|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những cổ phiếu vốn tăng phi mã, lợi nhuận hụt hơi

07:00 | 28/08/2016
Chia sẻ
Không ít doanh nghiệp trên sàn sau một vài năm số vốn tăng phi mã, gấp hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần so với ban đầu nhưng lợi nhuận lại tăng không đáng kể.

Trên sàn chứng khoán Việt Nam có không ít doanh nghiệp thực hiện tăng vốn gấp nhiều lần trong những năm qua với mục đích mở rộng quy mô và tăng trưởng. Tuy nhiên, để đồng vốn được sử dụng hiệu quả, thì vốn tăng phải đi kèm với sự tăng trưởng lợi nhuận.

Thị trường chứng kiến nhiều doanh nghiệp thực hiện quá trình tăng vốn nhanh trong vài năm, chủ yếu cho một nhóm cổ đông có liên quan tới Công ty do thị giá vốn thấp hơn nhiều giá phát hành (bằng mệnh giá). Và lợi nhuận hàng năm thì "hụt hơi" đuổi theo quá trình tăng vốn.

Nhóm doanh nghiệp liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết và FLC

Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HoSE) vừa chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho CTCP Xây dựng Faros với mã chứng khoán ROS. Với quy mô vốn 4.300 tỷ đồng, Faros trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn HoSE trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư hạ tầng.

Vào tháng 4/2014, vốn điều lệ FOS là 225 tỷ đồng. Sau chưa đầy 2 năm, con số này lên 4.300 tỷ đồng, tức gấp 19 lần vốn điều lệ ban đầu.

nhung co phieu von tang phi ma loi nhuan hut hoi
Đơn vị: tỷ đồng

Cổ đông lớn nhất của Faros chính là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC với tỷ lệ nắm giữ 41,79%. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV FLC Land (công ty 100% vốn của FLC) cũng sở hữu 5,23%.

Việc các doanh nghiệp tăng vốn phi mã không chỉ xảy ra ở trường hợp Faros. Trên sàn chứng khoán, một số doanh nghiệp khác cũng có quá trình tăng vốn "chóng mặt" và ít nhiều có liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết.

Ví dụ CTCP Tập đoàn FLC, nơi ông Quyết làm Chủ tịch và sở hữu 13,12% vốn đã trải qua 6 lần tăng vốn từ năm 2010 đến năm 2015. Vốn điều lệ hiện có của FLC là 5.298,7 tỷ đồng, gấp 212 lần vốn điều lệ ban đầu chỉ trong 5 năm.

nhung co phieu von tang phi ma loi nhuan hut hoi
Đơn vị: tỷ đồng

Chỉ trong năm 2015, FLC tăng từ 1.543,6 tỷ đồng lên 5.298,7 tỷ đồng, tức gấp 3,4 lần.

Năm 2016, kế hoạch tăng vốn lên 8.398 tỷ đồng của FLC vẫn còn dở dang. Hiện FLC còn đợt tăng vốn bằng cách phát hành 210 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhưng chưa có lộ trình thực hiện cụ thể.

Trong khi vốn điều lệ tăng 212 lần qua 5 năm thì LNST của FLC chỉ tăng 25 lần, không tương ứng với quá trình tăng vốn.

Từ năm 2012 đến nay, nếu tính theo giá điều chỉnh bởi tăng vốn, cổ phiếu FLC đều giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí thời gian dài dưới 5.000 đồng/cp. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, cổ phiếu FLC có 1 phiên lập đỉnh lên 9.100 đồng/cp rồi lại rớt xuống mức trung bình 6.000 đồng/cp.

Một doanh nghiệp khác có liên quan tới FLC là CTCP Liên doanh đầu tư quốc tế KLF (Mã: KLF). Theo đó, hai thành viên HĐQT KLF là bà Trần Thị My Lan và ông Trần Thế Sơn đều là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.

Từ năm 2009 đến năm 2015, qua 7 lần tăng vốn, vốn điều lệ KLF đã tăng 331 lần, đạt 1.653,5 tỷ đồng.

nhung co phieu von tang phi ma loi nhuan hut hoi
Đơn vị: tỷ đồng

Vốn điều lệ tăng, nhưng lợi nhuận của KLF thì trồi sụt theo từng năm. Vào thời điểm KLF tăng vốn phi mã năm 2014, khi vốn điều lệ gấp 5,8 lần thì LNST chỉ gấp 2,6 lần năm 2013. Thậm chí, đến năm 2015, khi vốn điều lệ tăng thêm 3% thì LNST lại giảm 48% so với năm trước.

