|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty công nghệ Trung Quốc liên tục tìm kiếm nhà xưởng xây sẵn tại Việt Nam

15:22 | 02/06/2023
Chia sẻ
Trước những biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu, đầu tư vào Việt Nam luôn là một yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ. Về cơ cấu vốn, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% về số dự án nhưng giảm 68,6% về số vốn so với cùng kỳ.

Báo cáo từ Savills Việt Nam nhận định sau khi các hoạt động được khôi phục trở lại hậu COVID-19, các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dù tới Việt Nam khảo sát thị trường nhưng họ phần nào cũng trở nên thận trọng và muốn tìm hiểu thị trường một cách kỹ càng hơn trước khi đưa ra quyết định. 

Ngoài ra, năm 2023, dòng vốn FDI còn chịu tác động thêm bởi chính sách thuế tổi thiểu toàn cầu. Điều này dẫn đến tình trạng thị trường trở nên ít sôi động hơn. Các tập đoàn lớn cũng trở nên cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư trong bối cảnh tác động kinh tế - chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, dù vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn. Điều này đã phần nào khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Trong đó, các chủ đầu tư từ châu Âu và Mỹ có nhu cầu tìm kiếm nhà xưởng xây sẵn khá lớn, đặc biệt là khu vực phía Bắc như Hải Phòng và Bắc Ninh. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc liên quan đến điện tử, linh kiện điện tử, chất bán dẫn, năng lượng mặt trời,… liên tục tìm kiếm mặt bằng nhà xưởng xây sẵn.

 Bên trong một nhà xưởng công nghiệp tại miền Bắc, Việt Nam. (Ảnh: Thiên Trường).

Chẳng hạn, đầu tháng 5, Nam Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc) để sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn trên diện tích gần 226 ha tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận.

Công suất thiết kế của nhà máy dự kiến đạt 4,5 triệu máy tính xách tay và máy tính để bàn một năm. Tổng vốn đầu tư dự án gần 2.830 tỷ đồng (khoảng 120 triệu USD). Nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2024.

"Chúng tôi muốn khởi động nhà máy mới càng nhanh càng tốt”, Giám đốc Quanta C.T. Huang, nói.

Trung tuần tháng 5, tỉnh Nghệ An cho biết Hon Hai Precision Industry hay còn gọi là Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) - đối tác sản xuất thiết bị cho Apple đã quyết định đầu tư dự án với tổng số vốn 100 triệu USD tại Khu công nghiệp WHA Nghệ An.

Dự kiến đến tháng 11/2024, nhà máy sẽ chính thức đi vào sản xuất với công suất thiết kế gần 400 triệu dây kết nối, hơn 94 triệu sạc không dây, gần 10 triệu tai nghe không dây, hơn 244 triệu loa và trên 627 triệu đầu kết nối mỗi năm…

Trong khi đó, Pegatron, công ty đứng thứ hai về sản xuất hợp đồng iPhone, đã đầu tư lớn vào thành phố biển Hải Phòng, và Wistron cũng có vẻ sẽ khởi động một nhà máy sản xuất máy tính cá nhân vào năm tới.

Hay dự án Boltun Việt Nam do hai nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) Boltun Corporation và QST International Corporation cũng đã nhận được chứng nhận đầu tư trị giá 165 triệu USD tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong. 

Những động thái này nằm trong kế hoạch đa dạng hoá sản xuất của Apple bằng cách chuyển một số bộ phận sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang các nước khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang mong muốn tận dụng tối đa cơ hội này. Ngày 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói với đại diện các công ty nước ngoài rằng thành công của các nhà đầu tư đồng nghĩa với sự thành công của Việt Nam.

Sức hấp dẫn của Việt Nam có thể đến từ thị trường lao động. Theo JETRO, lương cơ bản trung bình hàng tháng đối với người lao động tại Việt Nam là 277 USD, thấp hơn một nửa so với mức trung bình cơ bản hàng tháng của người lao động tại Trung Quốc là 607 USD. Ngoài ra, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên trong năm nay - thúc đẩy nhu cầu sản xuất tại địa phương.

“Về lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, mặc dù hiện nay chi phí nhân công tại Việt Nam có xu hướng tăng, song mức tăng này vẫn ở mức không đáng kể. Trong tương quan với các thị trường khác tại khu vực, thì chi phí này vẫn ở mức trung bình.

Song, dù Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhiều khoản đầu tư sản xuất mới và nền kinh tế đang tiến lên chuỗi giá trị nhưng vẫn thiếu nguồn cung lao động có tay nghề cao. 

Vì vậy, khi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Chính phủ cần đảm bảo chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực.

Cho đến nay, Việt Nam đã vạch ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo, song đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều”, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội, chia sẻ.

Thiên Trường