|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những lời khuyên 'vàng' của ông Nguyễn Hồng Trường cho start-up Việt

14:36 | 25/10/2017
Chia sẻ
Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch IDG Ventures Vietnam là gương mặt khá quen thuộc với cộng đồng start-up Việt với nhiều lời khuyên và bài học kinh nghiệm quý báu.

IDG Ventures Vietnam (IDGVV) là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm tiên phong tại Việt Nam. Họ đã đầu tư và giúp đỡ thành công nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông, giáo dục như VNG, VC Corp, FBNC, Vietnamwork, Vatgia.com…

Ông Nguyễn Hồng Trường sinh năm 1977, là Phó Chủ tịch phụ trách mảng Phát triển công nghệ và doanh nghiệp của IDGVV. Ông đảm nhận nhiệm vụ tìm kiếm và đánh giá các cơ hội đầu tư, xem xét các dự án đầu tư, phát triển hệ thống doanh nghiệp IDGVV cũng như cung cấp tư vấn chiến lược trong quản trị hồ sơ công ty.

Trong nhiều năm qua, ông Trường được đánh giá là một người có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng khởi nghiệp Việt. Ông thường xuyên xuất hiện trong các chương trình dành cho các start-up và đưa ra cho họ nhiều bài học giá trị và thiết thực.

Tránh sáng tạo lại bánh xe

Ông Trường cho biết có 3 bài học quý giá mà ông rút ra được trong 10 năm qua.

Bài học đầu tiên là Tránh sáng tạo lại bánh xe hay nói cách khác là đưa ra các sản phẩm và mô hình thiếu tính mới và sáng tạo. Theo ông Trường, điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn đúng trên toàn thế giới. 10 năm trước khi mọi thứ còn mới mẻ, một số start-up có thể thành công bằng cách sao chép lại một mô hình đã thành công khác. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nếu không có sự sáng tạo rất khó đạt được kết quả tốt.

nhung loi khuyen vang cua ong nguyen hong truong cho start up viet
Ông Nguyễn Hồng Trường, phó chủ tịch Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDGVV.

Bài học thứ hai là nên Kết hợp mô hình kinh doanh (điều mà mình đam mê, ám ảnh) và tình hình thực tế. "Khi đầu tư, chúng tôi quan tâm xem người doanh nhân đó có sự đam mê, ám ảnh gì và họ giải quyết được vấn đề gì cho chính mình", ông Trường nói.

Điều thứ 3 mà Phó Chủ tịch IDGVV nhận thấy trong hơn 1 thập kỷ qua là hiện nay các công ty khởi nghiệp đã nhận được rất nhiều hỗ trợ, chứ không khó khăn như thế hệ start-up đầu tiên.

Nhà đầu tư sẽ chú ý đến 3P

Theo ông Trường, các quỹ thường đầu tư theo một portfolio (danh mục đầu tư), vì vậy việc có một vài thương vụ không thành công là chuyện khó tránh khỏi. Với ông, thất bại lớn nhất chính là lựa chọn sai người để rót vốn. "Đây là điều đau lòng nhất với nhà đầu tư. Nó cũng giống như các start-up chọn sai cofounder (người đồng sáng lập)", ông Trường nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch IDGVV cho biết khi lựa chọn một dự án để đầu tư, quỹ của ông thường áp dụng nguyên tắc 3P: People (Con người); Product (Sản phẩm) và Plan (Kế hoạch). Trong đó, con người là yếu tố quan trọng nhất.

Chia sẻ về việc huy động vốn của các start-up, ông Trường cho biết "90% các thương vụ rót vốn là do nhà đầu tư gõ cửa". Điều đó có nghĩa nếu sản phẩm của bạn đủ hay thì các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến bạn.

Sống đúng với bản năng

Đối với kinh nghiệm làm thế nào để các founder gây được ấn tượng ngay từ khi tiếp cận nhà đầu tư và giữ được mối quan hệ tốt, đại diện quỹ đầu tư IDG đưa ra lời khuyên: Cách tốt nhất là làm đúng theo bản năng của mình, thể hiện cái gì chân thật nhất mà các bạn có.

Khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, người đại diện cho start-up có gì thì hãy chia sẻ như thế, không nói được tiếng Anh, diễn thuyết bằng tiếng Việt chưa tốt cũng không quan trọng bằng việc thể hiện đúng bản năng của mình.

"Trước đây có nhiều ứng viên tìm đến IDG hỏi có phải chuẩn bị gì không? Tôi chỉ bảo chẳng phải chuẩn bị gì, cứ đến nói chuyện. Tôi chưa thấy start-up nào có kế hoạch kinh doanh mà không phải sửa ít nhất 10 lần trước khi bắt tay vào làm. Và 50% kế hoạch sửa thường không liên quan gì đến ý tưởng đầu tiên", ông Trường nhận định.

Tìm được người cofounder là nhân duyên

Một trong những băn khoăn nhất của nhiều founder hiện nay chính là khi có ý tưởng rồi, làm thế nào để tìm ra được người cùng chí hướng với mình? Ông Trường cho rằng đó là nhân duyên, khó nhưng tìm mãi sẽ thấy.

Ông Trường lấy ví dụ, có trường hợp 2 founder đầu tiên không đến được với nhau, khi người thứ 3 xuất hiện thì lại làm được. Doanh nhân này cũng cho rằng, ngay cả khi chưa tìm ra cộng sự phù hợp thì vẫn nên start-up.

"Quan trọng nhất chính là niềm tin của mình vào sản phẩm có đúng hay không? Mình sẵn sàng bắt tay vào đam mê của mình hay chưa? Không có lúc nào khởi nghiệp là muộn nhưng cũng không có cách nào khởi nghiệp mà tránh được khó khăn. Nếu mình tin tưởng, bắt tay vào làm thì giá cao nhất mà có thể phải trả là phá sản. Song cũng có nhiều người phá sản và đã làm lại từ đầu", ông Trường nhắn nhủ.

Bí quyết chia phần trăm với nhà đầu tư

Khi nhà đầu tư rót vốn vào start-up, họ sẽ nhận lại quyền lợi trong công ty đó dưới dạng cổ phần. Trên thế giới, nhiều thương vụ áp dụng tỷ lệ 70-30, tức là start-up chiếm 70% cổ phần còn nhà đầu tư sở hữu 30% còn lại.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch IDGVV, việc nên chia thế nào còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Khi IDG mới đầu tư vào Việt Nam cũng từng áp dụng tỷ lệ này, nhưng sau đó cũng có những thương vụ chỉ sở hữu 25 hoặc 20% cổ phần của công ty.

Ngược lại, có những mô hình cần rất nhiều vốn hoặc phải chấp nhận rủi ro cao thì nhà đầu tư có thể sở hữu đến 70% cổ phần của công ty.

"Nếu sản phẩm của bạn thật sự tốt, các nhà đầu tư sẽ không muốn lấy quá nhiều cổ phần của bạn. Bởi vì họ muốn bạn có động lực để phát triển sản phẩm của mình. Nhưng nếu sản phẩm của bạn chưa đủ hay, các nhà đầu tư sẽ muốn chiếm một lượng cổ phần cao giống như bảo hiểm cho những rủi ro mà họ có thể gặp phải", ông Trường nói.

Linh Lam

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).