Có phần chung kịch bản với cổ phiếu FLC khi mà từ năm 2013 trở lại đây, giá cổ phiếu KLF giảm từ đỉnh 19.000 đồng xuống còn 2.300 đồng/cp, tương đương giảm 88%.

Liên quan tới ông Quyết và Tập đoàn FLC còn có Công ty Cổ phần Nông dược HAI (Mã: HAI), nơi Tập đoàn FLC sở hữu gần 13%. Thời gian từ năm 2012 - 2015, HAI tăng vốn gấp 9,5 lần, trong đó tăng mạnh mẽ nhất vào năm 2015. Trong năm này, vốn điều lệ của HAI tăng từ 174 tỷ đồng lên 1.173 tỷ đồng, tương đương gấp 6,7 lần.

nhung co phieu von tang phi ma loi nhuan hut hoi
Đơn vị: tỷ đồng

Cũng từ 2012 - 2015, LNST của HAI chỉ gấp 1,8 lần, thậm chí trong năm 2014 còn bị giảm. Với vốn điều lệ năm 2015 gấp 6,7 lần năm trước thì LNST của HAI chỉ đạt 73,5 tỷ đồng, gấp 1,9 lần.

Giá cổ phiếu HAI trong 1 năm trở lại đây chỉ bằng nửa mệnh giá. Phiên chiều 26/8, cổ phiếu này có giá 4.400 đồng/cp.

Các doanh nghiệp khác

Ngoài nhóm doanh nghiệp liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, còn hàng loạt các doanh nghiệp khác tăng vốn phi mã. Ví dụ đầu tiên có thể kể đến là CTCP Tập Đoàn Sao Mai (Mã: ASM) khi chỉ trong 6 năm, Công ty đã tăng vốn lên 2.199 tỷ đồng, gấp hơn 22 lần.

nhung co phieu von tang phi ma loi nhuan hut hoi
Đơn vị: tỷ đồng

Đỉnh điểm của quá trình tăng vốn "nóng" của ASM vào năm 2015, Công ty lên kế hoạch phát hành 233 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên 3.300 tỷ đồng. Song, kế hoạch chỉ mới thực hiện được nửa chặng đường với 107 triệu cổ phiếu được phát hành, vốn điều lệ tăng lên 2.199,4 tỷ đồng, gấp đôi năm trước.

Sau đó, ASM hủy bỏ phương án phát hành đợt 2 mà thay vào đó là phương án mới với kế hoạch phát hành 121 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, giá 10.000 đồng/cp. Giá phát hành của cả 2 đợt thấp hơn thị giá giao dịch cổ phiếu ASM (chốt phiên 26/8, giá cổ phiếu này là 15.800 đồng/cp).

Vốn vài nghìn tỷ nhưng lợi nhuận của ASM lại lình xình không nổi trăm tỷ. Năm 2015, khi vốn ASM tăng gấp đôi thì LNST lại giảm 4%. Giá cổ phiếu ASM trong 1 năm qua lập đỉnh vào tháng 4 với mức giá 19.300 đồng/cp, sau đó giảm xuống 14.800 đồng/cp, tương đương giảm 30%.

Cùng với ASM, một số doanh nghiệp khác cũng trong tình cảnh tương tự như CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC), CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy, Công ty Cổ phần Đầu tư F.I.T (Mã: FIT), CTCP Chứng khoán Kim Long (Mã: KLS)...

Với số vốn 100 tỷ đồng vào năm 2011, sau 5 năm, vốn điều lệ HHS đã tăng lên 2.334 tỷ đồng, gấp 23 lần.

