Những thương hiệu ô tô sắp 'đổ bộ' thị trường Việt: Phần lớn đến từ Trung Quốc, có cả đơn vị chuyên về xe điện
Lotus
Theo nguồn tin từ Paultan, hãng xe Anh Lotus mới đây đã tuyên bố quay trở lại thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, thương hiệu xe này còn đang tìm cách mở rộng hơn nữa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
“Lotus có một nhóm khách hàng và người hâm mộ lâu đời cũng như trung thành ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi đang khởi động lại thương hiệu tại Hàn Quốc với một dòng sản phẩm và chiến lược mới, đồng thời tin tưởng rằng nó sẽ trở thành một trong những thị trường lớn nhất ở châu Á của Lotus, bên ngoài Trung Quốc, khi doanh nghiệp tiếp tục mở rộng ra toàn cầu”, CCO Lotus Mike Johnstone cho biết.
Lotus là một thương hiệu ô tô được thành lập từ năm 1948 tại Hethel, Vương quốc Anh bởi nhà sáng lập Colin Chapman. Thương hiệu này còn tương đối mới lạ đối với người dùng tại Việt Nam. Theo Zing News, một số mẫu xe thể thao của Lotus từng được nhập khẩu tư nhân về Việt Nam với số lượng ít ỏi có thể kể đến như Lotus Evora GT, Lotus Exige Sport 420 Final Edition, Lotus Elise S2...
Wuling
Ngày 18/2, tại Hà Nội, CTCP Ô tô TMT (TMT Motors) thông báo, vào ngày 12/1, TMT Motors đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) - (SAIC - WULING), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện của GM - (SAIC - WULING) tại Việt Nam.
Trong khi đó, GM - (SAIC - WULING) là công ty liên doanh ô tô có doanh số bán ra đạt tổng cộng hơn 25 triệu xe. Liên doanh này là sự góp sức của ba cổ đông gồm: hãng General Motors của Mỹ với gần một nửa cổ phần, cùng SAIC Motor và Wuling Motors. Sản phẩm đầu tiên được triển khai và ra mắt thị trường Việt Nam là Wuling HongGuang MiniEV – mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong ba năm 2020, 2021, 2022.
Tới ngày 24/5, nhà sản xuất TMT Motors đã xuất xưởng chiếc ô tô điện mini đầu tiên của Việt Nam. Dòng xe này được sản xuất, lắp ráp bởi công ty liên doanh với hãng xe Mỹ, General Motors tại nhà máy Hưng Yên. Đây là cũng là nhà phân phối độc quyền mẫu xe điện cỡ nhỏ, giá rẻ này tại Việt Nam.
BYD
Đầu tháng 5 vừa qua, sau cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Chủ tịch kiêm sáng lập BYD, ông Wang Chuanfu, hãng xe Trung Quốc cho biết có kế hoạch sản xuất xe điện tại Việt Nam và mong có sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Ông Wang hy vọng Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để BYD hoàn thành các thủ tục đầu tư để có thể nhanh chóng bắt đầu sản xuất ô tô điện, bán ra tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á. BYD cũng có kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Phát ngôn viên hãng xe điện đã xác nhận qua email với tờ Bloomberg về kế hoạch sản xuất tại Việt Nam. Công ty không tiết lộ thêm chi tiết đầu tư nào. Dù vậy, tổng mức đầu tư dự án theo một số nguồn tin có thể lên tới 250 triệu USD.
BYD là công ty sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc có trụ sở ở Thâm Quyến. Ngoài Việt Nam, mới đây, hãng xe này cũng đã đầu tư tại Thái Lan và đang cân nhắc xây dựng nhà máy mới ở Indonesia, Philippines. BYD trước đó đã thực hiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho hai mẫu xe lai (xe hybrid) là BYD Destroyer 05 và BYD Cruiser 05 tại Việt Nam.
Geely
Theo Tạp chí điện tử Cơ khí & Đời sống, ngày 14/4/2022, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á Thái Bình dương của Tập đoàn Geely Automobile International Corporation Chiết Giang ông Will Wan đã cũng Chủ tịch TMT Bùi Văn Hữu đến chào và làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI).
