|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những công trình nào đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018?

07:30 | 23/04/2019
Chia sẻ
Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018 vừa mới công bố kết quả Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018, trong đó có 34 tác phẩm xuất sắc gồm 1 giải Vàng, 11 giải Bạc và 22 giải Đồng.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018 có chủ đề: "Khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các giải pháp kiến trúc". Năm nay có 158 tác phẩm dự thi, trong đó có 153 đồ án hợp lệ.

Những công trình nào đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018? - Ảnh 1.

Phối cảnh một góc dự án Nhà ở xã hội Hưng Thịnh - một trong những công trình đạt giải Bạc của cuộc thi Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018.

Kết quả cuộc thi, một giải vàng thuộc về công trình Nhà ở Bắc Hồng, hạng mục nông thôn, do văn phòng Công ty CP thiết kế và xây dựng Lab Concept thiết kế.

11 giải Bạc thuộc về các tác phẩm Nhà Phễu (hạng mục nhà ở đơn lập); Nhà ở xã hội Hưng Thịnh (Hạng mục nhà ở tổ hợp); Trung tâm giáo dục Viettel Academy (Hạng mục trường học); Trường liên cấp hội nhập quốc tế Ischool Quảng Trị (Hạng mục trường học); Nhà thiếu nhi TP HCM; Thiết kế cảnh quan khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt; Cầu Vàng; Nhà ga hành khách quốc tế cảng hàng khôn Cam Ranh; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ tỉnh Quảng Ninh; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Tp. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật.

Bên cạnh giải Vàng và giải Bạc là 22 giải Đồng, trong đó đáng chú ý là các tác phẩm như Khu nghỉ dưỡng – khách sạn Oceanami; Công trình trạm thu phí – Dự án hầm Đèo Cả; Khu nhà hàng biển Sandy Beach Resort; Trung tâm hành chính - chính trị quận Hồng Bàng, Hải Phòng; Quy hoạch phân khu đô thị Nam Hòa (phân khu A6) tỷ lệ 1/2000, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh…

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhìn chung, các tác phẩm dự thi năm nay có quy mô không lớn nhưng với nhiều ý tưởng và giải pháp kiến trúc độc đáo, thú vị. Đó là nhà ở nông thôn mới với tác phẩm "Nhà Bắc Hồng" – một sự kết hợp thành công giữa hiện đại và truyền thống trong tổ chức không gian ở, tạo sự kết nối các thế hệ trong gia đình thông qua không gian sinh hoạt chung trong và ngoài nhà với triết lý "Xa mà Gần". Hay công trình "Nhà ở xã hội Hưng Thịnh" cho thấy cách tổ chức không gian chung cư hợp lý, thông thoáng, tiết kiệm mà vẫn đủ tiện ích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân với ngân sách hạn hẹp…

Một điều đáng chú ý trong lễ trao giải năm nay, Công ty CP Kiến trúc Lập Phương - CUBIC Architects đã trở thành đơn vị duy nhất của năm giành 2 giải thưởng tại 2 hạng mục là nhà ở tổ hợp và công trình thương mại/trụ sở. Đó là công trình Nhà ở xã hội Hưng Thịnh và Trung tâm hành chính - chính trị quận Hồng Bàng, Hải Phòng

Theo ông Trần Vũ Lâm - Chủ tịch CUBIC Architects, các hạng mục CUBIC Architects đạt giải cao năm nay đều được xếp vào các hạng mục khó.

Việc công trình Trung tâm hành chính - chính trị quận Hồng Bàng, Hải Phòng đạt giải là nhờ một trong những quyết định quan trọng đó là mạnh dạn ứng dụng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại mới trên tinh thần kiến tạo và ứng dụng.

Còn với dự án Nhà ở xã hội Hưng Thịnh thì đây "thực sự là một thách thức với CUBIC Architects", ông Lâm nói. Trong đó, thách thức đầu tiên là phải thay đổi được những suy nghĩ tồn tại lâu nay về nhà ở xã hội thường đồng nghĩa với chất lượng không cao.

Theo Chủ tịch CUBIC Architects, ở bất kì quốc gia nào cũng luôn có một phần quy hoạch dành cho nhà ở xã hội, hướng tới đối tượng thu nhập thấp. Những công trình này luôn tồn tại trong đô thị và song hành với phân khúc nhà ở thương mại và các công trình khác.

"Tuy nhiên, ở Việt Nam, phân khúc nhà ở xã hội đang phát triển chậm, chưa được quan tâm đầy đủ về chất lượng thiết kế và đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường", 

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) do Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN), Bộ Xây dựng (XD), Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch (VHTTDL) phối hợp tổ chức định kỳ 2 năm một lần từ năm 1994, nhằm thúc đẩy sáng tạo kiến trúc, tôn vinh các tác giả , tác phẩm kiến trúc trên toàn quốc, góp phần định hướng phát triển kiến trúc cũng như nâng cao nhận thức xã hội về kiến trúc.

GTKTQG năm nay (2018 – 2019) có 158 tác phẩm tham dự thuộc 8 thể loại và 15 hạng mục (tăng 32% so với kỳ giải thưởng trước).

K.H