Nhu cầu thép toàn cầu chững lại do kinh tế Trung Quốc suy yếu và chiến tranh thương mại
Nhu cầu thép toàn cầu sẽ giảm do nhiều biến động trong thương mại và thị trường tài chính.
Tăng trưởng nhu cầu thép sẽ giảm từ 2,1% năm 2018 xuống 1,3% trong năm 2019 và 1% trong năm 2020, Hiệp hội Thép Thế giới cho hay.
Nền kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ khoảng một nửa lượng thép trên thế giới, đã giảm tốc nhẹ mặc dù chính phủ nước này vẫn tiếp tục chèo lái đất nước chuyển mình từ tăng trưởng do đầu tư sang tiêu dùng, hiệp hội này tuyên bố.
Cuộc xung đột thương mại kéo dài và gây thiệt hại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã làm tổn thương tâm lí đầu tư, theo Reuters.
"Trong năm 2019 và 2020, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức vừa phải do nền kinh tế toàn cầu chững lại", ông Al Remeithi, chủ tịch ủy ban kinh tế thép thế giới, cho hay.
Hiệp hội Thép Thế giới dự đoán nhu cầu thép trong năm nay ở mức 1,735 tỉ tấn và 1,752 tỉ tấn trong năm 2020.
"Sự bất ổn trong môi trường thương mại và biến động trên thị trường tài chính vẫn chưa lắng xuống và có thể gây ra rủi ro cho dự báo này", ông Remeithi cảnh báo.
Nhu cầu thép trong năm 2018 và 2019 đã được thúc đẩy bởi sự kích thích nhẹ của chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên, những tác động của đợt kích thích này sẽ giảm dần trong năm tới.
Dự đoán chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp kích thích để hỗ trợ những dự án cơ sở hạ tầng đã đẩy hợp đồng thép trong tương lai của Thượng Hải lên mức cao 7 năm rưỡi vào ngày 15/4.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc vào tuần trước đã vạch ra một kế hoạch đô thị hóa, gồm việc cải thiện các dự án cơ sở hạ tầng tại thành phố vừa và nhỏ, và mở rộng hệ thống giao thông.
Ở những nơi khác, tăng trưởng nhu cầu thép tại các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm từ 1,8% của năm 2018 xuống 0,3% trong năm nay và giảm 0,7% trong năm 2020, theo đó phản ánh một môi trường thương mại đang xấu đi.
Nhu cầu thép từ các nền kinh tế đang phát triển, trừ Trung Quốc, sẽ tăng lần lượt 2,9% và 4,6% trong năm 2019 và 2020.