|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những gói tín dụng xanh ‘khủng’ của các ngân hàng

17:05 | 21/03/2019
Chia sẻ
Theo số liệu NHNN, dư nợ tín dụng xanh đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Với đãi lãi suất thấp, thanh toán linh hoạt, doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn tài chính để đầu tư công nghệ, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần chống biến đổi khí hậu và từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng.
Những gói tín dụng xanh ‘khủng’ của các ngân hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Trước những vấn đề trên, Chính phủ đã triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, đồng thời thừa nhận biến đổi khí hậu là một thách thức chung đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Trong bối cảnh đó, tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Mục tiêu của Đề án hướng đến từng bước tăng tỉ trọng vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự án xanh do NHNN ban hành. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đi cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong khuôn khổ các hoạt động ngân hàng; phát triển mạnh các kênh giao dịch điện tử, các dịch vụ, phương thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng xanh đang có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, nếu như quý IV/2017 dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.121 tỉ đồng, thì quý I/2018 tăng lên 188.270 tỉ đồng, quý II là 188.132 tỉ đồng. Đặc biệt, dư nợ tín dụng xanh đã tăng mạnh trong quý III/2018 lên đến 235.717 tỉ đồng.

HDBank đang là ngân hàng đi đầu về hoạt động tài trợ vốn cho các dự án xanh. Cụ thể, ngân hàng này mới đưa ra gói tín dụng 10.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên cả nước.

Ngoài lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn tới 1%/năm so với lãi suất thông thường, HDBank cũng chấp nhận tài sản hình thành từ vốn vay với tỉ lệ cho vay lên đến 80% và thời hạn vay lên tới 10 năm.

HDBank cũng liên kết với các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi trêncả nước cũng như xây dựng các chương trình xuất khẩu kèm các giải pháp tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Không chỉ "ưu ái" với nông nghiệp, HDBank cũng dành 7.000 tỉ đồng tài trợ cho các dự án điện Mặt Trời nối lưới thuộc qui hoạch phát triển điện lực quốc gia và 3.000 tỉ đồng phát triển năng lượng tái tạo tại các tỉnh An Giang, Bình Định, Ninh Thuận…

Nam A Bank cũng thực hiện chương trình tín dụng xanh. Cụ thể, Ngân hàng đã kí kết với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) về việc triển khai Tín dụng xanh tại Việt Nam. Qua chương trình này, Nam A Bank sẽ cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng.

Chương trình "Tín dụng xanh", Nam Á bank sẽ ưu đãi tài trợ vốn đối với khách hàng doanh nghiệp cho các mục đích như trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất không gây tác động đến môi trường; bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm, thiết bị thân thiện với môi trường hoặc cung cấp vốn đầu tư đối với các dự án năng lượng Mặt Trời.

Còn với khách hàng cá nhân, Nam A Bank cho vay mua xe ôtô, vay tiêu dùng, vay đầu tư, vay xây dựng. sửa chữa nhà… miễn là các nhu cầu này không gây tác động đến môi trường.

Chẳng hạn như việc cấp tín dụng xanh cho nhu cầu vay mua ôtô, dòng xe mua phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Hoặc với chính sách cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, Nam A Bank cấp tín dụng xanh cho các mục đích mua sắm thiết bị sản xuất ngành nông nghiệp để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và không gây ô nhiễm môi trường

Nhiều ngân hàng khác cũng đã đẩy mạnh rót vốn cho các dự án năng lượng sạch và năng lượng tái tạo như Vietcombank vừa kí hợp đồng tài trợ 785 tỉ đồng cho dự án nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 tại Ninh Thuận; VietinBank tài trợ 1.000 tỉ đồng để thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC số 1 (tỉnh Tây Ninh) hay Agribank cấp khoản tín dụng 950 tỉ đồng cho dự án điện mặt trời Long Thành (tỉnh Đắk Lắk)…

Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới gói tín dụng "khủng" 135.000 tỉ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao của 8 ngân hàng. Trong đó, tổng số vốn Agribank dự kiến dành cho gói tín dụng này là 50.000 tỉ đổng. Vietcombank, VietinBank và HDBank mỗi ngân hàng đăng kí tài trợ 10.000 tỉ đồng. Bắc Á, Sacombank, ACB... đăng kí tổng cộng 55.000 tỉ đồng.

Nam A Bank hợp tác với GCPF triển khai chương trình Nam A Bank hợp tác với GCPF triển khai chương trình 'Tín dụng xanh' Dư nợ tín dụng xanh tăng gần 20% trong năm 2016Dư nợ tín dụng xanh tăng gần 20% trong năm 2016 Tín dụng xanh: Lối đi lớn nhưng vẫn còn nhiều chông gaiTín dụng xanh: Lối đi lớn nhưng vẫn còn nhiều chông gai

Quốc Thụy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.