|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Những cảnh báo về mức tiêu thụ điện của Đông Nam Á dùng cho máy điều hòa

07:50 | 26/09/2018
Chia sẻ
Khoảng 60% tiêu thụ điện ở các thành phố Đông Nam Á đến từ việc sử dụng điều hòa nhiệt độ. Nghiên cứu về sự tương quan giữa GDP đầu người với sử dụng điện năng ở 6 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
40 tieu thu dien tai dong nam a dung cho dieu hoa khong khi
Lắp đặt điều hòa không khí

Theo The ASEAN Post, tiêu thụ điện ở Đông Nam Á đang leo dốc với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm 7,5%, từ 155,3 Terawatt giờ (TWh) năm 1990 lên 821,1 TWh năm 2013, theo bản báo cáo của Trung tâm Năng lượng ASEAN trong quý I/2016 của Cornerstone Journal.

Khoảng 60% tiêu thụ điện ở các thành phố Đông Nam Á đến từ việc sử dụng điều hòa nhiệt độ. Nghiên cứu bình luận về sự tương quan giữa GDP đầu người với sử dụng điện năng nhiều hơn ở 6 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Ở mức tăng trưởng này, dự báo điều hòa nhiệt độ có thể tốn đến 40% tiêu thụ điện năng ở Đông Nam Á vào năm 2040.

Hậu quả ấm lên toàn cầu của việc gia tăng sử dụng máy lạnh

Báo cáo cũng cho thấy, 80% điện ở ASEAN được tạo ra từ nguồn nhiên liệu hóa thạch, trong đó, Việt Nam và Indonesia có nhiều nhà máy than hoạt động nhất ở khu vực. Tiêu thụ điện năng cao hơn tạo nên hiệu ứng nhà kính nhiều hơn, hậu quả là gây nên sự ấm lên toàn cầu.

“Các phân tử khí hấp thụ bức xạ nhiệt hồng ngoại, và có đủ lượng đáng kể, có thể tác động khí hậu (climate forcing). Những loại phân tử này gọi là khí nhà kính”, ông Michael Daley - giáo sư Khoa học Môi trường tại Lasell College ở Mỹ giải thích.

Các khí nhà kính có thể kể là CO2, metan, Nitơ Oxit và các khí flo, trong số này metan được tạo ra trong suốt quá trình sản xuất và vận chuyển than đá, nơi mà CO2 được tạo ra khi than đá, khí tự nhiên và dầu (nhiên liệu hóa thạch) bị đốt cháy.

Trong khi đó, các khí flo bao gồm hydro florua cacbon (các khí HFC), là những khí nhà kính tổng hợp có khả năng gây ra sự ấm lên toàn cầu gấp 1.000 – 3.000 lần so với CO2. Những khí này hiện chiếm 1% trong tổng lượng khí nhà kính toàn cầu, nhưng con số có vẻ sẽ tăng lên khi việc sử dụng máy lạnh đang tăng lên trên khắp thế giới.

Người tiêu dùng phần lớn chưa ý thức về ảnh hưởng tiêu cực của việc dùng máy lạnh

Tháng 12/2017, Eco-Business, một công ty truyền thông môi trường dự báo nhu cầu máy lạnh ở các quốc gia ASEAN sẽ tăng từ 6,5 triệu đơn vị năm 2013 lên 1,6 tỷ năm 2018.

Với nhu cầu đang bùng nổ, gia tăng hiệu quả các máy điều hòa sẽ là điều then chốt đối với các nền kinh tế Đông Nam Á nhằm khống chế ảnh hưởng tiêu cực với môi trường. Tuy nhiên, những cảnh báo đến công chúng về ảnh hưởng của máy điều hòa không khí lên môi trường vẫn còn thấp.

40 tieu thu dien tai dong nam a dung cho dieu hoa khong khi
Tác dụng phụ của máy điều hòa không khí. (Nguồn:The ASEAN Post - Biểu đồ đã được Việt hóa)

“Phần lớn người Indonesia không hiểu cách thức hoạt động của máy điều hòa không khí và không quan tâm về tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng”, theo Herbert Innah - một giảng viên Kỹ sư Điện tại Đại học Cendrawasih ở Jayapura, Indonesia.

“Nếu mọi người muốn làm mát phòng nhanh chóng, họ đặt nhiệt độ thấp nhất có thể. Nếu họ muốn sử dụng phòng họp trong ngày hôm sau, họ bật máy điều hòa trước đó 1 ngày”, ông cho biết.

Chỉ 18,4% số người phản hồi cho một nghiên cứu của Eco-Business Research và Chương trình Làm lạnh Hiệu quả Kigali (K-CEP) là có cảnh giác về ảnh hưởng tiêu cực của các khí HFC trong máy điều hòa không khí vào môi trường.

Cải thiện chất lượng máy điều hòa

Chính sách chính quyền và các luật lệ cũng giúp tăng hiểu biết và cảnh giác về ảnh hưởng tiêu cực của điều hòa không khí với môi trường. Một ví dụ của quản lý nhà nước là việc giới thiệu Tỉ lệ Hiệu quả Năng lượng (EER) đối với tất cả các máy điều hòa không khí được sản xuất.

Tỉ lệ Hiệu quả Năng lượng liên quan đến tỉ lệ giữa tổng lượng làm mát so với hiệu quả năng lượng đầu vào của máy. Một tỉ lệ EER cao hơn cho thấy hiệu năng cao hơn của thiết bị.

Các quốc gia ASEAN đồng ý chấp nhận mức EER thấp nhất ở 2,9 W vào năm 2020 cho tất cả các thiết bị điều hòa không khí được sản xuất với công suất thấp hơn 3,5 kilowatt (kW).

Điều kiện này được đưa ra sau “Lộ trình Chính sách Khu vực ASEAN đối với việc Cân đối Tiêu chuẩn Hiệu suất Năng lượng” tại Hội nghị Bộ năng lượng ASEAN (AMEM) vào tháng 9/2015.

Cải thiện chất lượng các máy điều hòa không khí bằng cách đưa ra công nghệ mới có thể là một giải pháp khác. Giảm các tác động tiêu cực đối với môi trường sẽ đòi hỏi chuyển từ điều hòa không khí không có inverter sang có inverter.

Nhập khẩu các máy điều hòa không khí không có inverter vào Indonesia sẽ được giảm xuống trong tương lai, theo Farida Zed, cựu điều hành của Conservation Energy tại Bộ Năng lượng và Tài nguyên (MEMR) của Indonesia. Điều hòa không khí inverter bao gồm việc lắp đặt động cơ nén trong máy điều hóa nhằm đảm bảo điều hòa liên tục nhiệt độ, điều này làm tăng hiệu quả của máy điều hòa.

Nhu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả hơn đối với điều hòa không khí khích lệ các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore để tạo ra máy điều hòa chạy bằng nước. Thay vì sử dụng các khí HFC, các máy điều hòa này phụ thuộc vào nước mưa. Chúng cũng dùng điển ít hơn 40% so với các máy điều hòa không khí.

Nếu tiêu thụ điện năng có thể giảm xuống 100 TWh, nó có thể tiết kiệm chi phí điện lên đến 12 tỷ USD/năm.

Nếu Đông Nam Á tiếp tục làm mát thì cần phải làm vậy với một nền tảng hiệu quả hơn nhiều, hoặc phải gặp rủi ro chi phí tăng cao chưa từng có đối với cả nền kinh tế cũng như môi trường. Trong khi tìm cách giảm ảnh hưởng của điều hòa không khí đối với tiêu thụ điện và môi trường, ASEAN phải làm nhiều hơn trước khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.

Thành Nguyên