|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những 'chủ nợ' lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng

07:00 | 09/04/2020
Chia sẻ
Tính đến cuối năm 2019, 10 ngân hàng có tổng số dư tiền gửi và cho vay các TCTD khác nhiều nhất gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Techcombank, MBBank, SHB, ACB, SCB và Eximbank.
Những 'chủ nợ' lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Alex Chu)

Vietcombank - "chủ nợ" lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 25 ngân hàng trong nước, tổng lượng tiền gửi và cho vay lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng tính đến thời điểm 31/12/2019 đạt hơn 948.000 tỉ đồng, tăng 2% so với cuối năm trước.

Top 10 ngân hàng có lượng tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác nhiều nhất gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank (ước tính theo số liệu 30/6/2019), BIDV, Techcombank, MBBank, SHB, ACB, SCB và Eximbank. 

Tổng lượng tiền gửi và cho vay lẫn nhau của 10 ngân hàng này đạt xấp xỉ 721.000 tỉ đồng, chiếm gần 76% tổng lượng tiền cho vay lẫn nhau của 25 ngân hàng được thống kê. Trong đó, riêng lượng tiền cho vay của nhóm Big4 trên thị trường liên ngân hàng đã đạt 513.800 tỉ đồng, chiếm 54%.

Những 'chủ nợ' lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng - Ảnh 2.

(Đồ họa: Alex Chu)

Tính đến cuối năm 2019, Vietcombank là "chủ nợ" lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng với 248.729 tỉ đồng gửi và cho vay các TCTD khác, bỏ xa ba nhà băng đứng kế sau là VietinBank (với 129.315 tỉ đồng), Agribank ( khoảng 81.500 tỉ đồng) và BIDV (với 54.290 tỉ đồng).

Sự cách biệt của Vietcombank so với ba ngân hàng còn lại một phần đến từ lượng tiền gửi ngoại tệ khổng lồ của nhà băng này tại các nhà băng khác với hơn 94.200 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2019 (bao gồm hơn 73.400 tỉ đồng tiền gửi không kì hạn và hơn 21.800 tỉ đồng tiền gửi có kì hạn).

Với thế mạnh về chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại, Vietcombank được biết đến là ngân hàng đứng đầu trong dịch vụ kinh doanh ngoại tệ. Điều này giúp Vietcombank luôn sở hữu lượng thanh khoản ngoại tệ dồi dào và là chủ nợ chính trên thị ngoại tệ liên ngân hàng.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng sở hữu hệ thống thanh toán lương của các doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước, giúp ngân hàng tiếp cận được lượng tiền gửi không kì hạn giá rẻ khổng lồ. Qua đó, tạo điều kiện cho nhà băng này có thể cung cấp được các khoản vay ngắn hạn lớn bằng tiền đồng (chủ yếu là qua đêm) trên thị trường liên ngân hàng.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank là ngân hàng có lượng tiền gửi và cho vay các TCTD khác nhiều nhất với gần 48.000 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2019 tăng 35% so với cuối năm 2018.

Tương tự Vietcombank, Techcombank cũng sở hữu lượng tiền gửi không kì hạn rất lớn từ dân cư nhờ chính sách Zero fee và Cash bank. Điều này hỗ trợ rất lớn cho thanh khoản tiền đồng của Techcombank, giúp ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay trên thị trường 2.

Bên cạnh Techcombank thì MBBank, SHB, ACB, SCB và Eximbank là những ngân hàng tiếp theo có lượng tiền gửi và cho vay trên thị trường liên ngân hàng vượt 1 tỉ USD.

TOP 10 ngân hàng có nhiều tiền gửi dự trữ nhất tại NHNN - Ảnh 3.

Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp. (*Agribank: Ước tính theo số liệu tính đến ngày 30/6/2019).

Big 4 giảm hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng

Trong 25 ngân hàng khảo sát, có 17 ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng lượng tiền gửi và cho vay các ngân hàng khác so với cuối năm 2018. Trong đó, Sacombank là nhà băng tăng trưởng mạnh nhất từ hơn 4.800 tỉ đồng vào cuối năm 2018 lên hơn 13.150 tỉ đồng, chủ yếu đến từ việc gia tăng hoạt động cho vay chiết khấu, tái chiết khấu và cho vay cầm cố thế chấp.

Ngoài Sacombank, lượng tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác của một số nhà băng khác cũng tăng trưởng mạnh. Điển hình như LienVietPostBank tăng từ hơn 5.100 tỉ đồng lên gần 11.700 tỉ đồng; ABBank tăng từ hơn 9.100 tỉ đồng lên gần 17.900 tỉ đồng; ACB tăng gần 18.800 tỉ đồng lên hơn 30.300 tỉ đồng.

Ngược lại, lượng tiền gửi và cho vay trên thị trường liên ngân hàng của nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh lại có xu hướng sụt giảm (từ gần 595.000 tỉ đồng vào cuối năm 2018 xuống còn gần 514.000 tỉ đồng).

Trong đó, lượng tiền gửi và cho vay của BIDV giảm gần một nửa xuống chỉ còn gần 54.300 tỉ đồng; Vietcombank và VietinBank cũng giảm lượng tiền gửi và cho vay các ngân hàng khác so với cuối năm trước.

Hoạt động gửi tiền và cho vay trên thị trường liên ngân hàng của nhóm Big4 đi xuống vào những tháng cuối năm khi lãi suất liên ngân hàng sụt giảm mạnh sau động thái cắt giảm một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 19/11 khiến biên lợi nhuận (NIM) cho vay sụt giảm.

Những 'chủ nợ' lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng - Ảnh 4.

Giới phân tích dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành 0,5 điểm % đối với lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất OMO kể từ ngày 18/3. Lãi suất này sẽ đóng vai trò làm mức trần cho lãi suất liên ngân hàng.

"Lãi suất liên ngân hàng đã giảm gần đây và chúng tôi dự báo sẽ ở dưới mức 3,5% trong thời gian còn lại của năm 2020, áp dụng cho cả kì hạn 3 tháng. Điều này có thể khiến NIM giảm trong thị trường liên ngân hàng", Bộ phận phân tích Chưng khoán SSI nhận định.                             

Quốc Thụy