|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những lợi thế giúp Việt Nam trở thành 'nam châm' hút FDI ở Đông Nam Á

21:15 | 22/09/2023
Chia sẻ
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) mở rộng ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là đánh giá trong một bài viết trên trang mạng của tạp chí Tài chính Toàn cầu Global Finance ngày 21/9.

Theo trang mạng gfmag.com của tạp chí Global Finance có trụ sở ở Mỹ, vị thế này là nhờ Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng có lợi thế về dân số trẻ với số người ở độ tuổi dưới 25 chiếm khoảng 40% dân số.

Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế tiếp cận thị trường phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu của khu vực Đông Nam Á với khoảng 800 triệu dân, nhờ là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo đánh giá của ông Thierry Mermet, Giám đốc điều hành của công tư tư vấn phát triển thương mại quốc tế mang tên Source Of Asia (SOA) và là chuyên gia tư vấn cho các công ty đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và ASEAN, triển vọng về môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong năm 2023 cho thấy những chỉ dấu cải thiện đầy hứa hẹn.

Ông Mermet dẫn chứng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 10 tỷ USD trong quý I/2023, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Mermet dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn: “Triển vọng trong quý tiếp theo cũng có vẻ khả quan. Các công ty thực sự đang mong đợi trong thời gian tới sẽ đón nhận mức đầu tư trực tiếp nước ngoài tương tự".

Chuyên gia này nhận định, về lâu dài, Việt Nam đang thực sự củng cố vị thế là một trong 3 địa điểm hàng đầu mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư. Theo báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện, có thêm 3% các lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là một trong 3 điểm đến đầu tư hàng đầu. Ông Mermet cho rằng đây là chỉ dấu rõ nét cho xu hướng nó trên.

Trong nửa đầu năm 2023, có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó top 5 nước đầu tư là các nước châu Á, với Hàn Quốc đứng thứ nhất, chiếm 81 tỷ USD và đứng thứ hai là Singapore với 72 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ 3 với số vốn cam kết gần 70 tỷ USD. Đáng chú ý, dù Mỹ đứng thứ 7 nhưng lại là đối tác xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Một chỉ dấu khác cho thấy sức hút của Việt Nam là tập đoàn sản xuất xe điện VinFast mới đây đã trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn thứ ba thế giới tính theo vốn hóa thị trường, đứng sau tập đoàn Tesla (của Mỹ) và Toyota (của Nhật Bản).

Đối với ông Barry Elliott, Phó Chủ tịch Tomkins Ventures và là chuyên gia về chuỗi cung ứng hoạt động lâu năm tại Việt Nam, “điều này không chỉ báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp xe điện ở Đông Nam Á nói chung mà còn thể hiện năng lực sản xuất mới nổi của Việt Nam”.

 

Trong khi đó, trang mạng của S&P Global - tập đoàn đa quốc gia tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính, cho rằng tăng trưởng kinh tế mạnh cũng là một yếu tố giúp thu hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa sau của năm 2023.

Trong bối cảnh này, ngành ngân hàng của Việt Nam đã sẵn sàng cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để tìm cách tăng vốn nhờ đầu tư nước ngoài. Theo dự báo của S&P Global, các hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam sẽ gia tăng trong 2 năm tới. 

Ngân hàng Kasikornbank PCL của Thái Lan đang đàm phán để mua lại chi nhánh Việt Nam của tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng hàng đầu châu Âu mang tên Home Credit trong một thỏa thuận trị giá khoảng 1 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ lớn thứ hai tại Việt Nam trong năm 2023, sau thương vụ ngân hàng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) mua lại 15% cổ phần của ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vào tháng 3/2023.

Theo ông Mukuru Kato, Giám đốc điều hành và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường cận biên tại hãng nghiên cứu EFG Hermes Research, số lượng giao dịch có thể sẽ tăng mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2023-2024, bao gồm cả giữa các ngân hàng thương mại nhà nước của Việt Nam.

Ông Kato giải thích: “Vì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất muốn đưa ngân hàng Việt Nam vào top 100 ở châu Á và điều này khó khả thi nếu một trong những ngân hàng thương mại nhà nước không tham gia hoạt động M&A".

Ông Ivan Tan, chuyên gia phân tích tại S&P Global Ratings, nhận định: “Việc mua lại cổ phần chiến lược tại các ngân hàng Việt Nam tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thúc đẩy tăng trưởng và khai thác lợi thế nhân khẩu học của Việt Nam thông qua cho vay bán lẻ, đặc biệt là qua các kênh kỹ thuật số”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2023 nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đối với các ngân hàng của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài là nguồn vốn quan trọng để nâng cao tỷ lệ an toàn vốn.

Theo dữ liệu do hãng nghiên cứu Market Intelligence tổng hợp, trong năm 2022, tỷ lệ vốn lõi cấp 1 của ngành ngân hàng ở Việt Nam là 6,71%. Trong khi đó, năm 2022, ngành ngân hàng của Indonesia có tổng tỷ lệ vốn lõi cấp 1 là 22,46%, Malaysia là 16,21%, Thái Lan và Philippines lần lượt là 15,44% và 14,55%.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Hằng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.