|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những lần 'tai tiếng' tại NSH Petro

08:19 | 30/05/2024
Chia sẻ
Ngoài câu chuyện xử phạt hành vi thao túng giá cổ phiếu đối với các nhân sự chủ chốt, NSH Petro còn vướng vào vụ bê bối thuế nghìn tỷ đồng khiến hoạt động kinh doanh đi xuống nhanh chóng.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 4 cá nhân có hành vi thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petrro - Mã: PSH).   

Các cá nhân bao gồm ông Mai Hữu Phúc, bà Võ Như Thảo, bà Đỗ Thủy Tiên và ông Trần Minh Hoàng. Mỗi cá nhân bị xử phạt số tiền 1,5 tỷ đồng và bị cấm giao dịch chứng khoán trong thời hạn 2-3 năm kể từ ngày 27/5/2024. 

Liên quan thành viên điều hành

Đáng chú ý nhất trong danh sách thao túng trên là ông Mai Hữu Phúc (sinh năm 1988). Ông từng là Phó Tổng giám đốc và mới bị miễn nhiệm từ ngày 24/5. Theo báo cáo quản trị, vị này đang nắm giữ 530.800 cổ phiếu, tương ứng với 0,42% vốn công ty. 

Ông Phúc còn là con trai của nhà đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Mai Văn Huy - người đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 56,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 44,81% vốn công ty.   

Trong khi đó, bà Võ Như Thảo cũng là một nhân sự chủ chốt trong công ty xăng dầu này với vị trí người được ủy quyền công bố thông tin, đồng thời đang nắm giữ 4.000 cổ phiếu PSH. 

 Một kho xăng dầu của NSH Petro tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: PSH.

NSH Petro được thành lập ngày 14/2/2012 với vốn điều lệ ban đầu 60 tỷ đồng. Công ty sau đó tăng vốn thần tốc gấp 21 lần trong giai đoạn 2012-2019, lên 1.262 tỷ đồng và vẫn đảm bảo ông Huy nắm cổ phần chi phối doanh nghiệp.

Ông Mai Văn Huy được biết đến là nguyên Giám đốc Công ty Thương mại Dầu Khí Đồng Tháp (Petimex), từng bị tuyên án chung thân (cho 2 tội danh cố ý làm trái và buôn lậu) và 15 năm tù cho tội danh đưa hối lộ. Tuy nhiên sau hơn 9 năm thụ án, ông Huy đã được đặc xá vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2009. 

Sau đặc xá, vị này quay lại với nghề kinh doanh xăng dầu và lần này là NSH Petro. Ông Huy là 1 trong 5 cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu ban đầu chỉ 6,7%, sau đó liên tiếp đầu tư thêm để nắm đến 62,5% cổ phần vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tháng 4-5, ông Huy bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 22 triệu cổ phiếu để giảm về mức hiện tại 44,8%, chủ yếu do cổ phiếu liên tục giảm sàn vì liên quan vụ việc nợ thuế nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh việc nắm giữ cổ phần chi phối, ông cũng có ít nhất 2 người thân trong ban lãnh đạo là con trai Mai Hữu Phúc (sinh năm 1988) và em trai Mai Văn Thành (sinh năm 1976) đang là Phó Chủ tịch HĐQT. 

Nhóm cá nhân Mai Hữu Phúc, Võ Như Thảo, Đỗ Thủy Tiên và Trần Minh Hoàng đã sử dụng 26 tài khoản đứng tên 15 nhà đầu tư để liên tục mua bán cổ phiếu PSH từ ngày 1/2/2021 đến ngày 27/5/2022, nhằm tạo cung cầu giả tạo và thao túng giá cổ phiếu. 

Tuy nhiên, kết quả tính toán khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của nhóm cá trên cho thấy không có khoản thu trái pháp luật. 

Vướng bê bối thuế

NSH Petro là một trong các đơn vị kinh doanh xăng dầu hàng đầu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Vào cuối năm 2023, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định cưỡng chế thuế với công ty số tiền hơn 1.100 tỷ đồng. 

Trong văn bản giải trình, NSH Petro cho biết UBND tỉnh Hậu Giang đã gửi công văn đến Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, xin ý kiến tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện để công ty cam kết với địa phương thực hiện nộp dần tiền thuế nợ.  

Đơn vị cho hay thực tế vẫn hoạt động kinh doanh bán hàng và nộp thuế theo từng lần phát sinh 18% vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, công ty cũng đã giải trình với Cục thuế tỉnh Hậu Giang và có phương án khắc phục thanh toán nợ thuế trong năm 2024. 

Bộ Tài chính sau đó yêu cầu NSH Petro phải lập đầy đủ hồ sơ trong đó, phải có thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng gửi đến Cục thuế tỉnh Hậu Giang để được xem xét xử lý nộp dần tiền thuế nợ.   

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Công ty trải qua chuỗi ngày khó khăn sau vụ việc bị cưỡng chế thuế vào cuối năm 2023. Báo cáo tài chính kiểm toán 2023 ghi nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ với một phần nguyên nhân từ việc cưỡng chế thuế này, theo đó cổ phiếu cũng bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 3/4.  

Năm 2023, NSH Petro ghi nhận doanh thu 6.099 tỷ đồng, giảm 17% so với năm liền trước. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lãi 41 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 237 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh chỉ khởi sắc trong nửa đầu năm 2023 và sau đó lỗ nặng 220 tỷ đồng trong quý IV/2023.  

Kết quả quý I/2024 vẫn kém khả quan khi doanh thu thuần giảm sâu 88% còn 476 tỷ đồng, kéo theo đó là khoản lỗ ròng 24 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 199 tỷ đồng). Tổng tài sản doanh nghiệp hơn 11.000 tỷ đồng nhưng lượng tiền mặt chỉ còn gần 16 tỷ đồng. 

NSH Petro còn liên tục thông báo chậm trả lãi các lô trái phiếu. Gần nhất vào ngày 12/4 vừa qua, công ty lại có thông báo gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán lãi cho lô trái phiếu PSHH2224003. 

Công ty gần đây đã có tin vui khi nhận được cam kết về khoản tài trợ 650 triệu USD từ Acuity Funding (Autralia), nhằm đầu tư xây dựng phát triển kinh doanh xăng dầu. Nguồn vốn này sẽ dùng đầu tư 6 dự án tại các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An và 100 triệu USD cho nhập khẩu xăng dầu.

Doanh nghiệp cho biết hiện đã hoàn tất các thủ tục định giá tài sản đảm bảo cho khoản vay và Acuity Funding sẽ giải ngân 290 triệu USD trong quý II/2024. 

Nhà sáng lập Acuity ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah cũng được phân nhiệm vụ Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT công ty nhiệm kỳ 2022-2027. 

Sang năm 2024, công ty đặt kế hoạch tham vọng trở lại với doanh thu gấp 2,4 lần cùng kỳ lên 14.566 tỷlợi nhuận sau thuế gấp 6,9 lần ở mức gần 328 tỷ đồng. NSH cũng kỳ vọng đón nhà đầu tư mới khi dự định chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu từ cuối năm 2024. 

Huy Lê