Trong năm 2015, HHS hoàn tất phát hành hoán đổi tỷ lệ 1:1 với CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang và có ghi nhận phần lớn lợi nhuận từ công ty con này. Đồng thời, Công ty tiếp tục huy động hơn nghìn tỷ từ cổ đông hiện hữu và hàng trăm tỷ từ cổ đông chiến lược để đạt mức vốn 2.331 tỷ đồng.

nhung co phieu von tang phi ma loi nhuan hut hoi
Đơn vị: tỷ đồng

Tuy nhiên, thực hiện huy động vốn xong từ cuối năm 2015 nhưng HHS vẫn đang găm giữ một lượng tiền mặt lớn. Theo BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng, HHS cùng các công ty con giữ 258 tỷ đồng tiền mặt, 601 tỷ đồng khoản tương đương tiền và 829 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Đáng chú ý, giá trị của tiền và khoản tiết kiệm chiếm tới 52% tổng tài sản của HHS liên tục tăng trong 4 quý gần đây và đang ở mức cao nhất từ quý IV/2014.

HQC cũng thực hiện tăng vốn hàng năm, đỉnh điểm năm 2015, vốn điều lệ công ty gấp 2,3 lần năm trước và gấp 10 lần năm 2011. Cũng trong năm này, công ty ghi nhận lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án nên tăng đột biến, lên tới 641 tỷ đồng, gấp 21 lần năm trước. Còn lại, các năm khác, vốn điều lệ tăng nhiều lần nhưng lợi nhuận chỉ lình xình, tăng không đáng kể.

nhung co phieu von tang phi ma loi nhuan hut hoi
Đơn vị: tỷ đồng

Từ năm 2011 đến nay, nếu tính theo giá điều chỉnh thì cổ phiếu luôn giao dịch dưới mệnh giá. Vào tháng 3/2014, lần lập đỉnh, cổ phiếu HQC đạt mức 8.400 đồng/cp, sau đó giảm và hiện tại giao dịch quanh mốc 5.000 đồng/cp.

Một doanh nghiệp khác là FIT, từ năm 2012 đến nay, vốn điều lệ công ty đã tăng từ 150 tỷ đồng lên 1.792 tỷ đồng, gấp 12 lần qua 4 năm. Năm 2015, FIT chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược với giá đều là 10.000 đồng/cp, cao hơn thị giá giao dịch.

nhung co phieu von tang phi ma loi nhuan hut hoi
Đơn vị: tỷ đồng

Cổ phiếu FIT trong 1 năm qua giảm từ đỉnh 10.000 đồng/cp xuống còn 5.900 đồng/cp, tức giảm 41%. Chốt ngày 26/8, cổ phiếu này có giá 6.000 đồng/cp.

Tuy đã hủy niêm yết từ ngày 21/7/2016 nhưng nhìn lại quá khứ của chứng khoán Kim Long (mã: KLS), giai đoạn 2006 – 2010, vốn điều lệ công ty từ mức 18 tỷ đồng đã tăng lên 2.025 tỷ đồng, gấp 113 lần. Đỉnh điểm là năm 2008, KLS lỗ gần 350 tỷ đồng nhưng vẫn thực hiện tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng.

Với quy mô vốn đạt trên 2.000 tỷ đồng, KLS trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn lớn nhất thị trường vào thời điểm 2010. Tuy nhiên, cũng năm đó, KLS kinh doanh lỗ hơn 170 tỷ đồng.

nhung co phieu von tang phi ma loi nhuan hut hoi
Đơn vị: tỷ đồng

Thực hiện phát hành tăng vốn ồ ạt, khó kiểm soát việc sử dụng vốn cũng như hiệu quả nên năm ngoái, Bộ Tài chính có ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 58 của Chính phủ với mục đích siết chặt lại việc tăng vốn của các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, đảm bảo sự minh bạch của thị trường tài chính.

Nghị định này yêu cầu các phương án chào bán riêng lẻ dẫn đến tỷ lệ sở hữu của các đối tượng đạt từ 25% trở lên hoặc thêm 10% trở lên phải nêu rõ đối tượng chào bán để ĐHCĐ thông qua; phải công khai mục đích sử dụng vốn, các tiêu chí xác định hoặc đối tượng tiếp nhận vốn đầu tư khi được ĐHCĐ ủy quyền; quy định tổ chức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu phải đăng ký tỷ lệ thành công của đợt chào bán...

Cấm tăng vốn là điều không thể, tuy nhiên kiểm soát chặt chẽ để hạn chế tăng vốn ảo, "phát hành giấy" vẫn là điều cần thiết.

Khổng Chiêm - Tiến Vũ

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.