Những câu hỏi chưa có lời giải xoay quanh thương vụ lịch sử Elon Musk - Twitter
Hội đồng quản trị Twitter đã đồng ý với lời đề nghị mua lại trị giá 44 tỷ USD từ CEO Tesla của tỷ phú Elon Musk. Không nhiều người biết tỷ phú giàu nhất thế giới sẽ làm gì sau thương vụ này.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, Elon Musk sẽ trả 54,20 USD cho mỗi cổ phiếu bằng tiền mặt cho Twitter. Thông báo này đã chấm dứt câu chuyện kéo dài một tuần xoay quanh thương vụ lịch sử này.
Trong một tuyên bố ngày 25/4, Twitter cho biết Elon Musk đang gom khoảng 21 tỷ USD và đã đảm bảo khoản vay nợ 25,5 tỷ USD cùng “tài trợ khoản vay ký quỹ”. Họ cũng nói thêm rằng “không có điều kiện tài chính nào có thể dùng để chấm dứt giao dịch”.
Điều này có nghĩa Elon Musk đang trên đường tiếp quản Twitter. Tuy nhiên, tương lai của công ty truyền thông xã hội này sẽ đi về đâu lại là một câu chuyện khác. Theo CNBC, việc Elon Musk tiếp quản Twitter sẽ khiến nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Ai sẽ lãnh đạo công ty?
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà Twitter phải đối mặt là ai sẽ được Elon Musk bổ nhiệm làm tân CEO.
Giám đốc điều hành hiện tại Parag Agrawal đã lãnh đạo công ty chỉ 5 tháng sau khi kế nhiệm người đồng sáng lập Jack Dorsey. Agrawal nhanh chóng phải đối mặt với Elon Musk, người tiết lộ khoản nắm giữ hơn 9%, tương đương cổ đông lớn nhất công ty.
Elon Musk sau đó đã từ chối tham gia vào ghế hội đồng quản trị Twitter. Thay vào đó, ông theo đuổi việc thâu tóm toàn bộ công ty. Agrawal đã cảnh báo rằng nếu để Elon Musk nắm giữ Twitter, sẽ có “những điều phiền nhiễu ở phía trước”.
Sau những gì đã xảy ra, có vẻ như cặp đôi này sẽ không cùng đứng chung một chiến tuyến. “Twitter có tác động đến toàn bộ thế giới. Tôi vô cùng tự hào về các thành viên của công ty. Tôi cũng được truyền cảm hứng từ việc làm CEO của một trong những công ty có tầm ảnh hưởng nhất”, Agrawal chia sẻ.
Những cái tên nào sẽ có mặt trong hội đồng quản trị?
Hội đồng quản trị, do đồng Giám đốc điều hành Salesforce, Bret Taylor, đứng đầu, đã sử dụng chiến lược “viên thuộc độc" để cố gắng chống lại sự tiếp quản thù địch tiềm tàng từ Elon Musk. Điều này xảy ra sau khi CEO Tesla từ chối tham gia ghế hội đồng quản trị.
Nếu tiếp quản thành công, tỷ phú Elon Musk có cơ hội xóa bỏ hết những người đang có mặt trong hội đồng quản trị và xây dựng danh sách ứng viên tiềm năng mới. Elon Musk và cựu CEO Twitter kiêm nhà đồng sáng lập Jack Dorsey cũng có những mối liên hệ nhất định. Liệu nhà sáng lập Twitter có quay trở về công ty cũ để đồng hành cùng người giàu nhất thế giới?
Mức độ kiểm soát của Elon Musk lớn đến đâu?
Twitter cho biết công ty đang được mua lại bởi “một tổ chức thuộc sở hữu hoàn toàn của Elon Musk”. Điều này không nói lên được mức độ kiểm soát mà tỷ phú khổng lồ sẽ đạt được.
Musk hiện là CEO Tesla, công ty có vốn hóa thị trường là 1.000 tỷ USD, và SpaceX, được định giá trên thị trường tư nhân là 100 tỷ USD. Ngoài ra, ông cũng đang điều hành hai startup là Neuralink và The Boring Company.
Liệu Elon Musk có thực hiện cách tiếp cận của Jeff Bezos với Washington Post và cho phép một nhóm quản lý độc lập điều hành các hoạt động hay không? Hay CEO Tesla sẽ trực tiếp quản lý công ty? Sẽ cần thêm thời gian để biết điều gì sẽ xảy ra.
Twitter sẽ đi về đâu?
Elon Musk đã cố gắng thu thập ý kiến của cộng đồng về các tính năng của Twitter, hỏi hơn 83 triệu người theo dõi của ông cân nhắc xem họ có muốn một số thay đổi một số thứ hay không. Liệu tỷ phú Elon Musk có đưa ra quyết định dựa trên kết quả các cuộc khảo sát của bản thân.
Dưới đây là những gì mà Elon Musk đã nói:
“Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang tồn tại, và Twitter giống như “quảng trường thành phố kỹ thuật số”, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận. Tôi cũng muốn làm cho Twitter trở nên tốt hơn bằng cách nâng cao sản phẩm với các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, xóa bỏ thư rác và xác thực tất cả mọi người. Twitter có tiềm năng to lớn. Tôi mong muốn được hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để đem đến những điều mới”.
Musk có hàm ý gì khi nhắc đến tự do ngôn luận? Trong một dòng tweet được đăng ngày 25/4, ông cho biết: “Tôi hy vọng rằng ngay cả những người chỉ trích tôi thậm tệ nhất vẫn sẽ xuất hiện trên Twitter, bởi vì đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận”. Kiểm duyệt nội dung là điều quan trọng trong việc giữ cho mạng xã hội không trở thành đống tro tàn.
Liệu Donald Trump có quay trở lại Twitter?
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị Twitter cấm vào năm ngoái vì vi phạm các quy tắc. Tỷ phú Elon Musk đã nói rằng ông không thích những chính sách kiểm duyệt của công ty. Liệu điều này có mang Donald Trump quay trở lại? Thuật toán tìm nguồn mở có giúp mọi người hiểu ai đến, ai đi và tại sao không?
Trước đó, ông Donald Trump đã nói trên CNBC rằng ông sẽ không quay lại Twitter ngay cả khi Musk nắm quyền và xóa bỏ chính sách kiểm duyệt, đồng thời khẳng định ông sẽ sử dụng dịch vụ của chính mình, Truth Social, "trong vòng một tuần."
Điều gì sẽ xảy ra với lực lượng lao động?
Bằng cách đưa Twitter trở thành công ty tư nhân, Musk phải tìm ra một cấu trúc lương hoàn toàn mới. Các khoản lương thưởng hiện có không còn nhiều ý nghĩa. Liệu chúng có được thay thế bằng vốn chủ sở hữu trong “phiên bản mới” của Twitter, mang lại cho nhân viên tiềm năng tăng trưởng về lương thưởng nếu công ty niêm yết cổ phiếu lần thứ hai?
Ngành công nghệ đang đối mặt với một thị trường bị thắt chặt và có tính cạnh tranh cao. Các nhà tuyển dụng đang chịu nhiều áp lực để giữ lại những gì họ đã có. Trong hoàn cảnh này, tại sao người lao động muốn ở lại Twitter và tại sao Twitter có thể chiêu mộ nhân tài ở những nơi khác?
Điều quan trọng, Elon Musk sẽ giữ lại ai? Nếu ông loại bỏ các phương pháp kiểm duyệt nội dung, rất nhiều người sẽ không còn quan trọng. Liệu đội quân của Tesla có trở thành lực lượng lao động của Twitter?