Ông Will Wan nói trong buổi làm việc: “Chúng tôi đã tới Việt Nam rất nhiều lần để tìm hiểu về thị trường ô tô và lần này quay lại Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn bởi đây là thời điểm thích hợp để có thể quyết định đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam, khi mà Chính phủ đã sẵn sàng ủng hộ cho ngành công nghiệp này”
Tới đầu tháng 5 vừa qua, theo dữ liệu được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đăng tải, Geely đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp một số chi tiết ô tô như cản trước/sau, lưới tản nhiệt, trang trí, mâm hợp kim. Theo Dân Trí, giới chuyên gia nhận định, những bộ phận này thuộc về hai mẫu xe điện Geometry G6 và M6, đây là thương hiệu con của Geely.
Geely là một công ty ô tô đa quốc gia có trụ sở tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Công ty được thành lập vào năm 1986 và thuộc sở hữu tư nhân của tỷ phú Li Shufu. Năm 2020, công ty đạt doanh thu 92,1 tỷ nhân dân tệ.
Chery
Cuối năm 2022, trong buổi giới thiệu dòng SUV Omoda 5 thế hệ mới, hãng xe Trung Quốc Chery xác nhận sẽ sản xuất mẫu xe này tại Việt Nam vào năm 2024. Dự kiến, nó sẽ đối đầu với những "gương mặt" phổ biến tại thị trường trong nước bao gồm Toyota Corolla Cross và Hyundai Creta, theo báo Tiền Phong.
Trả lời Tiền Phong, nhà sản xuất xe hơi đến từ Trung Quốc cho biết: "Thay vì nhập khẩu qua một bên trung gian như hầu hết các thương hiệu ô tô Trung Quốc khác đang thực hiện ở Việt Nam, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xây dựng hệ thống đại lý chính hãng, giúp khách hàng có thể yên tâm hơn trong việc tiếp cận sản phẩm và các vấn đề liên quan tới hậu mãi.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ kết hợp với một đối tác để sản xuất xe hơi tại Việt Nam. Điều này giúp hãng xe làm chủ nguồn cung, linh kiện. Do đó, trong trường hợp sản phẩm gặp lỗi, chủ sở hữu sẽ không phải đợi lâu để sửa chữa, thay mới phụ tùng”.
Thời điểm đó, có tin đồn cho biết Chery sẽ kết hợp cùng tập đoàn Geleximco mở nhà máy tại tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, hãng xe đã phủ nhận điều này và nói rằng sẽ công bố thông tin chính thức trong thời gian tới.
Chery là nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc có trụ sở tại Vu Hồ, An Huy. Nhà sản xuất ô tô này được thành lập từ năm 1997 và đang sở hữu một số thương hiệu như Tiggo, Arrizo và Omoda.
Skoda
Vào tháng 2, sau hơn 5 tháng kể từ ngày ký kết thỏa thuận hợp tác với TC Motor, Skoda đã có website chính thức tại Việt Nam. Skoda là một nhà sản xuất ô tô của Cộn hòa Séc. Thương hiệu ô tô Skoda ban đầu có tên Laurin & Klement, được ra đời năm 1895. Năm 1948, Škoda Auto trở thành doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
Hiện tại, khi truy cập vào trang web chính thức của Skoda tại Việt Nam, danh mục sản phẩm vẫn chưa có bất kỳ dòng xe nào. Tuy nhiên, theo Dân Trí, Skoda sẽ đem về bốn dòng xe trong năm nay và đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu, gồm: Octavia, Superb, Karoq và Kodiaq.
Năm 2022 vừa qua là năm khó khăn đối với ngành công nghiệp ô tô. Mặc dù vậy, Skoda vẫn đang giữ vững “phong độ” với hơn 731.300 chiếc ô tô đã bàn giao cho khách hàng. Octavia vẫn là mẫu xe bán chạy nhất của Skoda, trong khi SUV Kamiq và Kodiaq cũng có những tín hiệu tốt và nhu cầu đối với dòng xe điện Fabia và Enyaq iV rất cao.