|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc có thể suy yếu trong thời gian tới?

11:56 | 05/06/2023
Chia sẻ
Một loạt chỉ số kinh tế của Trung Quốc yếu cho thấy triển vọng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng chính của nước này có thể giảm sút trong thời gian tới.

Reuters dẫn số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất nước này trong tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 48,8 điểm.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp thước đo này ở dưới mức 50 điểm đồng thời yếu hơn so với dự báo về mức tăng trong tháng 5 lên 49,4 so với 49,2 của tháng 4.

Sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã đi đôi với kết quả đi xuống của một số chỉ số khác.

Đầu tư bất động sản trong tháng 4 giảm 16,2% so với cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chính thức.

Doanh số bán bất động sản tính theo diện tích sàn đã giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm cao nhất trong năm nay.

Theo dữ liệu của NBS, lợi nhuận công nghiệp đã giảm 20,6% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022.

Điểm sáng lớn của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 4 là doanh số bán lẻ , tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này không đạt được kỳ vọng của thị trường về mức tăng 21%.

Tuy nhiên, ngành bán lẻ không phải là động lực hàng đầu của nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, mặc dù nó có tác dụng thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu tinh chế như xăng và dầu hỏa khi người tăng cường đi lại.

Thay vào đó, xây dựng và sản xuất thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là đối với quặng sắt và đồng.

Xây dựng và đầu tư công chiếm khoảng 55% lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc. Hoạt động sản xuất, bao gồm cả sản xuất phương tiện và máy móc chiếm khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ thép.

Những lĩnh vực này suy giảm có thể dẫn tới nhu cầu nhập khẩu hàng hoá có thể giảm theo trong thời gian tới, nhưng không phải lúc này. 

 Nguồn: H.Mĩ (Việt hoá: H.Mĩ)

Trên thực tế, nhập khẩu hàng hoá trong tháng 5 có thể được đẩy mạnh tuy nhiên cần nhớ rằng đây là những dữ liệu có độ trễ nhất định. 

Theo dữ liệu của Refinitiv, nhập khẩu quặng sắt bằng đường biển dự kiến ​​​​vào khoảng 93,29 triệu tấn, cao hơn mức 90,44 triệu tấn được hải quan ghi nhận vào tháng 4.

Nhập khẩu dầu thô dự kiến sẽ đạt 11,22 triệu thùng mỗi ngày, tăng từ 10,36 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và giảm từ mức cao nhất trong 34 tháng là 12,37 triệu thùng/ngày trong tháng 3.

Nhập khẩu của tất cả các loại than vận chuyển bằng đường biển được các nhà phân tích hàng hóa Kpler dự báo là 34,33 triệu tấn trong tháng 5, tăng từ 33,61 triệu tấn trong tháng 4, nhưng giảm so với mức 34,42 triệu của tháng 3.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lượng than nhập khẩu trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 là cao nhất kể từ tháng 1/2017.

Hiệu suất nhập khẩu tháng 5 có thể phản ánh kỳ vọng của các nhà máy lọc dầu và nhà máy thép của Trung Quốc trước đó rằng sự phục hồi kinh tế sẽ mạnh hơn so với thực tế.

Nếu vậy, có khả năng họ có thể xem xét cắt giảm nhập khẩu trong những tháng tới, đặc biệt nếu dữ liệu kinh tế yếu vẫn kéo dài trong những tháng tới. 

Có thể mất vài tháng kể từ khi sắp xếp một lô hàng dầu thô đến khi vận chuyển và xử lý lô hàng đó tại một nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, và các lô hàng quặng sắt cũng có xu hướng được đảm bảo vài tuần trước khi vận chuyển và giao hàng.

Nhân tố bí ẩn lúc này chính là giá cả. Nếu giá dầu thô, quặng sắt, than đá và đồng giảm, Trung Quốc có thể tranh thủ nhập hàng nhiều hơn so với nhu cầu thực tế của họ. Họ sẽ tích trữ đủ hàng tồn kho phòng khi giá tăng. 

Giá dầu thô Brent giao dịch mức 72,66 USD/thùng vào tuần trước, mức đóng cửa thấp nhất trong 4 tuần.

Giá quặng sắt kỳ hạn được giao dịch tại Singapore kết thúc ở mức 105 USD/tấn, thấp hơn khoảng 20% so với mức đỉnh năm nay là 131,19 USD thiết lập hôm 15/3.

Giá đồng kỳ hạn tại London kết thúc ở mức 8.089 USD/tấn thấp hơn 13,5% so với mức đỉnh trong năm nay là 9.356 USD thiết lập vào ngày 23/1.

Mặc dù giá thấp hơn có thể khuyến khích một số người Trung Quốc mua hàng, nhưng cũng có khả năng các nhà nhập khẩu có thể đợi giá giảm hơn nữa, đặc biệt nếu các chỉ số kinh tế tiếp tục giảm.

H.Mĩ