|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những doanh nghiệp không nghỉ tết làm ăn thế nào trong năm Mậu Tuất?

14:00 | 02/02/2019
Chia sẻ
Trong khi phần lớn các doanh nghiệp đang nỗ lực hoàn tất các công việc cuối năm để đón kỳ nghỉ tết thì vẫn có những doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất bình thường, phục vụ người dân như ngành điện, vận tải, hàng không và môi trường....Hãy cùng nhìn lại năm qua, những doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh thế nào?
 

Doanh nghiệp nhiệt điện: Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Theo thống kê, mức tăng trưởng doanh thu 2018 của các doanh nghiệp nhiệt điện dao động từ 5-15%. Trong đó các nhà máy đạt doanh thu cả năm lớn nhất gồm có Nhiệt điện Quảng Ninh đạt 9.018 tỉ đồng (tăng 10%), Nhiệt điện Hải Phòng 9.527 tỉ đồng (tăng 5%), Nhà máy Nhơn Trạch 2 đạt 7.670 tỉ đồng (tăng 13%) và Nhiệt điện Phả Lại 7.117 tỉ đồng (tăng 4%)…

Tuy nhiên, doanh thu tăng không đồng nghĩa với lợi nhuận cũng tăng theo. Năm 2018 giá than tăng mạnh khiến cho chi phí đầu vào của các nhà máy nhiệt điện tăng; hai nhà máy tại Quảng Ninh và Hải Phòng được phản ánh là thiếu than sản xuất giai đoạn cuối năm 2018.

Nhiệt điện Quảng Ninh lãi sau thuế năm 2018 chỉ 275 tỉ đồng, giảm 61% so với năm trước. Nhiệt điện Cẩm Phả ghi nhận lỗ 376 tỉ đồng do giá vốn tăng mạnh; đây cũng là doanh nghiệp than duy nhất báo lỗ.

Nhiệt điện Ninh Bình cho biết lãi sau thuế 2018 đạt 30 tỉ đồng, giảm 21% do giá điện được thu mua thấp hơn, ngoài ra một phần nguyên nhân là nhà máy này tiến hành bảo dưỡng trong năm. Nhiệt điện Nhơn Trạch cũng công bố lãi sau thuế giảm nhẹ và ở mức 782 tỉ đồng do giá khí tăng.

Bước sang 2019 đầy khó khăn và thách thức, nhiều doanh nghiệp Nhiệt điện đã lên kế hoạch kinh doanh thận trọng đồng thời cho biết sẽ duy trì hoạt động sản xuất ổn định trong ngày tết.

Ông Lưu Trung Dũng, Trưởng Phòng Hành chính của Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn cho biết, để hoạt động sản xuất trong ngày Tết được diễn ra an toàn và hiệu quả, ngay từ đầu tháng 1, ban lãnh đạo đã xây dựng kế hoạch sản xuất.

Về máy móc thiết bị, hiện tại, đơn vị đang tiến hành kiểm tra những bộ phận thường xuyên hỏng hóc và xử lý trước, đồng thời chuẩn sẵn các thiết bị, vật tư dự phòng để thay thế kịp thời khi có những phát sinh hỏng hóc.

Doanh nghiệp môi trường: Kết quả kinh doanh tích cực

Để giữ cho những con đường xanh, sạch, đẹp, những doanh nghiệp ngành môi trường vẫn luôn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong ngày tết. Trong năm 2018, các doanh nghiệp ngành này có kết quả kinh doanh khá tích cực.

Với con số lãi sau thuế gần 326 tỉ đồng, tăng 53% so với thực hiện 2017, CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase - mã: BWE) đã vượt xa kế hoạch năm. Điều này cũng dễ hiểu khi theo thống kê sơ bộ của Bình Dương, tỉnh có 28 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích hơn 8.700 ha với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động có tổng vốn đăng ký hơn 15 tỉ USD.

Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa của tỉnh Bình Dương thuộc nhóm cao nhất cả nước, dự báo tăng trưởng của các hoạt động cung cấp nước sạch, xử lý môi trường của Biwase sẽ đạt bình quân 17%/năm cho tới năm 2025.

Dù không có kết quả kinh doanh đột biến như Biwase, CTCP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh (Mã: HTU) cũng hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018 với 101,6 tỉ đồng doanh thu; lãi sau thuế 3,7 tỉ đồng, tương đương thực hiện 2017.

Chưa cổ phần hóa như hai doanh nghiệp nói trên, 6 tháng đầu năm 2018, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đạt doanh thu thuần 267 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ; lãi sau thuế 7 tỉ đồng, tăng 13%.

