúc của bà chủ yếu tập trung vào chủ đề yêu nước. Những món quà giúp làm sáng tỏ những gì hai nhà lãnh đạo tự hào nhất về văn hóa quốc gia.