Nhằm phục vụ cho người dân vui chơi giải trí dịp tết, đại diện Urenco cho biết thời gian này, công ty dự kiến tăng cường nhân lực, vật lực duy trì vệ sinh đường phố trên những tuyến phố thuộc địa bàn các quận trung tâm của TP Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Đồng thời, Urenco sẽ tổ chức huy động thêm nhân công tiến hành thu gom rác bằng các xe tải nhỏ, cơ động trên các tuyến phố chính, các trục đường hướng tâm ra vào trung tâm thành phố.

Doanh nghiệp vận tải: Lợi nhuận sụt giảm, cách xa kế hoạch

Không chỉ gây chú ý về vụ kiện với Grab, Vinasun đang khiến nhà đầu tư lo ngại khi hoạt động kinh doanh kém tích cực. Nguyên nhân là giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng theo giá dầu thế giới từ đầu năm đã khiến biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp. 9 tháng đầu năm 2018, công ty đạt 1.556 tỉ đồng doanh thu, giảm 36,5% cùng kỳ. Lãi sau thuế 55,7 tỉ đồng, giảm 63% và chỉ bằng 50% kế hoạch năm.

nhung doanh nghiep khong nghi tet lam an the nao trong nam mau tuat
Doanh nghiệp vận tải chịu áp lực giá nguyên liệu tăng (Nguồn: Internet).

Tình cảnh này cũng diễn ra tương tự tại CTCP Dịch vụ vận tải và thương mại (Mã: TJC) khi trong 9 tháng năm 2018, công ty chỉ mới đạt vẹn 803 triệu đồng lợi nhuận trước thuế, cách xa so với kế hoạch 8 tỉ đồng. Nói về khó khăn, ông Lê Tất Hưng, Chủ tịch HĐQT TJC cho biết, trong quý III giá nhiên liệu đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco – Mã: VOS), mặc dù doanh thu 9 tháng tăng 12% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính giảm 22%, chưa kể được ghi nhận 23,9 tỉ đồng lợi nhuận khác từ thanh lý, nhượng bán tài sản nhưng kết quả lãi sau thuế của VOS vẫn lỗ đến 104,3 tỉ đồng. Dù đã thực hiện được 87,7% kế hoạch doanh thu, nhưng việc hoàn thành kế hoạch không lỗ đang là thách thức lớn với Vosco.

Lợi nhuận 9 tháng sụt giảm và cách xa kế hoạch năm cũng là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp vận tải khác như CTCP Vận tải đa phương thức duyên hải (Mã: TCO), CTCP Hải Minh (Mã: HMH), CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Gang (Mã: SKG)...

Doanh nghiệp hàng không: Vietjet Air vượt mặt Vietnam Airlines, Bamboo Airways cất cánh

CTCP Hàng không Vietjet mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí IV/2018 cho thấy doanh thu cả năm đạt 52.388 tỉ đồng, tăng gần 24% so với năm trước và vượt 3% kế hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.829 tỉ đồng. Con số lợi nhuận này vượt xa so với đối thủ Vietnam Airlines với lãi trước thuế 2018 ước đạt gần 2.800 tỉ đồng, giảm 11% so với trước.

Jetstar Pacific cũng có một năm 2018 tăng trưởng với lượng khách vận chuyển của hãng đạt 6,2 triệu lượt, tổng doanh thu dự kiến đạt 9.100 tỉ đồng, tăng 21% và có lợi nhuận, vượt kế hoạch 161 tỉ đồng.

nhung doanh nghiep khong nghi tet lam an the nao trong nam mau tuat
Sân bay Tân Sơn Nhất (Nguồn: Internet).

Năm 2018, ngành hàng không còn chứng kiến nhiều hoạt động để chuẩn bị cất cánh của hãng hàng không Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC. Sau khi lỡ hẹn bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10/2018, Bamboo Airways đã có được Giấy phép bay và có chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/1 mới đây.

Tại lễ đón tàu bay A321NEO mới đầu tiên tại sân bay Nội Bài, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, chia sẻ dịp tết hàng năm hay xảy ra cháy vé, Bamboo Airways đã chuẩn bị trước các phương án khi cất cánh.

"Đội bay của chúng tôi bay ngay sau khi có giấy phép để phục vụ nhu cầu về quê ăn tết của người dân", ông Quyết nói.

Trước đó, trên trang facebook cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết tiết lộ trước mắt, trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, hãng Bamboo Airways phục vụ 8 đường bay với 26 chuyến bay/chiều/ngày.

Xem thêm

Minh Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.